Luẩn quẩn phim truyền hình

09/10/2009 23:50 GMT+7

Phim Việt ngày càng chiếm nhiều giờ phát sóng trên truyền hình. Số lượng phim được sản xuất ngày càng nhiều, nhưng đề tài thì cứ luẩn quẩn...

Tình yêu học trò, xung đột gia đình

Lướt qua hàng loạt phim đã, đang và chuẩn bị phát sóng thời gian gần đây trên các kênh truyền hình, dễ thấy đa số đều tập trung vào đề tài tình yêu tuổi học trò, tuổi đôi mươi; những xung đột trong gia đình, ngoài xã hội như: Cầu vồng đơn sắc, Hạnh phúc có thật, Cô nàng bất đắc dĩ, Đại gia đình, Gió nghịch mùa, Siêu mẫu xì trum, Nhất quỷ nhì ma, Ngôi nhà hạnh phúc, Những thiên thần áo trắng, Tia chớp nhỏ, Ký ức mong manh, Dù gió có thổi...  Đa số những bộ phim này đều do các hãng tư nhân sản xuất, vì vậy chuyện thỏa mãn nhu cầu thị trường là không có gì khó hiểu. Bởi thế, khi một bộ phim về đề tài nào ăn khách, lập tức hàng loạt phim nội dung na ná sẽ ra đời. Bỗng dưng muốn khóc lôi cuốn khán giả kéo theo việc thực hiện tiếp Những thiên thần áo trắng, Ngôi nhà hạnh phúc... là một ví dụ.

Rải rác xuất hiện vài bộ phim về một số đề tài khác như truy quét tội phạm hình sự, quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái qua các phim như: Cảnh sát hình sự, Chạy án, Cha dượng...; hay về nghề nghiệp như: Nghề báo, Gia tài bác sĩ, Blouse trắng, Câu chuyện pháp đình, Công ty thời trang... Tuy nhiên, như thế vẫn là quá ít so với số lượng phim truyền hình được sản xuất ào ạt như hiện nay. Phim truyền hình gần như thiếu vắng những đề tài dành cho thiếu nhi (hoặc nếu có thì chất lượng chưa tốt, không thu hút khán giả nhỏ tuổi), phim dành cho tuổi trung niên và thậm chí là người lớn tuổi. Ngoài ra, do thị hiếu xem phim của khán giả hiện nay khiến những hãng phim tư nhân chạy theo phong trào làm phim đậm phong cách Hàn Quốc để đảm bảo doanh thu quảng cáo, thu được lợi nhuận. Do vậy rất khó để người xem có dịp thưởng thức những bộ phim với thể loại và đề tài khác biệt.

 
"Rõ ràng chúng ta đang thiếu vắng kịch bản hay dành cho nhiều lứa tuổi. Để đảm bảo "an toàn" về lợi nhuận, các nhà sản xuất phim tư nhân không dám phiêu lưu, chỉ làm cái khán giả cần, khán giả thích. Trong khi vai trò điều tiết của các đài truyền hình tỏ ra khá mờ nhạt, có gì chiếu nấy, không phân định rõ tỷ lệ phát sóng các loại phim khác nhau, miễn có phim VN được chiếu là đạt yêu cầu "nội địa hóa" phim Việt trên truyền hình" - đạo diễn Xuân Cường.

Cần sự điều tiết của nhà đài

Chọn lựa kịch bản để sản xuất phim, xếp lịch chiếu là do các đài truyền hình quyết định. Vì vậy việc điều tiết tỷ lệ phim, giờ phát sóng và cả lên kế hoạch sản xuất phim dành cho mọi lứa tuổi là điều cần thiết. Không thể nào giữ mãi cách hành xử như một số đài truyền hình hiện nay đang làm là cho phát sóng ào ạt phim Việt Nam, bất kể đề tài gì. Bởi thế mới có chuyện một đài truyền hình phát cùng lúc 2 bộ phim là Tường vy cánh mỏng và Một ngày không có em với dàn diễn viên tương tự nhau, nội dung thì na ná khiến khán giả xem phim nhầm lẫn.

Đối với các hãng phim truyền hình như TFS, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sử dụng kinh phí của Nhà nước làm phim, có lẽ nên triển khai nhiều đề tài khác của cuộc sống đương đại, về thiếu nhi, cuộc sống của người Việt đang làm việc, công tác tại các nước, đặc biệt là các đề tài về lịch sử dân tộc... nhằm đa dạng hóa thể loại phim, tạo nên những món ăn tinh thần phong phú cho công chúng thưởng thức. Sự điều tiết hợp lý của các đài truyền hình đi đôi với việc các hãng phim nhà nước sản xuất nhiều bộ phim hay với đủ thể loại sẽ khiến các hãng phim tư nhân mạnh dạn thực hiện những đề tài khác nhau.

 
Poster phim Dù gió có thổi đang chiếu trên HTV3 - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.