Việt Nam trong con mắt của người nước ngoài

25/01/2004 16:00 GMT+7

Mấy hôm nay là Tết, sinh viên xa nhà ai cũng nhớ đến Tết cổ truyền của dân tộc, những ai không về được dịp Tết đều cảm thấy nhớ gia đình và quê hương. Và 3 ngày Tết thì chẳng làm gì cho ra hồn hết nên rồi cuối cùng rủ nhau xem truyền hình. Có lẽ cũng vì Tết của người châu Á nên các chương trình truyền hình của Pháp cũng bắt đầu chiếu vài phim về châu Á và đi kèm là các chương trình giới thiệu về các nước châu Á. Khi đọc bản tin biết được kênh truyền hình France 3 sẽ phát sóng chương trình giới thiệu về Việt Nam vào tối mùng 2 Tết thế là tôi háo hức chờ xem.

Từ khi qua bên này du học, tôi cũng đã nhiều lần xem các chương trình truyền hình về Việt Nam, có nhiều chương trình nói không đúng sự thật cũng có những chương trình nói theo hướng sai lệch, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy họ nói thật về Việt Nam, một đất nước mà do công việc của mình, tôi đã đi hết các tỉnh thành, chưa có nơi nào tôi lại chưa đi qua. Vì thế tôi cảm nhận được những gì họ nói thật, làm mình cảm thấy phải viết gì đó để có thể gửi về cho mọi người cảm nhận một cài nhìn khác và tôi cũng chỉ muốn nêu lên vài điểm quan trọng.

Đất nước Việt Nam được trải dài trên đường biển, cuộc sống ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, có nhiều trẻ em không được đến trường đi học vì nghèo, vì không có phương tiện đi lại, có những trẻ em phải tự mưu sinh kiếm sống ngay khi còn rất nhỏ để phụ giúp gia đình, với truyền thống hiếu học tất cả những tất cả những người tôi gặp họ đều mong muốn con họ có thể học hành để thoát khỏi cái nghèo, nhưng điều nghịch lý ở Việt Nam chúng ta là ở bậc tiểu học và THCS vẫn còn phải đóng học phí, chúng ta đã mong muốn là phổ cập giáo dục, thì tại sao lại vẫn còn những người phải đóng tiền học phí?

Ở dãi đất miền Trung, từng người dân chịu thương chịu khó đang làm việc để có thể nuôi con ăn học, và họ làm việc cật lực, nhưng có lẽ họ vẫn ở bên lề của sự đổi thay mà chúng ta thường nói trong các buổi họp, đã từ bao đời nay vẫn vậy, người dân nghèo chỉ còn biết nuôi hy vọng. Xuống tới miệt vườn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những người nông dân cần cù vẫn phải bán cả một sọt lớn đậu bắp với giá là 52.000 đồng, trong khi ở bên Paris này chỉ 300gam đậu bắp đã có giá là 2,5 Euro. Hình ảnh của hai thành phố lớn nước ta Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là hai điểm quan trọng của hai đầu đất nước, nhưng vẫn là hình ảnh của hai thành phố lộn xộn và nhiều bất hợp lý.

Việt Kiều là nội lực quốc gia, như trong tuyên bố đầu năm của Thủ tướng chính phủ,  về điểm này là hoàn toàn đúng, chúng ta cũng cần phải có chọn lọc, có nhiều Việt Kiều mà tôi gặp bên này họ luôn hướng về quê hương, mong muốn làm cái gì đó cho quê hương, và ngày về quê luôn được chờ đợi trong sự xốn xang tận đáy lòng. Cũng có người không cần biết đến sự đổi thay nơi quê nhà chỉ một lòng để đáp trả lại những thù hận ngày xưa, và khơi lại những nỗi đau mà chiến tranh đã trôi qua gần 30 năm.

Có nhiều người khi trở về Việt Nam qua lại bên này lại tự hỏi có nên trở về Việt Nam nữa không, khi mà có quá nhiều bức xúc từ lúc bước chân đến sân bay và nhiều thứ nhiêu khê khác. Có người can đảm trở về quê nhà làm ăn và đụng phải nhiều vấn đề hành chính thủ tục mà có lúc họ tưởng không thể nào có chuyện phi lý đó.Có cả ngàn chuyện phi lý mà người trong nước như chúng ta sống lâu rồi trở nên quen và chấp nhận nó và thấy nó là chuyện bình thường. Với những bạn bè học cùng lớp với ta và những người nước ngoài từng làm ăn tại Việt Nam và cũng như bản thân tôi, điều lớn nhất mà đất nước chúng ta cần làm là cải cách hành chính đầy quan liêu và nạn tham nhũng đang tràn lan. Có rất nhiều quan chức nhà nước kể cả những nhân viên quèn của những công ty nhà nước, làm lương ba cộc ba đồng, nhưng họ có rất nhiều nhà cửa, xe hơi, tiền bạc đất đai…không cần kiểm tra cũng có thể biết là tham nhũng, hay chạy mánh hoặc là tận dụng quan hệ để làm ăn, vì với một người làm ăn chân chính nhận luơng thì chắc chắn là không đủ sống chứ đừng nói là có thể kiếm cho mình một mảnh đất, chính vì thế tư tưởng ăn sâu là những sinh viên mới ra trường có chạy chọt để vào cơ quan nhà nước nào đó để rồi từ từ lấy lại vốn.

Đất nước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, khi so sánh trong khu vực, dưới con mắt của nhiều doanh nhân nước ngoài thì thị trường Việt Nam đầy tiềm năng kinh tế và cũng nhiều rũi ro, nhưng nếu khó khăn và nhiêu khê thì họ đã có Trung Quốc bên cạnh là đất nước mà tiềm năng của nó đang làm cả thế giới lo ngại, kể cả những nước như Mỹ và cả cộng đồng châu u. Chúng ta cần làm một thứ gì đó, bằng cách xây dựng lại hệ thống hành chính và một thứ luật hành chính tốt hơn, để trước mắt phục vụ lại nhân dân, giảm đi nạn tham những và xây dựng đất nước mà từng người dân Việt Nam đang mong đợi.

andrey_bob@yahoo.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.