Phòng trà thời ế ẩm

01/10/2008 23:05 GMT+7

Nếu không có “chiêu” mới, thì nhiều phòng trà ở TP.HCM sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh bởi tình trạng ế ẩm kéo dài.

Có một thời các phòng trà nở rộ, khán giả tha hồ chọn cho mình một địa điểm thưởng thức ca nhạc ấm cúng, với những dòng nhạc, ca sĩ mình thích. Nhưng thời gian vừa qua, hàng loạt phòng trà đã theo nhau ngưng hoạt động. 2B, Lạc Cầm, Tiếng Dương Cầm... tạm ngưng; Tình Ca lấy lý do sửa chữa tạm đóng cửa, Văn nghệ chỉ thấy kinh doanh cà phê... Chỉ một số ít phòng trà cầm cự được như Không Tên, ATB, Văn Nghệ, Đồng Dao, n Nam.

Lý giải tình trạng này, chủ phòng trà Văn Nghệ nói: “Do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là tình hình kinh tế khó khăn, lại vào mùa mưa bão nên ít khán giả. Quả là đáng tiếc, vì trước đây đã từng xuất hiện nhu cầu xem - nghe ca nhạc phòng trà ở khá đông khán giả”. Chủ một phòng trà lớn cho biết thêm: “Việc ca sĩ rao giá cát-sê... trên trời cũng làm chúng tôi lao đao. Nếu muốn thu hút khách thì cần có ca sĩ hàng sao, đồng nghĩa với trả cát-sê cao, phụ thu cao, cuối cùng khán giả... sợ không dám đến nữa. Hiện chúng tôi chỉ có ca sĩ “thường thường” hát hằng đêm nên cũng không dám hy vọng khán giả đến với mình đông đảo”.

Bởi quá khó khăn nên những chủ phòng trà tại TP.HCM đều khẳng định thời buổi này không còn chuyện cạnh tranh giữa các phòng trà nữa mà phải tìm ra “chiêu” mới để khách đến với mình. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, chủ phòng trà ATB, dù trải qua bao thăng trầm có lúc tưởng chừng đóng cửa, nhưng phòng trà vẫn cố cầm cự với nhiều chương trình... không giống ai, như mời vài ca sĩ lạ, mời nhạc sĩ đã vắng bóng từ lâu xuất hiện trở lại. Các chương trình này như một món là lạ, cũng được bạn bè, khán giả thương mà ủng hộ. Gần đây phòng trà mới thông báo “chiêu” vừa uống cà phê vừa nghe chuyên gia giải đáp, tư vấn về tình yêu - hôn nhân - gia đình vào mỗi tối thứ ba hằng tuần.

 

Phòng trà M&Tôi - Ảnh: N.S

Được nhắc đến nhiều nhất với nhiều chương trình được đầu tư với số tiền không nhỏ là phòng trà Không Tên và Văn Nghệ. Dù địa điểm không thuận tiện lắm và số lượng ghế ngồi cũng vừa phải, song Văn Nghệ vẫn sống hằng đêm bởi bà chủ Xuân Hòa rất "chịu chơi". Mỗi khi đưa một số ca sĩ nổi tiếng hải ngoại về Việt Nam biểu diễn như Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Carol Kim, Kim Anh, Đặng Tuyết Mai, Anh Khoa, Quang Bình, Quang Thành, Sunny Lương là cầm chắc lỗ, nhưng Xuân Hòa vẫn “máu” lắm. Chị tâm sự: “Để lôi kéo và giữ chân khán giả, tôi quan niệm chương trình phải có chất lượng cao và những tiết mục rất riêng của Văn Nghệ. Ca sĩ chúng tôi sống như gia đình là không chạy show hằng đêm mà kiên trì trụ một chỗ. Dù khán giả rất vắng nhưng ca sĩ vẫn thực hiện đầy đủ tiết mục. Với các ca sĩ hải ngoại, cũng có lúc doanh thu không đạt nhưng chúng tôi vui mừng vì đã làm cầu nối để ca sĩ - khán giả gặp gỡ nhau sau hàng chục năm xa cách. Hiện tại tôi đang làm thủ tục để mời thêm một số ca sĩ trở về vào dịp cuối năm mong làm hài lòng mọi người”.

Khác với Văn Nghệ, nhạc sĩ Lê Quang - ông chủ phòng trà Không Tên - rất ngại phải mời ca sĩ hải ngoại về diễn vì chi phí cao mà số lượng khán giả tại phòng trà lại quá ít. Theo anh, “chiêu” quen thuộc của Không Tên là linh hoạt biến đổi chương trình theo nhu cầu của khách. “Nếu đêm nào có ngôi sao thì an tâm về lượng khách, đêm "không sao" thì nhìn khán giả để làm chương trình. Nếu người xem có tuổi thì mình yêu cầu ca sĩ hát nhạc tiền chiến, những tình khúc bất hủ; còn người xem trẻ, ca sĩ sẽ hát nhạc sôi động, nhạc ngoại chẳng hạn”. Với cách kinh doanh này, cộng với mối quan hệ thân thiết của ông chủ với ca sĩ, đến nay Không Tên là một trong số hiếm hoi phòng trà không bị thua lỗ.

Một số phòng trà vì đầu tư lớn nên “bắt” khán giả gánh phụ thu quá cao, kết quả là người xem ngày càng xa lánh phòng trà...

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.