Sự kiện Silmido hay cuộc chiến tình báo bí mật chống CHDCND Triều Tiên

19/02/2004 09:17 GMT+7

Những ngày qua, sự kiện Silmido trở nên nóng hổi và được các nghị sĩ Hàn Quốc đặt lại vấn đề giải quyết bồi thường đối với những trường hợp tử vong, mất tích trong mấy thập niên qua của những thám tử nhận lệnh đột nhập CHDCND Triều Tiên.

Bộ phim Silmido phát hành ngày 24/12 vừa qua đã gây tiếng vang rất lớn và tạo nên cơn sốt chưa từng có trong lịch sử phim ảnh Hàn Quốc. Tính đến 16/2, đã có 9,85 triệu lượt người xem phim, nhiều hơn bất cứ bộ phim Hàn Quốc nào khác, trong đó chỉ riêng thủ đô Seoul đã có hơn 5 triệu khán giả.

Từ một bộ phim

Kịch bản phim Silmido được xây dựng dựa theo một câu chuyện có thật về “biệt đội Silmido” hay đơn vị mang mã số 684. Silmido là tên một hoang đảo, toàn đá là đá nằm ngoài khơi Hoàng Hải. Tại đây vào năm 1968, có một biệt đội 31 người được huấn luyện đặc biệt. Họ là những người thuộc đơn vị 684, được quân đội Hàn Quốc tuyển mộ từ các nhà tù hay những kẻ lang thang trên đường phố để đào tạo thành những thám tử, điệp viên với nhiệm vụ cũng hết sức đặc biệt và nặng nề: xâm nhập vào CHDCND Triều Tiên, đến Bình Nhưỡng ám sát Chủ tịch Kim Nhật Thành. Lý do thành lập biệt đội này – theo các quan chức Seoul – là để trả đũa việc Bình Nhưỡng gửi 31 điệp viên vượt qua biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên rồi đột nhập dinh tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee nhằm “thích khách” ông. Nhưng mọi việc bại lộ và tất cả đều bị trấn áp. Sự cố đã gây căng thẳng giữa hai miền.

Số phận của các thành viên biệt đội Silmido

Sau khi được huấn luyện, 31 thành viên của biệt đội Silmido được lệnh “chờ”. Nhưng chờ đợi đến bao giờ, khi mà quan hệ hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã bớt căng thẳng nên nhiệm vụ ám sát Chủ tịch Kim Nhật Thành không còn cần thiết nữa. Chờ đợi 3 năm, đến cuối tháng 8/1971, khi nhận biết là không có cơ hội nào để được vào đất liền, biệt đội này bàn mưu nổi loạn. Theo kịch bản phim, đã có lệnh thủ tiêu toàn bộ biệt đội Silmido để giữ bí mật nhưng các tay súng biết được nên ra tay trước. Họ giết chết các nhân viên quản lý trên đảo rồi cướp thuyền rời khỏi đảo. Vào đất liền, họ cướp một xe buýt trực chỉ Seoul nhưng đến đó thì bị lực lượng an ninh chận lại. Một cuộc đọ súng không cân sức diễn ra. 20 người chết ngay tại chỗ. Số còn lại bị tống giam, đưa ra xét xử tại tòa án quân sự.

Sau khi phim chiếu, do áp lực của dư luận, ngày 16/2/2004, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thừa nhận về số phận của 31 thành viên biệt đội Silmido: 7 người mất tích ở Okchon, phía Bắc tỉnh Chungchong 36 năm trước đây (có nguồn tin cho là những người này chết trong thời gian huấn luyện khắc khổ), 20 người thiệt mạng trong vụ nổi loạn và 4 người sống sót sau vụ nổi loạn đã bị một tòa án quân đội kết án tử hình năm 1972. Đây là một giai đoạn được xem là hết sức tàn bạo trong thời gian các chính quyền quân sự nắm quyền ở Hàn Quốc trước khi chuyển qua chính quyền dân sự kể từ năm 1987. Theo báo The Korea Times, một cựu trung sĩ tên Kim – nay đã 58 tuổi – thừa nhận là ông ta đã chỉ huy tiểu đội hành quyết xử bắn 4 người còn lại nói trên. Theo luật thời chiến, sau khi tòa án quân sự ra phán quyết, bản án lập tức được thi hành mà không cần chờ kháng án kháng cáo gì hết. Ông Kim cho biết, 12 binh sĩ của tiểu đội hành quyết được chọn trong số 200 quân nhân thuộc một đơn vị không quân ở Oryu-dong (Seoul) vào ngày 10/3/1972, tức một ngày trước khi đưa tội nhân ra trường bắn. Thi thể của các tử tội được hỏa thiêu.

Bồi thường cho các nạn nhân

Mặc dù biệt đội Silmido chưa hề đặt chân tới CHDCND Triều Tiên nhưng đã có rất nhiều đơn vị Hàn Quốc xâm nhập vào miền Bắc bán đảo Triều Tiên. Sau khi sự kiện Silmido bùng nổ, theo yêu cầu của nghị sĩ Lee Kyeong-jae, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đệ trình các hồ sơ liên quan. Theo đó, kể từ năm 1950, có 7.726 điệp viên Hàn Quốc “đi không trở lại” khi nhận lệnh thâm nhập vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền chỉ mới thông báo đến 136 gia đình có thân nhân được thừa nhận là thiệt mạng khi thi hành nhiệm vụ. Nghị sĩ Lee cho biết, để bồi thường đúng theo luật đã được thông qua hồi tháng 1/2004, chính quyền phải bồi thường tổng cộng 1.850 tỉ won.

Tường Minh
(Theo The Korea Times –AFP -NYT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.