Cuộc chinh phục mặt trăng của người Nhật

14/09/2007 22:41 GMT+7

Sau nhiều năm nỗ lực với không ít khó khăn và thất bại, hôm qua Nhật Bản đã phóng thành công tàu thám hiểm mặt trăng đầu tiên của mình. Đây là dự án chinh phục mặt trăng lớn nhất kể từ sau chương trình Apollo của Mỹ.

Tên lửa H2-A do Nhật chế tạo mang theo tàu thăm dò SELENE nặng 3 tấn bay vút lên trời xanh, để lại một đám mây lớn phía trên đảo Tanegashima, cách thủ đô Tokyo 1.000 km về phía nam. Cuộc chinh phục mặt trăng của người Nhật đã bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 phút sáng qua. Tàu SELENE tách khỏi tên lửa trên bầu trời Chile khoảng 45 phút sau khi cất cánh. Nó sẽ bay quanh quỹ đạo Trái đất 2 lần và rồi vượt qua 380.000 km để đến mặt trăng. Theo Hãng tin Reuters, các nhà khoa học Nhật cho rằng dự án SELENE, trị giá 479 triệu USD, là dự án thám hiểm mặt trăng quy mô nhất kể từ khi có chương trình Apollo của Mỹ vào các thập niên 60 và 70. Chuyến thám hiểm mặt trăng lần này của Nhật, ngoài tàu SELENE, còn có 2 vệ tinh được trang bị 14 thiết bị quan sát nhằm khảo sát địa hình bề mặt, trọng lực và những đặc điểm khác nhằm tìm ra manh mối về nguồn gốc và sự biến đổi của mặt trăng.

Chương trình không gian của Nhật do các trường đại học và phòng thí nghiệm của chính phủ khởi xướng vào những năm 50. Theo website Jaxa.jp, Nhật đã phóng vệ tinh đầu tiên của mình vào năm 1970, trở thành nước thứ tư thực hiện việc này sau Liên Xô, Mỹ và Pháp. Chương trình do Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA), được thành lập vào tháng 10.2003, điều hành với ngân sách thường niên khoảng 1,6 tỉ USD. Chương trình gặp khó khăn vào cuối thập niên 90, sau 2 vụ phóng không thành công tên lửa H-2. Thảm họa tiếp tục xảy ra vào năm 2003 khi Nhật phải phá hủy một tên lửa H-2A mang theo 2 vệ tinh chỉ vài phút sau khi phóng do nó bay chệch khỏi lộ trình. Dự án thám hiểm mặt trăng của Nhật cũng gặp không ít vấn đề kỹ thuật và bị trì hoãn đến 4 năm so với kế hoạch ban đầu. Dự án này nhằm đặt tàu thăm dò SELENE vào quỹ đạo của mặt trăng ở độ cao 100 km và 2 vệ tinh còn lại vào quỹ đạo 2 cực. Đây là bước hướng tới việc lập căn cứ mặt trăng có người vào năm 2020.

Người Nhật đã đặt thêm một cái tên nữa cho tàu SELENE là Kaguya. Theo truyện cổ dân gian Nhật, Kaguya là tên của một vị công chúa xinh đẹp đã hớp hồn bao nhiêu chàng trai trước khi bay về cung trăng. Trong thời gian qua, JAXA đã cố gắng vượt qua trở ngại để thực hiện việc đưa SELENE lên quỹ đạo mặt trăng. Tuy nhiên, Nhật không phải là nước duy nhất nuôi tham vọng chinh phục vệ tinh tự nhiên của trái đất này. Theo Báo Japan Times, cuối năm nay, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh Chang'e-1 lên mặt trăng và dự định đưa tàu không người lên mặt trăng vào năm 2010. Năm tới, Ấn Độ sẽ đưa vệ tinh Chandrayaan-1 lên mặt trăng. Không lâu nữa, tàu Lunar Reconnassance Orbiter và các vệ tinh LCROSS của Mỹ và vệ tinh LUNA-GLOB của Nga cũng sẽ rời trái đất lên cung trăng. Thành công của Nhật có thể sẽ khiến cuộc chạy đua chinh phục mặt trăng đã nóng lại càng nóng hơn.

Người Nhật có lý do khi cho rằng chuyến thám hiểm mặt trăng lần này của họ hoàn chỉnh hơn chương trình Apollo của người Mỹ. Từ năm 1969 đến năm 1972, chương trình Apollo đưa 6 nhóm phi hành gia lên mặt trăng để thực hiện hàng loạt cuộc thí nghiệm. Họ đã đem về 387 kg đá, cung cấp nhiều thông tin quý. Nhưng các cuộc chinh phục mặt trăng của Mỹ và Liên Xô vào các thập niên 60 và 70 chỉ là cuộc chạy đua thời Chiến tranh lạnh. "Nhiệm vụ chính của Apollo là đưa người lên mặt trăng còn vấn đề nghiên cứu khoa học chỉ là thứ yếu", ông Seiichi Sakamoto, một chuyên gia của JAXA, nói với Japan Times. Ông Sakamoto khẳng định Nhật muốn nghiên cứu chi tiết mặt trăng và giải tỏa những điều bí ẩn của "chị Hằng" mà các chuyến thám hiểm trước, kể cả chương trình Apollo của Mỹ, chưa giải đáp được.

Cũng theo các chuyên gia không gian Nhật, những tên tuổi mới như Trung Quốc và Ấn Độ muốn khẳng định khả năng khoa học và uy tín quốc gia của họ qua những cuộc chinh phục mặt trăng. Riêng Trung Quốc còn hy vọng khai thác các tài nguyên thiên nhiên như uranium, potassium và helium-3 cần để phát triển công nghệ hạt nhân. Về phần Nhật, theo giáo sư Kazuto Suzuki thuộc trường Đại học Tsukuba, một cuộc phóng thành công có thể giúp chuyển tải thông điệp rằng Nhật cũng có thể là "một đối thủ" trong cuộc chinh phục và phát triển không gian.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.