7 ngư dân khoét lạch xây bến cá

16/09/2007 23:47 GMT+7

Nỗi trăn trở giày vò 7 ngư dân của xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, khi chứng kiến hơn 300 tàu thuyền của ngư dân trong xã không có nơi neo đậu. Một buổi sáng, bên ấm chè xanh, họ đã quyết định một việc làm táo bạo: khoét lạch xây dựng một bến cá với số tiền lên tới gần 10 tỉ đồng.

Không ai dám tin "dự án" trên sẽ thành hiện thực, gần 10 tỉ bạc chứ ít ỏi gì! Nhìn bãi bồi thoai thoải trơ toàn cát, khi triều lên đỉnh, tàu vào neo cũng mắc cạn, người ta cứ tưởng tượng đến việc hình thành một cái bến cá ở đây mà ái ngại. Nhiều thành viên trong nhóm đồng ý rồi, về nhà mới vò đầu bứt tai khi nghĩ đến số tiền lớn chưa biết lấy đâu ra để mà góp.

Mấy bà vợ lắc đầu cằn nhằn: "Lấy mô ra bạc tỉ mà mần. Nhà nước còn không làm nổi, mấy ông ni bị khùng rồi". "Dự án" đang trở thành "dự ớn" vì tính khả thi còn xa vời, thì một buổi sáng tháng giêng năm 2004, ông Đậu Đình Thành, thành viên Ban sáng lập, sau một thời gian đi tìm "đối tác" trở về, gọi mấy anh em trong "hội" đến thông báo tin vui. Một người dân của xã đang công tác tại Hà Nội đồng ý góp vốn để thực hiện ý tưởng lớn này. Bảy ngư dân như tàu mắc cạn gặp nước lên, trong tay không có nhiều tiền nhưng vẫn phấn khởi hạ quyết tâm thực hiện bằng được dự án đã vạch ra.

Khu vực bãi bồi đang tiếp tục được nạo vét để xây dựng, nối dài bến cá - ảnh: Khánh Hoan
Ông Thành (một thành viên của nhóm) vốn là cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Năm 1993, vì hoàn cảnh gia đình, ông cáo chức về quê làm ngư dân lênh đênh trên biển. Vốn là dân trong nghề, ông Thành được giao trọng trách thiết kế, tính toán chi li các hạng mục công trình. Tất cả thủ tục, giấy má liên quan để thực hiện dự án, ông cũng gánh nốt. Chính quyền xã nhiều năm nay đang đau đầu vì bến cá, thấy ý tưởng lớn của dân sắp thành hiện thực thì phấn khởi giơ hai tay ủng hộ. Lãnh đạo xã cũng "xắn quần" cùng dân vào tận tỉnh để làm thủ tục. Tưởng như đơn giản, nhưng hàng chục lần lặn lội từ huyện lên tỉnh, thủ tục vẫn chưa xong vì liên quan đến quá nhiều ngành. Trầy trật gần 2 năm, cuối cùng đến tháng 3.2006, giấy phép cuối cùng cũng được đóng dấu. Tháng 4 năm đó, bến cá chính thức được khởi công.

Quỳnh Lập có 8.700 dân, sống chủ yếu dựa vào biển. Với 230 chiếc tàu công suất lớn và gần 100 tàu nhỏ, mỗi năm sản lượng đánh bắt từ 6-7 ngàn tấn hải sản. "Bến cá là niềm mong đợi của ngư dân từ lâu. Xã đã tính đến việc xây bến, qua nhiều nhiệm kỳ rồi, nhưng không biết nhìn vào nguồn vốn nào. Bây giờ thì làm được rồi, mà dân làm được mới sướng" - Chủ tịch UBND xã Trần Đình Thiệu phấn khởi nói.

Khu vực xây dựng bến cá là bãi bồi thoai thoải toàn cát với cát. Mùa đỉnh triều, nước lên sóng đánh lở loét đến tận móng nhà dân. Khi triều xuống, đáy lạch trơ lại toàn cát. Con tàu nào dại dột lợi dụng triều để neo, xoay trở không kịp là mắc cạn như chơi, không ít tàu gãy cả chân vịt. Bến cá hình thành trên khung cảnh như vậy. Phía ngoài cách bờ từ 35 - 50 mét, một bờ bao được xây dựng với độ cao 3,5 mét tính từ đáy lạch, chạy dài 450 mét. Giai đoạn 1, trên diện tích hơn 10.000m2, đã phải nạo vét hơn 30.000m3 cát để lấy luồng cho tàu vào neo đậu. Hàng nghìn mét khối đá vôi cũng đã được vận chuyển về từ núi đá cách đó bảy tám cây số để làm nền bến bãi. Mới tạm xong phần thô giai đoạn 1, nhưng đã ngốn mất gần 3 tỉ đồng. Giai đoạn 2 cũng đã bắt đầu khởi động, nối dài bến thêm 200 mét, đủ cho gần 400 con tàu cập bến neo đậu cùng lúc. "Chúng tôi cố gắng cuối năm nay, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành để tiếp tục xây dựng nhà xưởng. Để hoàn thành toàn bộ bến, bao gồm: đường đi, bến bãi, nhà xưởng, khu nhà chức năng... ít nhất cũng mất trên 8 tỉ đồng, chưa kể có thể phát sinh thêm khoảng 1 tỉ nữa", ông Thành nói. 7 ngư dân này đã thành lập công ty mang tên Công ty cổ phần Liên Thành với chức năng nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy hải sản. Bà Bùi Thị Bích Liên, đang công tác và sinh sống ở Hà Nội là Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Thành làm Giám đốc. Ông Thành tính sắp tới phải mang giấy tờ công ty lên ngân hàng thế chấp mà vay vốn để làm công đoạn sau, vì "sổ đỏ" của anh em đều kéo nhau lên "nằm" ở ngân hàng cả rồi.

Kế hoạch của "công ty ngư dân" này là sau khi xây xong bến, sẽ xây 3 kho đông lạnh để bảo quản sản phẩm thu mua của ngư dân đánh bắt về. Khâu chế biến thủy hải sản sẽ được thực hiện ngay tại khu vực bến cá. Ông Thành tính toán, khi hoạt động, sẽ tạo được công ăn việc làm cho gần 100 lao động nữ ở địa phương. Bến cá này còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ của xã, không còn cảnh vợ ngồi tựa cửa chờ chồng trở về từ biển cả như lâu nay. Chưa kể, hiện nay dù bến chưa hoàn thành nhưng một ngư dân trong xã đã "đón đầu" bỏ ra gần tỉ bạc xây dựng một kho đông lạnh ngay khu cạnh bến cá. Kho này đã hoạt động, hơn 30 phụ nữ đã được nhận vào làm việc với thu nhập bình quân 30-35 ngàn đồng mỗi ngày.

Bến cá đang thi công, nhưng 250 mét luồng lạch đã được khơi thông, tàu thuyền đã nghiễm nhiên được phép neo đậu. Hơn 300 ngư dân trong xã tự nhiên không mất gì nhưng đã được hưởng lợi...

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.