Cuộc chiến với ung thư - Kỳ 3: Loài người nặng gánh ung thư

22/11/2010 08:51 GMT+7

Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây (thơ Hồ Dzếnh). Ai có ngờ, khói thuốc lá lại bay vô sâu đến nhân của từng tế bào trong cơ thể, đánh phá các gen. Khói thuốc thấy nhẹ tênh nhưng làm trĩu nặng gánh ung thư.

>> Kỳ 1: Xuôi theo dòng chảy 
>> Kỳ 2: Từ nơi sâu thẳm của sự sống

Gánh nặng nghiêng phía nước nghèo

Ngày 1-6-2010, Cơ quan Quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) công bố gánh nặng ung thư trên toàn cầu của hai năm trước (GLOBOCAN 2008). Ung thư là sát thủ mạnh tay nhất so với các bệnh khác. Toàn hành tinh có 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người chết. Ung thư thường gặp ở phổi, vú, đại trực tràng. Ung thư gây chết nhiều nhất là ung thu phổi, bao tử và gan. Năm 2030 sẽ có xấp xỉ 21,4 triệu ca mới và 13,2 triệu ca chết hằng năm.

Có sự khác biệt lớn các loại ung thư từ vùng này sang vùng khác. Ung thư trĩu nặng hơn ở các vùng kém phát triển.

Ung thư phổi là loại thường gặp nhất, chiếm 12,7% tổng số ca ung thư mới trên toàn cầu. Tử suất cũng chiếm vị trí đầu (18,2% tổng số). Tác hại của khói thuốc lá thật rõ, chủ yếu của đàn ông. Phụ nữ hút ít hơn nhưng hít ké nên nguy cơ vẫn đáng lo.

Ung thư vú chiếm 23% ung thư phụ nữ, đứng hàng thứ hai toàn cầu (10,9% các loại ung thư).Có sự khác biệt rất lớn: ở Tây u có xuất độ 89,9/100.000, nghĩa là hằng năm có 89,9 phụ nữ mới mắc bệnh tính trên 100.000 người; ở Đông Phi xuất độ chỉ là 19,3. Tỉ lệ cao ở các nước giàu, thấp ở các nước nghèo. Rõ là có mối liên hệ ung thư vú và nếp sống phương Tây.

Ung thư đại trực tràng là loại thường gặp thứ ba. Có đến 60% xuất hiện ở các nước giàu, nguy cơ ở Úc và Tây u cao gấp 10 lần ở châu Phi (trừ Nam Phi). Chế độ ẩm thực khác nhau giải thích sự chênh lệch về nguy cơ.

Ung thư bao tử đứng hàng thứ tư sau ung thư phổi, vú và đại trực tràng. Hoành hành ở Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc). Dịch nhiễm vi khuẩn H.Pylori, khói thuốc lá và chế độ dinh dưỡng thiếu rau trái, thức ăn mặn là các yếu tố nguy cơ.

Ung thư gan là gánh nặng cho các nước đang phát triển, rất ác, gây tử vong hàng thứ ba toàn cầu. Nguy cơ thật cao ở Đông Á (Trung Quốc), Đông Nam Á, Trung và Tây Phi, gắn chặt với nguy cơ đại dịch viêm gan B và C, nghiện rượu nặng và nhiễm độc tố aflatoxin từ các hạt bị nấm mốc.

Tại con người, không phải tại trời

Ở Ấn Độ, ung thư hốc miệng (môi, lưỡi, viêm mạc má...) chiếm 30% ung thư đều cả đàn ông lẫn đàn bà. Cầm lá trầu têm vôi gói một miếng cau, một cục thuốc lá, bỏ vào miệng nhai, thỉnh thoảng ngậm một bên khóe miệng. Đến New Delhi tôi ngồi xề xuống lề đường chuyện trò và xem họ ăn trầu, giống ở xứ mình. Ung thư hốc miệng cũng hoành hành ở Pakistan, Bangladesh, tới xa tận vùng đảo Fiji và Papua New Guinea, nơi tục ăn trầu thịnh hành.

Nước ta nay rất hiếm ăn trầu, ung thư môi miệng của mấy bà già trầu cũng biến luôn. Ở nước Úc, ung thư da cao nhất thế giới. Màu da sáng của người Úc (hậu duệ của người da trắng từ châu u) không chịu nổi nắng cháy vùng gần xích đạo. Ít nhất hai trong ba người bị ung thư da vào khoảng tuổi 70. Tia cực tím của nắng nhiệt đới gây tổn hại phân tử DNA, làm đột biến gen của tế bào da dẫn đến ung thư.

