Cải cách hành chính để chống kẹt xe

21/09/2007 22:46 GMT+7

(Nhân đọc các bài TP.HCM hết đường xe chạy, Giải pháp giảm ùn tắc giao thông: đề xuất thu phí lưu thông xe cá nhân, TN 19.9 và 21.9.2007) Đơn giản hóa thủ tục, giảm hội họp để bớt đi lại lCác thủ tục hành chính rườm rà cũng góp phần đáng kể gây ách tắc giao thông. Các thủ tục hộ khẩu, nhà đất, các loại giấy tờ, đơn từ rườm rà không cần thiết, các cuộc họp triền miên quanh năm suốt tháng... đã khiến người dân, cán bộ, công chức đi tới đi lui quá nhiều, cần được giảm thiểu, cần được đơn giản hóa để bớt mất công đi lại.

Ngành ngân hàng cũng nên mở rộng các giao dịch ngoài giờ hành chính, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật để tăng tiện ích cho người dân (một số ngân hàng bắt đầu làm nhưng còn quá ít). Hiện nay phần lớn các giao dịch ngân hàng đều diễn ra trong giờ hành chính (trừ việc rút tiền bằng thẻ ATM). Tình trạng này khiến cho những người làm ở công sở, doanh nghiệp buộc phải sử dụng giờ hành chính (việc công) để đi ngân hàng (việc riêng), vừa gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, vừa góp phần làm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm. Nguyễn Minh (TP.HCM)

lTheo tôi, có rất nhiều công việc, ngành nghề nên áp dụng chế độ làm việc theo giờ tự do để tránh tập trung đi lại vào giờ cao điểm. Đó là những việc khoán làm ở nhà, làm xong đem đến nộp cho cơ quan, doanh nghiệp, có những việc chỉ cần nhận và gửi qua mạng internet thì không cần đến cơ quan. Việc hội họp cũng nên giảm thiểu, việc gì chỉ cần trao đổi thông tin qua điện thoại hoặc e-mail là xong thì không cần họp.

republic...@vnn.vn

Vấn đề không phải là thu phí giao thông

lTôi hoàn toàn ủng hộ việc thu phí giao thông đối với phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế mật độ xe hiện nay như nhiều nước đã làm ở các thành phố lớn. Tuy nhiên để làm tốt điều này thì Nhà nước cần có chính sách phát triển giao thông công cộng, đảm bảo người tham gia giao thông có thể đi đến hầu hết các trục đường lớn (và phải đi bộ ở những khu mua bán, những con đường nhỏ, ngắn), khi đó người tham gia giao thông mới có thể chấp nhận rời bỏ phương tiện giao thông cá nhân để đi làm, đi học,... bằng phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy thì mới giảm được phương tiện giao thông cá nhân trên đường. Nếu không thì lúc đó người tham gia giao thông vẫn phải chấp nhận đóng phí lưu thông cao để được đi phương tiện cá nhân, như vậy Nhà nước đã "vô tình" giảm thu nhập của người lao động, điều này sẽ tác động xấu đến những người có thu nhập thấp mà không có tác dụng chống ách tắc giao thông.

levansy.19...@gmail.com

lThu phí xe gắn máy là một hành động chèn ép người nghèo. Thành phố kẹt xe quá tải là do Nhà nước quá yếu kém trong vấn đề quản lý đô thị, quản lý yếu kém trong vấn đề quy hoạch giãn dân, bây giờ lại còn định ra luật đánh thuế lưu thông xe hai bánh là sao!

ktsdangnhu…@yahoo.com

Cái thì  ngổn ngang  trên đường,  cái thì vẫn nằm  trên giấy

Việc thi công các công trình giao thông luôn luôn bị quá thời hạn, kéo dài quá lâu, chất lượng kém, nhưng UBND TP.HCM vẫn chưa có các biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để. Chúng ta hãy quan sát: Đường Cộng Hòa chỉ dài khoảng 3 km nhưng làm mất 3 năm (từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2003), nếu không nhờ SEA Games 22 thì có lẽ còn kéo dài hơn nữa. Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một con đường trung tâm, huyết mạch và là cửa ngõ của thành phố đã trễ hạn từ lâu. Hiện nay trên đường này còn quá nhiều công trình chưa hoàn thành: Cầu Công Lý, cùng với các công trình tại đầu cầu phía Tân Sơn Nhất gần như chiếm hết toàn bộ phần lòng đường. Rồi đường bờ kênh Nhiêu Lộc, đường Pasteur, đường Trần Hưng Đạo, các con đường gần khu chợ Dân Sinh, đường Hàm Nghi... đều bị các công trình đang thi công chiếm gần hết mặt đường. Đây chính là các nguyên nhân lớn và trực tiếp gây nên ùn tắc giao thông. Ngoài ra vấn đề ngập lụt khắp nơi khi trời mưa to cũng là vấn đề ảnh hưởng lớn đến ùn tắc giao thông. Theo tôi, cần phải giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại trên mới có thể giảm nạn kẹt xe.

