Bút kiếm Kim Dung

15/09/2005 22:03 GMT+7

Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Công ty Văn hóa Gia Vũ vừa ấn hành chuyên luận Bút kiếm Kim Dung của bốn tác giả: Dương Ngọc Dũng (chủ biên), Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Anh Vũ, quý III/2005, dày gần 730 trang.

 

Theo Nguyễn Tôn Nhan, vào những năm cuối thập niên 60 ở Sài Gòn "Tiểu thuyết võ hiệp mới của Kim Dung xuất hiện đã thay thế tiểu thuyết võ hiệp chương hồi cũ đã đi tới chặng đường cuối cùng với những kiếm khí ảo diện nên xa vời với cuộc đời quá. Kim Dung xuất hiện kéo chúng ta về lại cuộc đời thực với toàn bộ bi hoan đau đớn và hạnh phúc".

 

Chuyên luận này trình bày về võ hiệp Trung Quốc từ nguồn gốc đến những bước thăng trầm trong lịch sử, với nền tảng lập thế, nhân vật điển hình, dạng thức văn học, môi trường truyền bá, cơ chế sinh tồn và hướng đi tương lai. Phần tiếp theo, tổng luận về các tác phẩm như: Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Uyên ương đao, Liên thành quyết, Ỷ thiên đồ long kiếm, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký... đồng thời đề cập đến một số nhân vật võ hiệp của Kim Dung như: Vi Tiểu Bảo, Đoàn Chính Thuần, Tiêu Phong, Diệt Tuyệt sư thái, Mộ Dung Phục, Nhậm Ngã Hành, Du Thản Chi, Hư Trúc, Tiểu Siêu, Cưu Ma Trí, Địch Vân... Về Kiều Phong: "Bi kịch tuổi thơ của Kiều Phong bắt đầu tại Nhạn Môn quan. Và ông chấm dứt bi kịch đời mình bằng mũi tên tự đâm vào ngực cũng tại Nhạn Môn quan. Nhạn Môn quan ngàn đời sừng sững giữa hai nước Tống - Liêu như định kiến không thể phá bỏ nổi về quốc gia và biên giới trong tâm trí con người". Hai chương cuối, phân tích tư tưởng nghệ thuật của Kim Dung và võ học trong tiểu thuyết của ông.

 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.