Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 'gây thiệt hại đặc biệt lớn', không thể giảm án

16/05/2024 15:20 GMT+7

Đại diện viện kiểm sát nhận định, hành vi của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gây thiệt hại đặc biệt lớn, vì thế không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.

Chiều 16.5, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa phúc thẩm "đại án" kit test Việt Á, xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác. Kết thúc phần xét hỏi, tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm giải quyết vụ án.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các bị cáo

Đại diện viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các bị cáo

PHÚC BÌNH

Đề nghị bác kháng cáo của tất cả 11 bị cáo

Về phần kháng cáo hình sự, đại diện viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của toàn bộ 11 bị cáo, gồm 8 người xin giảm nhẹ hình phạt, 1 người xin miễn trách nhiệm hình sự và 2 người xin hưởng án treo.

Trong số này, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 18 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD (đã nộp lại hết - PV). Ông Long kháng cáo, nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, với mong muốn được giảm thêm hình phạt.

Tại tòa, ông Long, gia đình ông Long và luật sư bào chữa còn xuất trình một số huân, huy chương, cùng đó các chứng nhận về thành tích khi còn công tác. Bị cáo có công đào tạo nhiều bác sĩ trẻ, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn…

Mẹ và vợ Tổng giám đốc Công ty Việt Á muốn được trả lại hơn 400 tỉ

Tuy nhiên, theo đại diện viện kiểm sát, những tình tiết trên đều đã được tòa sơ thẩm xem xét, đánh giá, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là "có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất", từ đó cho bị cáo mức án dưới khung truy tố.

Kiểm sát viên cho rằng, việc cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 2,25 triệu USD để tạo điều kiện cho kit test Việt Á được cấp phép đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn. Vì thế không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ông Long, 9 bị cáo khác là cựu cán bộ, lãnh đạo thuộc các bộ, ngành và cơ sở y tế của nhiều địa phương đều bị bác kháng cáo. Lý do, bản án sơ thẩm tuyên là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Bị cáo còn lại là Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), nộp thêm 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả, với mong muốn được giảm hình phạt. Dù vậy, đại diện viện kiểm sát cho rằng số tiền này là "không đáng kể" so với hậu quả gây ra, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 'gây thiệt hại đặc biệt lớn', không thể giảm án- Ảnh 2.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được dẫn giải đến phòng xử

PHÚC BÌNH


Đề nghị không chấp nhận yêu cầu của vợ và mẹ Phan Quốc Việt

Vụ án này, ngoài 11 bị cáo, vợ của Phan Quốc Việt có đơn kháng cáo đề nghị hủy kê biên 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỉ đồng đứng tên con chung của họ. Mẹ đẻ của Việt cũng kháng cáo xin hủy bỏ kê biên 52 sổ hoặc thẻ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số 412 tỉ đồng.

Đại diện viện kiểm sát nhận định, số tiền nêu trên được Việt chuyển cho mẹ và vợ vào năm 2021, sau thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Tài liệu, chứng cứ và lời khai thu thập được cho thấy tiền này có nguồn gốc từ việc bán kit test Covid-19, khoản thu lợi bất chính có được từ hành vi nâng khống giá kit test của Việt và đồng phạm.

Từ những căn cứ đã nêu, kiểm sát viên đề nghị bác kháng cáo của cả mẹ và vợ Phan Quốc Việt, đề nghị tiếp tục phong tỏa các sổ tiết kiệm để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Một đơn vị khác có đơn kháng cáo là Công ty Việt Á. Doanh nghiệp này đề nghị tòa phúc thẩm giải quyết nhiều nội dung liên quan đến tài sản và tài khoản ngân hàng của mình, trong đó yêu cầu 80 đơn vị phải trả nợ khoảng 1.200 tỉ đồng từ việc mua kit test Việt Á nhưng đến nay chưa trả.

Đại diện viện kiểm sát nhận định, việc mua bán và nợ nần giữa Công ty Việt Á với đối tác không thuộc phạm vi giải quyết của phiên tòa phúc thẩm, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Công ty Việt Á có quyền thỏa thuận với đối tác về việc trả nợ, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa.

Theo cáo buộc, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, Phan Quốc Việt câu kết với một số cán bộ, lãnh đạo các bộ, ngành để Công ty Việt Á được tham gia đề tài nghiên cứu kit test. Sau đó, bị cáo và đồng phạm chiếm dụng kết quả nghiên cứu đề tài vốn là tài sản của Nhà nước, chuyển sang sở hữu của tư nhân.

Công ty Việt Á tiếp đó sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá rồi bán cho các cơ sở y tế trên khắp cả nước, qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.

Tính riêng tại 19 tỉnh, thành mà vụ án này xét xử, số tiền thiệt hại tại các cơ sở y tế sử dụng ngân sách để mua kit test là hơn 402 tỉ đồng. Để thuận lợi trong việc cấp phép và phân phối kit test, bị cáo Phan Quốc Việt, chi tới hơn 106 tỉ đồng hối lộ quan chức các bộ, ngành, địa phương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.