Chào một "thiên thần hộ mệnh" cho trẻ em

19/09/2007 00:37 GMT+7

Đều đặn mỗi ngày 4 bận, trên giao lộ "tử thần" (quốc lộ 1A cắt đường liên thôn qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), xuất hiện một người đàn ông đội mũ cối, tay cầm 2 chiếc cờ hiệu, đeo băng-rôn đỏ đứng chờ bọn nhỏ đến lớp và trở về sau buổi tan trường. Người đàn ông này xuất hiện mỗi ngày để đưa những "chuyến đò cạn", như là vị thiên thần hộ mệnh cho lũ học trò nhỏ qua đường trên giao lộ đầy nguy hiểm này...

 

Gần 11 giờ trưa, trống tan trường gióng lên, lũ trẻ ùa ra như ong vỡ tổ. Ông Hồ Văn Điều đứng chờ sẵn ở ngã tư đường làng cắt ngang quốc lộ 1A với cờ hiệu trên tay. Đám trẻ lần lượt dừng lại ở phía sau lưng ông. Ngó ngược ngó xuôi, ông thổi còi, vẫy cờ xin nhường đường, đám trẻ kéo nhau theo ông qua phía bên kia quốc lộ. Đã quá quen thuộc, khi ông "hộ mệnh" chưa kịp trở lại, bọn trẻ đi sau lại tiếp tục đứng chờ. Từng tốp, từng tốp, có khi chỉ vài em, có khi vài chục, lần lượt được dẫn sang đường an toàn.

Đó là công việc thường ngày của ông Điều từ hơn hai năm nay. Đều đặn mỗi ngày 4 bận, bất kể mưa hay nắng, chưa đến 6 giờ sáng, ông đã có mặt tại giao lộ này để dẫn bọn trẻ sang đường đến trường. Trưa, chiều vẫn vậy. Hơn 100 học sinh của hai xóm 9 và 10 đến trường băng qua ngã tư đầy nguy hiểm này từ khi có ông đều tuyệt đối an toàn.    

Phân hiệu trường Tiểu học Quỳnh Văn B lập từ năm 2001. Từ khi chưa xuất hiện "ông hộ mệnh", 4 năm học, gần chục em học sinh đã thiệt mạng trên ngã tư này và hơn chục em khác bị thương khi băng qua đường vì tai nạn giao thông. Người dân kinh hãi gọi là "giao lộ tử thần". Vụ tai nạn gần nhất làm chết em Hồ Thị Nhung (lớp 4B). Buổi sáng, Nhung chở em trai (lớp 1) đến trường bằng xe đạp. Đến giao lộ này, thằng nhỏ nhảy xuống, Nhung vẫn tiếp tục đạp xe băng qua đường. Chiếc ô tô 4 chỗ ngồi chạy hướng bắc nam ngang qua đâm vào em, kéo lê trên đoạn đường dài. Nhung tử vong tại chỗ.

Hội phụ huynh học sinh đã nhóm họp ngay sau đó ít ngày. Ý kiến được mọi người, kể cả UBND xã ủng hộ là tìm người dẫn học sinh qua đường. Ông Điều đã tự nguyện làm việc này từ tháng 9.2005. Thỉnh thoảng ông vắng mặt, thế vào chỗ ông là bà vợ. Đều đặn, đúng giờ và an toàn, trên ngã tư này luôn có ông Điều hoặc vợ ông đứng túc trực trong các giờ trẻ đến và tan trường.

"Tui cân nhắc mãi vì sợ không làm tròn nhiệm vụ, lỡ sơ sẩy một tí là có tội lớn, nhưng mình không làm thì cũng khó ai làm giúp. Nghĩ đến bọn trẻ với những vụ tai nạn giao thông trước đây, rứa là tui nhận". Ông Điều làm ruộng, 5 sào ruộng không chưa đủ chi tiêu, còn nuôi mấy đứa con ăn học. Làm công việc "hộ mệnh" này, mỗi năm xã cấp cho ông 6 tạ thóc, tương đương với mỗi tháng 100 ngàn đồng. Đầu năm học này, hội phụ huynh trường thương ông vất vả và nguy hiểm, đã bỏ tiền ra mua cho ông tấm thẻ bảo hiểm thân thể. 

Hơn 11 giờ trưa, đã tan trường nửa tiếng đồng hồ, 4 cu cậu lớp 3 đang mải la cà với mấy hòn bi ve bên gốc cây. Ông Điều chạy vô trường, giục. Bọn nhỏ ôm cặp đứng dậy, cười cười. "Không vô nhắc là chưa chịu về. Bữa mô cũng phải chạy vô không là chúng nghịch quên cả về nhà". Ông Điều nói với chúng tôi. Hơn 100 học sinh ở bên kia quốc lộ, ông nhớ vanh vách mặt mũi từng đứa và đứa nào vắng mặt là ông nhận ra ngay.

    K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.