Văn hóa sử dụng quyền năng

15/12/2013 02:14 GMT+7

Cuối cùng thì trước những bằng chứng không thể chối cãi (cũng do người dân ghi lại và cung cấp), ông Chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM phải thừa nhận thực tế là cán bộ “tổ công tác” dưới quyền ông đã thẳng tay đánh dân, chứ không phải là chỉ “khống chế” và người bán hàng rong ngất xỉu do say rượu.

Cuối cùng thì trước những bằng chứng không thể chối cãi (cũng do người dân ghi lại và cung cấp), ông Chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM phải thừa nhận thực tế là cán bộ “tổ công tác” dưới quyền ông đã thẳng tay đánh dân, chứ không phải là chỉ “khống chế” và người bán hàng rong ngất xỉu do say rượu.

>> Dân mạng phẫn nộ vụ trật tự đô thị bị tố đánh người bán hàng rong ngất xỉu
>> Lực lượng trật tự đô thị phường bị tố đánh người bán hàng rong bất tỉnh

Nhưng có lẽ ông này cũng chưa thật sự cầu thị khi nói rằng, việc ông phát biểu trước đó là “cá nhân nghe báo cáo chưa đầy đủ, thiếu kiểm tra thực tế” chứ không phải “bao che cho cấp dưới”. 

Nội tình thực sự vụ này thế nào, có lẽ UBND Q.Bình Thạnh và cả TP.HCM cần phải làm rõ để trả lời công khai với công luận, nhằm lấy lại lòng tin với người dân. Bởi lẽ, xét trên bình diện quản trị xã hội, đây là câu chuyện không hề nhỏ. Thứ nhất, lực lượng giữ trật tự đô thị (một số nơi gọi là đội tự quản…) là một lực lượng thuộc chính quyền, được thừa nhận trên văn bản quy phạm. Mỗi cá nhân trong lực lượng đó đều là đại diện cho công quyền và việc thi hành quyền lực của luật pháp. Nhưng giống như ở P.25, hình ảnh các đội tự quản lâu nay gắn với việc múa gậy bắt xe, giằng co, giẫm đạp, bạo lực đường phố để bắt người bán rong, đập phá bàn ghế để dẹp hàng quán vỉa hè… đã khiến hình ảnh chính quyền không đẹp trong mắt người dân. Thứ hai, khi có chuyện xảy ra, ứng xử của người lãnh đạo rất quan trọng, nó thể hiện văn hóa sử dụng quyền năng của các cấp chính quyền. Thực ra, bản thân lực lượng giữ trật tự đô thị không đáng trách, điều đáng phải bàn là cơ quan chính quyền đã tạo ra những con người ấy và dung dưỡng để biến họ trở thành những kẻ chuyên đi bắt nạt dân.

Việc trả lời hồ đồ của ông Chủ tịch P.25 có 2 nguyên nhân, hoặc ông quan liêu, hoặc ông không trung thực. Cả hai tình huống đều không thể chấp nhận, đặc biệt khi phường là cấp hành chính gần dân nhất, phải hiểu dân nhất. Ông khoác lên mình “tổ công tác” chiếc áo chính quyền, trao quyền năng khiến họ ngộ nhận về quyền lực. Nhưng ông lại không kiểm soát được họ, dẫn đến việc lạm quyền, gây hậu họa. Và ông tiếp tục phạm sai lầm khi biến mình thành dối trá để bảo vệ sự lạm quyền ấy.

Trong thư gửi “UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” tháng 10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Bài học này vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở những người làm trong cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại hành vi, đã làm những việc có lợi cho dân chưa, đã đáng làm gương cho dân trong việc thực thi pháp luật hay chưa.  

An Nguyên

>> Có thể nào từ chối hàng rong?
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Hạn chế hàng rong khu trung tâm TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.