Trụ cột gia đình: Đâu cứ phải là đàn ông!

15/09/2007 20:55 GMT+7

Ngày lên xe hoa đang đến rất gần, nhưng Huỳnh Ngọc không vui, bạn đang băn khoăn và lo lắng khi thấy chú rể tương lai của mình, ngoài đức tính chung thủy ra thì còn thua kém mình về nhiều thứ: sự sâu sắc, tính trách nhiệm, khả năng trụ cột... Nhiều người cho rằng bạn đang quá cầu toàn. Họ khuyên bạn nên bớt lo và thẳng thắn chia sẻ những mong muốn của bản thân với người chồng tương lai của mình.


Vấn đề ai là trụ cột trong gia đình không còn quan trọng khi cả hai cùng chung sức chăm lo cho gia đình (ảnh: getty images) 

Lê Bình <...@yahoo.co.uk>: Huỳnh Ngọc thân mến, các cụ xưa có câu "Vợ chồng bằng tuổi, ngồi duỗi mà ăn", có lẽ muốn nói rằng đó là một sự kết hợp tuyệt vời chăng?! Còn bây giờ, không thể có sự ngồi duỗi được, mà phải lao động cật lực và phải lao tâm khổ tứ mới hy vọng có được cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, không phải vì cuộc sống như vậy mà phụ nữ mình tìm chồng phải đồng nghĩa với việc tìm trụ cột kinh tế cho gia đình. Nếu chị em mình tìm được người vừa chung thủy, lại biết kiếm tiền cho vợ con thì không còn gì đáng nói nữa. Riêng với tôi, chỉ cần anh ấy chung thủy và yêu tôi hết mình, có thể vụng về trong tình yêu cũng được. Anh ấy có thể là chỗ dựa về tinh thần cho vợ con là tốt rồi, tôi có thể chấp nhận làm trụ cột kinh tế của gia đình. Ngọc muốn một người đàn ông hoàn hảo, e rằng hơi khó. Chúc Ngọc sớm có quyết định khôn ngoan vì thời gian không đợi ai cả.

Nguyễn Thị Hoài Bích <...@yahoo.com>: Chị Huỳnh Ngọc thân mến! Em là người nhỏ tuổi hơn chị, cũng không chịu nhiều cực khổ như chị, nhưng vẫn muốn chia sẻ cùng chị. Em nghĩ, chuyện người yêu của chị luôn tỏ ra không quan tâm và khó có khả năng làm trụ cột cho gia đình sau này chỉ là dự đoán của chị thôi. Chẳng qua là do anh ấy là con út trong gia đình nên nhiều khi anh hơi vô lo một chút. Chị đừng nên vội vã. Em nghĩ là trước khi quyết định tiến tới hôn nhân thì hai người nên nói chuyện thẳng thắn về những suy nghĩ, nhận định và mong muốn của mình. Nếu chị quá lo nghĩ quá thì sau này hai người có đi đến hôn nhân cũng khó mà hạnh phúc đó. Em chúc chị có một quyết định đúng đắn. 

Khắc Thạch <...@yahoo.com>: Bạn đang có một tình yêu bình lặng với sự vun đắp của gia đìinh hai bên. Tình yêu của hai người sẽ vượt qua những trở ngại trong cuộc sống chung sau này. Vấn đề ai là trụ cột trong gia đình không còn quan trọng khi cả hai cùng chung sức chăm lo cho gia đình. Mong rằng bạn đừng bỏ đi tình yêu bạn đang có.

Phú <...@yahoo.com.vn>: Bạn hãy hài lòng với những gì mình đã có. Trong tình yêu phải biết thông cảm cho nhau. Nếu bạn không chấp nhận, bạn sẽ phải mất bao lâu để làm lại từ đầu, trong khi tuổi của bạn cũng lớn rồi? Bạn hãy bình tĩnh suy xét, tôi nghĩ trong 5 năm qua ít nhiều gì thì bạn cũng có nhiều kỷ niệm khó quên.   

Doan Ngoc Hoai  <...@yahoo.com.vn>: Hầu hết những người yêu nhau muốn kết hôn là vì cảm thấy không thể sống thiếu nhau, ít ai quan tâm đến việc tìm hiểu cuộc sống hôn nhân thực chất là như thế nào. Hôn nhân, ngoài tình yêu, còn cần những điều cơ bản khác như quan niệm sống, lối sống, sở thích, tình dục, sức khỏe… Đặc biệt, ai là người có đủ năng lực làm chỗ dựa vững chắc nhất, đủ khả năng điều khiển “tổ chức” gia đình? Theo quan niệm cũ, vị trí ấy phải của người đàn ông. Nhưng trong thời đại bây giờ, không nhất thiết phải dập khuôn quan niệm ấy, vì phụ nữ hiện đại nhiều người cũng giỏi giang chẳng thua kém, nếu không muốn nói là còn hơn các đấng nam nhi.

Trong câu chuyện của bạn, có thể thấy, sự từng trải, điều kiện khách quan, hoàn cảnh gia đình… đã trao cho bạn vị trí ấy. Còn anh ấy, có lẽ chưa quen làm chủ vì là con út, chưa có kinh nghiệm và chưa phải chịu trách nhiệm về vai trò trụ cột của mình. Vả lại, biết đâu khi đám cưới xong anh ấy sẽ thay đổi và lại làm được điều đó. Quan trọng là bạn phải tin và giúp anh ấy thấy rõ vai trò của mình. Việc đàn đúm nhậu nhẹt chỉ là sở thích cá nhân. Việc không quan tâm và không điện thoại hay nhắn tin cho bạn là do cá tính, đôi khi rất yêu nhưng nhiều người lại không biết cách bày tỏ. Bạn nên thông cảm và từ từ cảm hóa người mà mình đã yêu thương và có ý định xây dựng hạnh phúc. Có lẽ bạn nên bàn bạc với người yêu về cuộc sống sắp tới khi hai người chính thức là vợ, chồng. Phải có những điều khoản bắt buộc trong quy định của một gia đình, cái nào phải thực hiện theo quy ước và cái nào thực hiện một cách tự nguyện. Ai làm trụ cột không quan trọng nếu đã có sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ cùng nhau, cũng như nếu tình yêu đã đạt đến độ muốn hy sinh cho nhau.

Anh ấy bằng tuổi, anh ấy chưa biết làm chủ gia đình, anh ấy ham chơi, vô tâm. Nhưng anh ấy yêu bạn và chung thủy với bạn. Bạn cần biết mình cần cái gì hơn và chỉ nên lấy nhau khi đã giải tỏa hết những băn khoăn trong lòng. Chúc bạn vui và hạnh phúc.

K.H (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.