Cần làm rõ thiết kế hệ giàn giáo

29/09/2007 01:41 GMT+7

Sự cố sập nhịp cầu dẫn thuộc gói thầu số 2 của dự án cầu Cần Thơ đã đặt ra nhiều vấn đề về phương pháp thi công cũng như quy trình kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của các bên có liên quan. Đối với dự án cầu Cần Thơ, gói thầu số 2 chỉ dành riêng cho các nhà thầu Nhật Bản tham gia đấu thầu, lý do vì nguồn kinh phí chính của dự án là từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (theo thông lệ quốc tế, nước nào cho vay thì các nhà thầu nước đó được tham dự đấu thầu gói chính của dự án); còn 2 gói thầu số 1 và số 3 thì đấu thầu quốc tế rộng rãi.

Dự án cầu Cần Thơ có 3 gói thầu xây lắp. Ngoài gói thầu số 2 như đã nêu, còn lại là 2 gói thầu gồm: số 1 (đường dẫn phía Vĩnh Long,  do liên danh 3 nhà thầu của Việt Nam (Cienco 6, Cienco 8 và Tổng công ty Thăng Long trúng thầu thi công) và số 3 (đường dẫn phía Cần Thơ) do Tổng công ty xây dựng cầu đường Trung Quốc trúng thầu. Đến nay, gói thầu số 2 đang bị sự cố lại là gói thầu được thi công nhanh nhất, đạt yêu cầu về tiến độ, trong khi gói thầu số 1 bị chậm và gói thầu số 3 thì tương đối đạt yêu cầu. 

Ở gói thầu số 2, nhà thầu chính liên danh TKN (Nhật Bản) đã ký hợp đồng thuê Công ty VSL Việt Nam (thuộc Tập đoàn VSL của Thụy Sĩ) và  VSL thuê 2 công ty tư nhân của Việt Nam là Vĩnh Thịnh và Thăng Long 2. Về trường hợp VSL được chọn làm thầu phụ, theo một nguồn tin cho biết, đây là một trong những tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghệ đúc hẫng cân bằng và công nghệ thi công cầu dây văng.

Tập đoàn này đã chuyển giao công nghệ đúc hẫng cân bằng lần đầu tiên ở công trình cầu Phú Lương (Hải Dương) cho Công ty cầu 12 và Công ty cầu 14 của Việt Nam. Nhờ đó mà các công ty xây dựng cầu đường trong nước cũng đã ứng dụng để thi công nhiều cây cầu tại Việt Nam, như tại TP.HCM có cầu Bến Súc, cầu Ông Lãnh, cầu Kinh Tẻ... Còn 2 công ty tư nhân của Việt Nam là Vĩnh Thịnh và Thăng Long 2 có trách nhiệm như thế nào? Theo lời của Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh - ông Đặng Hữu Vị, công ty của ông chỉ cung cấp nhân lực thi công gói thầu này, bao gồm cả kỹ sư và công nhân, trong đó có những lao động phổ thông.

Ngoài ra, Công ty Vĩnh Thịnh còn chịu trách nhiệm thi công theo phương án của nhà thầu chính, với sự giám sát của VSL, của nhà thầu chính TKN và tư vấn giám sát của chủ đầu tư. Chẳng hạn như việc đổ bê-tông, chỉ khi tư vấn giám sát của chủ đầu tư kiểm tra và chấp thuận thì mới được phép đổ. Về phương án thi công, theo một cán bộ ngành giao thông, thường là do nhà thầu chính đưa ra, cũng có thể do nhà thầu phụ đề xuất, nhưng quyết định cuối cùng là nhà thầu chính.

Khi xảy ra sự cố trong quá trình thi công, thì nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm, tư vấn giám sát cũng liên đới chịu trách nhiệm. Đối với sự cố này, vấn đề cần làm rõ là ở thiết kế của hệ giàn giáo có vấn đề gì không, chỉ cần một sai sót nhỏ dẫn đến một vị trí nào đó bị dịch chuyển, hay một điểm nào đó bị yếu thì sẽ kéo theo cả hệ thống sụp đổ - một kỹ sư có mặt tại hiện trường đã nhận xét như vậy.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.