Vụ kiểm sát viên Nguyễn Pha Lê “quên án”: Khởi tố được, vì sao?

05/02/2004 10:18 GMT+7

Do ''bỏ quên'' 23 hồ sơ vụ án, dẫn đến hậu quả không thể truy tố, xét xử được 38 bị can đã bị khởi tố và có kết luận điều tra từ đầu những năm 1990, ngày 7/1/2004, kiểm sát viên (KSV) Nguyễn Pha Lê (VKSND quận Gò Vấp) đã bị VKSND tối cao khởi tố, bắt tạm giam do có dấu hiệu “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, cũng có thể tội danh của bị can Pha Lê sẽ thay đổi sau khi có kết luận điều tra.

Bị phát hiện từ một... đơn khiếu nại!

Cuối tháng 10/2003, từ đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Rỉ, người bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra từ năm 1992 (tố cáo việc VKS quận Gò Vấp truy tố không đúng người có hành vi phạm tội) do VKSND TP chuyển xuống, VKSND quận Gò Vấp đã rà soát lại và phát hiện ra hàng loạt hồ sơ các vụ án hình sự đã có kết luận điều tra do cơ quan công an chuyển qua đã bị các KSV làm thất lạc hay “bỏ quên” từ đầu những năm 1990 cho tới nay chưa ngó ngàng tới. Đáng chú ý là chỉ riêng KSV Nguyễn Pha Lê đã “bỏ quên” tới 23 hồ sơ liên quan tới 38 bị can. Với trách nhiệm của mình, lẽ ra KSV Nguyễn Pha Lê phải nghiên cứu hồ sơ, lập cáo trạng truy tố những bị can này để đưa ra xét xử nhằm làm rõ hành vi phạm tội của họ. Thế nhưng, với việc “không làm gì” của KSV như vậy, tất cả các bị can đều xem như đã “được” thoát tội một cách êm thấm!

Tại buổi làm việc ngày 25/12/2003 với Ban Pháp chế HĐND TP, ông Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTP, cho biết đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Về mặt kỷ luật, Viện “đã cách chức KSV đối với Nguyễn Pha Lê, buộc chuyển sang làm chuyên viên” nhưng về tố tụng thì đành “bó tay”, không thể khởi tố! Vì theo ông Bình, “sự việc diễn ra từ những năm 1990-1993, đã trên 10 năm nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, do vậy chỉ có thể xem xét về mặt dân sự, trách nhiệm bồi thường”. Tuy nhiên, ngay trong ngày 7/1/2004, tại cuộc họp HĐNDTP, ông Bình một lần nữa cho rằng không thể khởi tố hình sự đối với Nguyễn Pha Lê thì ngay chiều hôm đó, Nguyễn Pha Lê đã bị bắt tạm giam.

Tội danh về “chức vụ” hay “xâm phạm hoạt động tư pháp”?

Tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm về chức vụ
Những người có hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà nước, công dân được xem là phạm vào các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" thuộc nhóm tội phạm này. Trong vụ án Năm Cam, điều tra viên Đặng Hải Tương đã bị tuyên phạt về tội này do bỏ lọt vai trò của Thọ đại úy trong vụ giết hại anh Phan Lê Sơn.
Còn tội phạm về chức vụ do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nói chung.
Có thể nói dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Pha Lê đã rõ. Do “không làm gì” đối với 23 hồ sơ do mình thụ lý nên hậu quả đã xảy ra với mức độ có thể đánh giá ngay là rất nghiêm trọng. Theo những lời khai ban đầu của Nguyễn Pha Lê thì sở dĩ xảy ra sự việc trên là do quá tải trong công việc nên vô tình bỏ quên. Ông Trần Văn Tư, Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, cho biết thời đểm đó, “nhân sự ít, việc ghi chép sổ sách, quản lý hồ sơ đều viết tay nên khó tránh khỏi sai sót.

Mặt khác, Nguyễn Pha Lê lại phải làm thêm công tác tổng hợp, thống kê”. Đây cũng chính là những dấu hiệu ban đầu để Nguyễn Pha Lê bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể Nguyễn Pha Lê có dấu hiệu của tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự. Bởi Nguyễn Pha Lê đã không làm tròn nhiệm vụ của một KSV, những hành vi của Nguyễn Pha Lê có dấu hiệu của nhóm tội “xâm phạm các hoạt động tư pháp”. Trong khi đó tội danh “thiếu trách nhiệm ...” thuộc nhóm tội về chức vụ. Xét về mặt chủ thể, Nguyễn Pha Lê phạm tội “thiếu trách nhiệm...” liệu có hợp lý?

Chưa hết thời hiệu!

Xét về thời hiệu, trong vụ án này có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có quan điểm như của ông Trương Hòa Bình. Theo đó, luật hình sự quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm đối với tội ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội nghiêm trọng, 15năm đối với tội rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu đó được tính từ thời điểm tội phạm được thực hiện. Ở đây, Nguyên Pha Lê thực hiện tội phạm nghiêm trọng từ năm 1993 và thời hiệu là 10 năm nên đến nay đã hết thời hạn đó thì Nguyễn Pha Lê không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Ý kiến khác cho rằng hành vi phạm tội thiếu trách nhiệm trong trường hợp này thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm chứ không phải 10 năm. Tính từ năm 1993 đến nay vẫn chưa hết thời hạn 15 năm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Pha Lê.

Kiểm sát viên Nguyễn Pha Lê vào ngành kiểm sát trên 25 năm. Thời gian xảy ra vụ việc, Nguyễn Pha Lê phụ trách kiểm sát mảng hình sự và kiêm nhiệm công tác tổng hợp các loại án.

Cũng có ý kiến cho rằng tuy hành vi của KSV Nguyễn Pha Lê diễn ra từ năm 1993 nhưng lúc ấy chỉ đơn thuần là “bỏ quên” các hồ sơ vụ án, chưa gây ra hậu quả “thoát tội” nên chỉ thuộc phạm vi xử lý hành chính. Việc “bỏ quên” này chỉ cấu thành tội phạm thời điểm các bị can trong các vụ án “bị bỏ quên” thoát tội. Đó là vào năm 1998 (tức sau năm năm kể từ năm 1993)... Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với KSV Nguyễn Pha Lê phải tính từ năm 1998, tức thời điểm hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những bị can trong các hồ sơ mà Nguyễn Pha Lê đang thụ lý chứ không phải tính từ năm 1993. Từ những cách lý giải khác nhau, nhiều ý kiến nghiêng theo hướng hiện nay chưa hết thời hạn để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp của Nguyễn Pha Lê.

(Theo Pháp Luật TPHCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.