Nơi họ tìm đến những khi tuyệt vọng

01/10/2008 15:48 GMT+7

Những người bị HIV/AIDS tìm đến đây không chỉ để được học cách tự bảo vệ bản thân, mà còn tìm thấy sự thông cảm và chia sẻ thực sự của những y, bác sĩ... Chị H., ở Hà Nội, phát hiện mình bị nhiễm HIV khi sinh đứa con đầu lòng, do đã từng nạo phá thai tại bệnh viện tư không đảm bảo vệ sinh.

Quá bất ngờ và đau đớn, chị đã có lúc nghĩ đến cái chết. Nhưng nhờ những lời động viên, an ủi của những người thân, chị đã tìm đến trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí để được chia sẻ những kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân. Cảm nhận được sự chân thành ở những y bác sĩ tại trung tâm, chị H. đã vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý, và tìm được cho mình một điểm tựa trong những lúc tuyệt vọng...

Cùng chung một tâm trạng như chị H., anh L. không may mắc phải căn bệnh thế kỷ do một lần say rượu, anh đã không làm chủ được bản thân và quan hệ với gái mại dâm. Xấu hổ với vợ con và hối hận với chính bản thân mình, anh L. bỏ nhà ra đi, điểm đến trong lúc tuyệt vọng là Trung tâm Vì sức khỏe cộng đồng (132 Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội).

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận được ở những trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí tại Hà Nội. Thuộc dự án Life Gap (chương trình phòng chống HIV/AIDS do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ), từ khi ra đời tại Hà Nội năm 2003, các trung tâm này đã tiếp nhận mỗi ngày trung bình khoảng 20 người đến tư vấn và xét nghiệm HIV. Và hơn nửa trong số đó đã coi nơi này là ngôi nhà thứ 2 của mình. "Có rất nhiều người đã quay trở lại đây để được trút bầu tâm sự và tìm chỗ dựa tinh thần cho mình mỗi lần tuyệt vọng. Họ đã coi chúng tôi như người bạn tâm giao để bộc lộ hết nỗi niềm", chị Nguyễn Thị Đông - nhân viên của dự án - chia sẻ.

Như tên gọi của dự án "Vì sức khỏe cộng đồng", những nhân viên của các trung tâm xét nghiệm và tư vấn HIV miễn phí luôn xác định mình là chỗ dựa tinh thần cho các khách hàng. Ngoài những khóa học về cách thức tư vấn, các y bác sĩ tại các trung tâm này còn phải trang bị cho mình những kỹ năng khác như sự kiềm chế bản thân trước những sự cố xảy ra. "Chúng tôi đã nhiều lần gặp những người thiếu thiện chí, họ cho rằng đã là trung tâm miễn phí thì yêu cầu gì của họ cũng phải được đáp ứng. Có người ngày nào cũng đến đòi xét nghiệm, rồi không tuân theo nguyên tắc của chúng tôi khiến công việc của mọi người bị gián đoạn và khó khăn", bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc nói.

Đôi khi những nhân viên ở đây còn phải đối mặt với những trạng thái cảm xúc quá đà của khách hàng. Có người đã vật vã đến ngất xỉu khi biết tin mình bị nhiễm HIV, rồi lại có những người do quá xúc động đã ôm chặt lấy nhân viên tư vấn. Những điều đó không làm các nhân viên dự án nản lòng, họ chỉ coi đó như kỷ niệm nhỏ hoặc có chăng chỉ  là một vài "sự cố nghề nghiệp" - mà họ đã chuẩn bị tâm lý trước đó để đối mặt.

"Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc trao đổi với khách hàng. Để tạo cho họ sự gần gũi và tin tưởng, thì dù có mệt mỏi và khó khăn đến đâu chúng tôi cũng cố gắng đến cùng", bác sĩ tư vấn Nguyễn Thị Ngọc chân thành nói với chúng tôi. Để khách hàng có thể tin tưởng và nói đúng hoàn cảnh bị mắc bệnh không phải là điều dễ dàng. Có những người phải thuyết phục đến cả một ngày họ mới bắt đầu tâm sự thật nguyên nhân của mình, lại có những người đòi hẹn gặp riêng bác sĩ tư vấn ngoài giờ làm việc... Hy sinh một chút thời gian cá nhân, chịu khó lắng nghe và kiên nhẫn thuyết phục..., tất cả những người làm công tác tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí đều chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của công việc.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn làm việc tại dự án này, các nhân viên trung tâm "Vì sức khỏe cộng đồng" đều có chung một câu trả lời, đó là mong muốn đóng góp công sức bé nhỏ của mình để có thể ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.

Phương Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.