Bảo hiểm nhân thọ là một phần thiết yếu của đời sống

15/09/2007 16:36 GMT+7

Cách đây 126 năm, công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đầu tiên tại Nhật Bản được thành lập. Vào thời đó, người dân chưa cảm nhận sự cần thiết của BHNT, nhưng hiện nay Nhật Bản đã đứng thứ 2 trên thế giới trong lĩnh vực này.

Thị trường BHNT lớn thứ 2 trên thế giới

Nhật Bản là thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) lớn thứ 2 trên thế giới tính theo doanh thu phí bảo hiểm. Hiện nay, có 38 công ty BHNT đang phục vụ khoảng 216 triệu hợp đồng. Đây quả là một con số đáng nể nếu chúng ta biết rằng dân số Nhật Bản chỉ có khoảng 126 triệu người. Tính trung bình, mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản có khoảng 4,2 hợp đồng bảo hiểm với phí bảo hiểm chiếm khoảng 9,3% thu nhập của hộ gia đình.

Xét theo số lượng hợp đồng, Bảo hiểm (BH) trọn đời kết hợp BH tử kỳ chiếm 19%, BH bệnh ung thư và BH y tế chiếm tỷ lệ là 14% và 13%, BH hỗn hợp chỉ chiếm 11%. Trong khi đó ở Việt Nam, sản phẩm BH hỗn hợp, bao gồm cả sản phẩm BH giáo dục, chiếm hơn 90% số lượng hợp đồng. Đây là một sự khác biệt lớn xuất phát từ thực tế là hai thị trường đang ở trong 2 giai đoạn phát triển rất khác nhau.

Sản phẩm phát triển theo nhu cầu thị trường

Vào cuối năm tài chính 2006, tổng số hợp đồng BH Y tế tăng 7,7% so với năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong thị trường Nhật Bản. Đối với sản phẩm BH ung thư, hơn 1 triệu hợp đồng đã được ký kết trong năm 2006, tăng 7% so với năm trước. Trong tổng số 9,9 triệu hợp đồng BHNT cá nhân mới được ký kết trong năm 2006, hơn 40% là BH y tế và BH ung thư.

Vào năm 1881, công ty BHNT đầu tiên tại Nhật Bản được thành lập. Tuy nhiên vào thời đó, do mối quan hệ gia đình gắn bó bền chặt, người dân không cảm nhận sự cần thiết của BHNT, vì họ đã được bảo vệ bởi sự ràng buộc huyết thống. Hơn nữa, thu nhập của người dân cũng còn hạn chế, nên việc tham gia BHNT chỉ giới hạn trong số ít người giàu có và có hiểu biết về BHNT, như công chức Chính phủ, quan tòa, thẩm phán, bác sĩ...

Sự kiện các công ty BHNT đã chi trả những khoản đền bù rất lớn do hậu quả của dịch cúm vào năm 1918 và của trận đại động đất năm 1923 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của người dân về tầm quan trọng của BHNT. Sau 2 sự kiện này, thị trường BHNT tại Nhật Bản đã phát triển rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, BHNT hỗn hợp là nhóm sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1945) sản phẩm BHNT hỗn hợp dài hạn bắt đầu đánh mất tính hấp dẫn của nó vì lạm phát tăng phi mã.

Sau năm 1960, mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ đã dần trở nên không còn phổ biến và nhường chỗ cho mô hình gia đình nhỏ như là hệ quả tất yếu của vấn đề đô thị hóa. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng bởi sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, vì vậy nhiều công ty BHNT đã chuyển hướng các sản phẩm chủ chốt từ BH hỗn hợp sang BH hỗn hợp kết hợp BH tử kỳ. Bên cạnh đó, do tai nạn và các thảm họa trong giao thông ngày càng tăng, các công ty BHNT đã phát triển và giới thiệu sản phẩm phụ "BH viện phí do tai nạn".

Sau những năm 1980, nhờ vào tiến bộ của y khoa, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, vì thế sản phẩm BH trọn đời đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng thay vì sản phẩm BH hỗn hợp kết hợp BH tử kỳ. Vì vậy, BH trọn đời  kết hợp BH tử kỳ đã trở thành sản phẩm chủ chốt của  hầu hết các công ty BHNT. Đồng thời,  tuổi thọ ngày càng cao đã làm tăng ý thức của người dân về sản phẩm Hưu trí cá nhân và vì vậy nhiều công ty BHNT đã gặt hái rất nhiều thành công khi giới thiệu sản phẩm này ra thị trường.

Đến nay, khi dân cư ngày càng già đi và mô hình gia đình ngày càng nhỏ lại, người ta càng ngày càng quan tâm hơn tới những loại hình BH y tế bảo hiểm cho nhiều loại rủi ro trước khi tử vong. Nhiều loại hình sản phẩm BH y tế bổ trợ được mở rộng để đảm bảo cả các quyền lợi nằm viện, chi phí phẫu thuật, và tử vong vì tai nạn... T.A

Tú Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.