Bến cảng đầu tiên đón đồng bào Miền Nam tập kết - Bài 1: Chứng tích duy nhất

12/10/2009 14:31 GMT+7

Cách đây 55 năm, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 15/10/1954, tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày nay (bến Sầm Sơn cũ) là điểm đầu tiên trên đất Bắc đón tiếp đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc.

Từ nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ, học sinh được di chuyển đến nhiều vùng miền khắp Miền Bắc để học tập, rèn luyện và xây dựng kinh tế. Những ngày này, PV Tiền Phong trở lại Sầm Sơn, gặp các nhân chứng lịch sử.

Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ thị xã Sầm Sơn, xã Quảng Tiến nằm ở phía bắc của thị xã du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) - nơi có cảng Lạch Hới - bến cảng đầu tiên đón các cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên Miền Nam tập kết ra Bắc vào ngày 15/10/1954.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa, để chuẩn bị cơ sở vật chất đón đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên Miền Nam tập kết ra miền Bắc, các chi bộ đảng ở Sầm Sơn lúc bấy giờ đã huy động nhân dân xây dựng khu lán A (dài 500m, rộng 30m) dọc bến xóm Toàn đến xóm Thành Lập; khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc (xã Quảng Tiến ngày nay).

 

Ông Trần Trí Hợi trao đổi với phóng viên

Trong những ngày ở Sầm Sơn, chúng tôi gặp ông Trần Trí Hợi (87 tuổi) là bí thư chi bộ, chủ tịch UBND xã Quảng Tiến lúc bấy giờ - người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân địa phương đón tiếp đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc.

Ông Hợi kể: “Được cấp trên giao nhiệm vụ, lực lượng dân quân, nhân dân xã Quảng Tiến và các địa phương lân cận đã huy động đóng góp hàng chục nghìn cây luồng, rồi vận chuyển đất, đá làm đường từ trụ sở của Sầm Sơn ra bến Lạch Hới để đón đồng bào miền Nam.

Ngày đó, các chuyến tàu biển rất lớn đưa đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc, không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài cây số. Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào mình vào đất liền.

Mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Tôi còn nhớ, các cháu thanh, thiếu nhi được được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ... tiếp đón đồng bào Miền Nam đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào ruột thịt của mình...”.

Trước khi đón đồng bào Miền Nam trên các chuyến tàu biển, tại bến Sầm Sơn đã diễn ra cuộc trao trả các chiến sĩ của ta bị Pháp bắt. Hàng ngàn đồng bào ở Sầm Sơn và các huyện lân cận đứng chật hai bên đường chào đón những người con thân yêu, đồng bào mình được trở về quê hương.

Sau khi hoàn thành việc trao trả, tổ chức đảng và nhân dân Sầm Sơn lại tham gia đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.

Mong mỏi của người Sầm Sơn

 

Mảnh đất từng làm lán nghỉ tạm cho đồng bào Miền Nam năm xưa - Ảnh: Hoàng Lam

Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, bến Sầm Sơn xưa - nay là cảng cá Lạch Hới trở thành một trong những bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Cảng cá này hiện có chỗ đậu cho 450 đến 500 tàu, thuyền đánh cá các loại. Hiện tại cảng Lạch Hới, UBND thị xã Sầm Sơn xây dựng một bức tường có gắn bảng ghi dòng chữ: Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam.

Đây là chứng tích duy nhất trên mảnh đất này để ghi lại sự kiện lịch sử trọng đại cách đây 55 năm.

Sau khi lên đất liền nghỉ tại Sầm Sơn một thời gian, hầu hết đồng bào, Miền Nam được di chuyển, phân công đến các địa phương khác ở miền Bắc để học tập, rèn luyện và tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Các công trình lán, trại đón đồng bào miền Nam ruột thịt ngày đó ở Quảng Tiến sau này được phá dỡ, dành đất cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong số người Miền Nam ở lại công tác, làm việc tại Sầm Sơn suốt mấy chục năm qua có nhiều người đã hy sinh, mất trên mảnh đất vùng biển này.

Hiện nay, tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Sầm Sơn có 15 ngôi mộ của các chiến sĩ Miền Nam (quê ở Bình Định, Quảng Trị, Tây Ninh, Sài Gòn...) sau khi tập kết ra Bắc đang yên nghỉ trong vòng tay chăm sóc của người Sầm Sơn.

Nhân dân thị xã Sầm Sơn hôm nay nhiều người không khỏi bùi ngùi khi kể về sự kiện đón đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 55 năm.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Văn Truyền - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đề nghị: “Với những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Sầm Sơn trong việc đón tiếp, nuôi dưỡng đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 55 năm, địa phương rất xứng đáng được xây dựng một công trình văn hóa, lịch sử nhằm ghi nhận, lưu giữ những tài liệu quý về sự kiện này.

Chính quyền thị xã rất mong cấp trên quan tâm đến địa danh cảng Lạch Hới - nơi đầu tiên đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để đây sẽ trở thành địa chỉ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ hôm nay và du khách thập phương mỗi lần về với thị xã du lịch Sầm Sơn...”.

Theo Hoàng Lam / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.