Ở Singapore, ung thư đại trực tràng cao vọt từ 30 năm qua, nay chiếm vị trí đầu bảng phong thần. Người Hoa ở đây có nguy cơ cao hơn người Hoa ở Hong Kong, Thượng Hải, xấp xỉ ở phương Tây (Anh, Úc và Mỹ). Đây là thí dụ về sự gia tăng ung thư ruột ở các nước công nghiệp do nếp sống phương Tây: chế độ ăn nhiều chất béo, hút thuốc, ngồi một chỗ, ít vận động và béo phì do fast food (thức ăn nhanh).

Bụng làm dạ chịu

Ngày nay con người biết nhiều nguyên nhân gây bệnh. Khoảng 80% do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải.

Đại dịch thuốc lá từ nhà giàu sang nhà nghèo khoảng 30 năm trước, vấn đề thuốc lá và ung thư mới được báo động bước đầu. Rồi các tuyên ngôn chống thuốc lá ngày càng mạnh mẽ. Thuốc lá ra đòn sát thủ êm ái mà hết sức tàn độc. Khói thuốc lá chứa hơn 60 chất gây ung thư, không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người hít khói ké. Trong thế kỷ 20, thuốc lá giết khoảng 100 triệu người, cuối thế kỷ đã có đại dịch ung thư ở các nước giàu.

Cứ đà này sẽ có hơn 1 tỉ người tử vong trong thế kỷ 21, phần lớn ở các nước đang phát triển. Cơn dịch ung thư do thuốc lá đang chuyển từ nhà giàu sang nhà nghèo trên hành tinh chúng ta. Thuốc lá gây ra 1/3 gánh nặng ung thư trên hành tinh. Gánh nặng thêm do bệnh nhiễm.

Tại Hội nghị Florence 1974 tôi chưa biết virút gây ung thư ở người. Còn nay thì ôi thôi, mấy con virút, vi khuẩn và ký sinh trùng gây 20% ung thư của loài người. Các virút âm thầm mai phục, nay lần mai lữa, bệnh trổ ra thì trở tay không kịp. Viêm gan do virút HBV và HCV lâu ngày dẫn đến ung thư. Các virút HPV gây ra nhiều ung thư, đặc biệt là cổ tử cung. Vi khuẩn H.Pylori có thể gây ung thư bao tử.

Bệnh theo miệng mà vào. IARC ước định ăn uống không lành thêm 1/3 gánh nặng ung thư. Chế độ ăn không lành, thiếu vận động, béo phì đều gây bệnh tật đe dọa mạng sống.

Đừng để bụng làm dạ chịu. UICC có thông điệp 2010 “Ung thư cũng có thể phòng ngừa được” đánh động tới khoảng 2,4 tỉ người. Khoảng 40% các ung thư có thể phòng tránh. UICC khuyến khích mọi người theo nếp sống lành, loại bỏ khói thuốc lá, chú ý cả hút và hít ké. Tránh uống rượu quá đà. Phòng tránh bệnh nhiễm. Tập thể dục đều, ăn đúng ăn lành, giữ cân vừa phải.

Thấy người lại ngẫm đến ta

Thật đáng mừng: ung thư cổ tử cung xuống hạng quá rồi. Riêng tại TP.HCM đã giảm hơn phân nửa. Đó là nhờ có chương trình rà tìm tích cực (khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm Pap) từ nhiều năm. Thật đáng lo: ở cả hai giới, ung thư gan và phổi là hai loại đứng nhất và nhì. Rõ rồi, đại dịch viêm gan virút HBV và HCV đang hoành hành, ghiền bia rượu, thức ăn mốc meo chứa độc tố aflatoxin như thêm dầu vào lửa. Mấp mé gan, phổi cũng trĩu nặng ung thư. Phụ nữ VN ít hút thuốc mà bị bệnh khoảng phân nửa các ông: các bà hít ké.

Ung thư bao tử cũng thường gặp, nước ta trong vùng nhiễm vi khuẩn H.Pylori cao, ô nhiễm nặng khói thuốc lá và quen dùng thức ăn muối mặn (cá khô, mắm sống, mắm tôm...). Ở phụ nữ, ung thư vú thường gặp nhưng đứng sau ung thư gan, phổi. Các ung thư gan, phổi, bao tử khó trị, may thay có thể phòng ngừa. Các ung thư vú, đại trực tràng, cổ tử cung dễ trị lành nếu biết sớm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.