Tôi đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, tất cả đều có các hệ thống đường nhiều tầng, cộng với hệ thống giao thông công cộng rất phát triển như xe bus, metro (nổi, ngầm). Tôi đọc báo thấy TP.HCM cũng đang chuẩn bị thực hiện các dự án metro (xe điện nổi, ngầm), dự án bãi đậu xe ngầm tại Q.1, dự án cầu vượt tại các nút giao thông... nhưng các dự án đó chỉ mới nói, chưa thấy gì cụ thể. Với tình hình này thì chắc chắn vài chục năm nữa khi mật độ dân số tăng lên, tình trạng ách tắc giao thông sẽ thật là kinh khủng. Với diện tích nhỏ bé như hiện tại, TP.HCM sẽ bị tê liệt, không đi lại được.

Chiến lược phát triển TP.HCM với hàng chục thành phố vệ tinh xung quanh bắt buộc phải thực hiện, thực hiện nhanh chừng nào thì nạn ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết nhanh chừng ấy. Đây là giải pháp cơ bản nhất mà tất cả các nước trên thế giới đã và đang phải làm để giải quyết cơ bản vấn đề phát triển giao thông, phát triển kinh tế.

caoson…@yahoo.com

Là người đứng đầu thành phố, đứng đầu Sở GTCC thì khi đưa ra một ý kiến, một phương án chống ùn tắc giao thông thì trước tiên phải nghĩ đến lợi ích người dân trước đã! Nhu cầu đi lại của người dân rất lớn do đó việc sử dụng xe mô tô là xu thế tất yếu không thể cấm cản ngoài trường hợp có thêm phương tiện công cộng vừa nhanh vừa rẻ thì dân sẽ tham gia mà không cần sử dụng phương tiện cá nhân.  Xe điện ngầm là phương án hay nhất để chống kẹt xe nhưng vẫn nằm trên giấy từ 4-5 năm nay. Tại sao thành phố không tác động với Trung ương để đẩy nhanh xây dựng các tuyến xe điện ngầm mà thành phố đã có phương án. Theo tôi được biết cả quận 1 cũng không có một bãi đỗ xe hơi nào cả nhưng các dự án xây dựng bãi đậu xe và metro của thành phố đều đang nằm rất lâu trên bàn của Bộ Giao thông vận tải! Lỗi tại ai? Hãy nghĩ tới lợi ích người dân mà nhanh chóng triển khai các dự án trên đi! Còn người nào không làm nổi thì hãy nhường cho người có tâm huyết làm!

hiepbinh…@yahoo.com.vn

Xóa những điểm "thắt cổ chai"

Vấn đề không chỉ ở chỗ lượng xe tham gia giao thông lớn mà còn ở chỗ quy hoạch, mở rộng các tuyến đường chưa hợp lý. TP chỉ tập trung mở rộng những tuyến đường nhưng không tính đến tình trạng "thắt cổ chai" trong việc di chuyển của các phương tiện tham gia giao thông.

Ví dụ: Tại nút kẹt xe Cách Mạng Tháng Tám (CMT8), Cộng Hòa, Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Trọng Tấn. Rõ ràng tại điểm này không phải do lưu lượng xe quá lớn mà do bị "thắt cổ chai". Đường Lê Trọng Tấn vừa được mở rộng, mặt đường tốt nên các xe tập trung đi vào con đường này. Trong khi lưu lượng xe đi từ các tuyến đường khác vào đây không giảm nên xảy ra tình trạng kẹt xe ngay trên đoạn Tân Kỳ Tân Quý (chỉ dài chưa đầy 1 km). Khi xảy ra kẹt xe, các xe bắt đầy chạy vòng sang Cộng Hòa để đi ngược trở lại CMT8, dẫn đến kẹt xe ở gần giao lộ Tân Kỳ Tân Quý và Cộng Hòa, Trương Công Định và CMT8.

Hiện tại ở TP.HCM có rất nhiểu điểm "thắt cổ chai" như trên. Nói tóm lại, việc giảm nạn kẹt xe cần phải tính đến yếu tố tối ưu hóa lưu lượng giao thông sao cho hạn chế các điểm thắt cổ chai. Nếu làm được việc này, sẽ giảm được đáng kể các nút kẹt xẹ. 

Ngô Vương Tuấn Kiệt (TP.HCM)

Cứ nghĩ đến là cục tức tuôn trào

Vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay mà quý báo vừa nêu theo tôi thấy nguyên nhân chính là do các cấp quản lý. Hễ nói đến kẹt xe thì chỉ có mỗi biện pháp là cấm, là hạn chế. Tại sao không mở rộng đường, không tổ chức lại đường sá cho hợp lý? Đồng ý mở rộng là khó nhưng không phải không được. Biện pháp tối ưu vẫn là mở rộng đường (nhưng cứ nghĩ đến các dự án cầu đường làm là ăn chặn ăn bớt như chuyện cầu Văn Thánh thì cục tức cứ tuôn trào), đi đôi với  quy hoạch những khu kinh tế, khu công nghiệp ra ngoại thành, các tỉnh lân cận. Người tìm việc chứ việc không tìm người, cứ đưa những khu công nghiệp đến những vùng xa thành phố xem có tìm được người lao động không?

hukhong…@yahoo.com

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.