Đầu năm học đã stress

15/10/2010 11:36 GMT+7

Nhiều học sinh cần tư vấn tâm lý vào đầu năm học do đối diện những thay đổi khi sang một cấp học mới, lớp mới và thầy cô mới.

N.T.L là học sinh lớp 12, được cha mẹ đưa đến Trung tâm Công tác xã hội trẻ em của Sở LĐ-TB-XH TPHCM để tư vấn. Theo lời kể của mẹ L., gần đây em có nhiều hành vi bất thường như lầm lì, ít nói. Thỉnh thoảng, gia đình phát hiện L. mang theo dao vào phòng tắm, nhốt mình trong đó khá lâu. 

Áp lực trước cái mới
 
TS Thạch Ngọc Yến, người trực tiếp tư vấn cho L., cho biết: “L. bảo tâm trạng của mình rất căng thẳng kể từ khi vừa vào năm học mới, đối diện nhiều áp lực của một lớp cuối cấp”.
 
Một cậu bé học lớp 3 sau mấy tuần nhập học bất chợt đòi nghỉ. Sau nhiều lần gặng hỏi, em mới tiết lộ thầy chủ nhiệm hay xé tập khi học sinh làm bài sai, khiến em rất sợ. “Một số cư xử thiếu tế nhị của giáo viên đã làm đứa bé cảm thấy năm học mới đem đến nhiều áp lực. Trẻ em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, những hành động như thế rất dễ dẫn đến stress”- TS Yến giải thích.
 
Nhiều học sinh lớp 1 được cha mẹ đưa đến trung tâm để xin tư vấn vì những biểu hiện sa sút, sợ hãi do sự chênh lệch giữa những em đã đọc viết rành rẽ, cô giáo hỏi gì cũng biết còn mình thì như tờ giấy trắng nên mặc cảm. Các chuyên gia tư vấn lưu ý nguy cơ trầm cảm là một vấn đề rất cần lưu ý ở nhóm trẻ này.
 
Theo ông Chung Hùng Bang, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, trong những tháng đầu năm học, lượng học sinh tìm đến tư vấn cũng như gọi qua đường dây nóng gia tăng. 
 
Bà Bùi Thị Kiều, tư vấn viên của Phòng Tư vấn tâm lý – Hướng nghiệp Trường THPT Marie Curie (quận 3-TPHCM), cũng cho biết thời gian gần đây, học sinh tìm đến nhờ tư vấn khá nhiều, phổ biến là những rắc rối phát sinh từ học tập và quan hệ học đường.
 

Phát huy vai trò tư vấn viên học đường

“Tư vấn viên phải kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và phụ huynh để nhanh chóng phát hiện những trẻ có dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Cần tạo niềm tin để các em tìm đến và bộc bạch” – bà Bùi Thị Kiều đưa ra hướng giải quyết và bày tỏ mong muốn phòng tư vấn tâm lý học đường ở các nhà trường sẽ kết nối với các bác sĩ chuyên khoa để kịp thời hỗ trợ trẻ nếu tình hình vượt quá tầm.

Theo các chuyên gia giáo dục, tư vấn viên cần như một người bạn mà học sinh tin cậy để chia sẻ, có kiến thức để giúp các em xử lý tình huống trong môi trường học đường, gia đình và cả ngoài xã hội. Công tác hướng nghiệp, dạy kỹ năng... cũng giúp các em ổn định tâm lý, thêm hiểu biết để tránh stress.

Bà Kiều cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng học sinh cần tư vấn gia tăng vào đầu năm học là việc các em phải đối diện với những thay đổi khi sang một cấp lớp mới và môi trường học tập thay đổi (thầy cô mới, bạn mới, cách học mới...).

Rối loạn hành vi do stress kéo dài
 
Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường ở một trường THCS kể: “Mới đây, một học sinh lớp 9 đã vén tay áo lên cho tôi xem những đường rạch bằng dao lam và giải thích rằng đó là một cách để làm cho em thoải mái hơn mỗi khi cảm thấy đuối trong việc học hành và bị la mắng”. Em này vốn là một học sinh giỏi nhưng gia đình thì lại chưa bao giờ hài lòng.
 
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, rối loạn tâm thần có thể xuất phát từ việc trẻ bị stress kéo dài do áp lực thành tích học tập, dẫn đến bệnh lý. “Cần lưu tâm đặc biệt đến hành động trẻ tự hủy hoại (như rạch tay, làm tổn thương cơ thể).
 
Đây là một biểu hiện rối loạn tâm thần cần được phát hiện và điều trị nhanh chóng, tránh hậu quả nặng nề” - bác sĩ Thắng nhấn mạnh. Ông cho biết rối loạn tâm thần biểu hiện qua sự bất thường ở tư duy, cảm xúc, tri giác, hành vi, tác phong.
 
Biểu hiện rối loạn về hành vi có thể bao gồm cả những cư xử bất thường như chống đối, tìm cách ăn mặc hoặc ứng xử khác người. Do vậy, gia đình, nhà trường cũng như bộ phận tâm lý học đường nên theo dõi, nhận biết sớm khi các em có những căng thẳng chuyển biến thành bệnh lý tâm thần để kịp thời hỗ trợ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.