Người viết một vạn bức thư tình

21/09/2007 21:55 GMT+7

Trong suốt 17 năm qua, kể từ 1990 đến nay, mỗi ngày ông Dương Văn Ngộ viết ít nhất từ 3 - 5 lá thư dài có, ngắn có, trên giấy pơluya có, giấy học trò và cả trên bưu thiếp nữa, bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp theo nội dung của người gửi. Một số khá lớn các bức thư này là thư tình của những người đang yêu gửi cho nhau được xuất phát từ Bưu điện trung tâm Sài Gòn chuyển đến tay người nhận ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Singapore, Thái Lan... Vì thế phóng viên Fiona Ehlers ở Đức đến Việt Nam trong một lần tiếp xúc với ông đã gọi ông là người "nối thế giới bằng những cánh thư".

Thật vậy, khi chúng tôi đến gặp ông vào một buổi chiều mưa tầm tã giữa tháng 9, khi ấy tình cờ thấy ông đang cầm kính lúp soi vào một cái carte postal từ Pháp gửi về để đọc và dịch ra tiếng Việt dòng chữ ghi trên ấy đại ý "Chúc mừng sinh nhật em - nhớ mãi ngày sinh em suốt đời". Người đem đến nhờ ông dịch và đọc cho nghe nội dung trên là một cô gái quê ở Vĩnh Long. Nghe xong cô ấy lại nhờ ông viết một bức thư ngắn bằng tiếng Pháp trả lời cho anh Jean Paul nào đó ở Marseille.

Ông bảo cô ấy hãy viết bằng tiếng Việt rồi đưa ông chuyển sang tiếng Pháp vì ông không muốn "sáng tác", mà chỉ chuyển dịch lời lẽ tâm tư của cô ấy cho người nhận ở nước ngoài. Khi dịch, ông cũng hỏi ý người viết để sửa lại vài chữ không phù hợp. Xong việc khi người nhờ viết trả tiền, ông bảo tùy hảo, bao nhiêu tùy ý chứ ông không ra giá. Chúng tôi hỏi có bao nhiêu lá thư như thế, ông bảo rằng không đếm xuể, nhớ xuể, có nhiều cặp yêu nhau sau một thời gian thư từ qua lại đã đi đến hôn nhân, trong nước cũng như ngoài nước, họ dẫn nhau đến thăm và cám ơn ông đôi khi tại nhà riêng và nhiều nhất là ở nơi làm việc.

Ông Ngộ đang dùng kính lúp đọc thư - Ảnh : Diệp Đức Minh

Nơi làm việc của ông là một góc khiêm tốn tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn, chỗ đặt chiếc bàn dài và dãy ghế dọc hai bên, ở vị trí từ cửa chính đi thẳng vào. Ông ngồi đó để tiếp hàng vạn thân chủ của mình trong gần hai thập niên qua. Họ không khó khăn gì mấy khi tìm đến ông vì bên cạnh chỗ ngồi của ông có đặt tấm bảng ghi dòng chữ: "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" rất dễ thấy. Nói chuyện với chúng tôi ở đó ông tươi cười:

- Tôi sinh ngày 3.3.1930 vào lúc 3 giờ sáng, người ta bảo tôi có duyên với con số 3 lắm. Năm nay tôi đã 77 tuổi, làm nhân viên bưu điện từ 17 tuổi. Sau 43 năm trong ngành,  ngày về hưu tôi rất nhớ nơi mình gắn bó làm việc và cũng quý là Bưu điện trung tâm Sài Gòn đã ưu ái dành cho tôi một chỗ ngồi công cộng ngay tại đây để làm cái nghề mà người ta gọi là "public writer", nghĩa là "người viết thư thuê"  hoặc "người viết thư cho công chúng" cũng đặng. Khoảng mươi năm trước cũng có 4, 5 người cùng làm công việc như tôi, nhưng đến nay người thì mất, người thì già bệnh, chỉ còn một mình tôi thôi.

Do vậy có người gọi ông là "người viết thuê cuối cùng của Bưu điện Sài Gòn". Chúng tôi hỏi mượn ông một lá thư mà ông đã thảo ra nhưng ông xin lỗi không thể đưa mượn được. Vì ông nói một trong các nguyên tắc của ông là bảo đảm bí mật cho người nhờ viết, kể cả những lời tình tự yêu thương của những người mới quen, cho đến những thắc mắc hục hặc trong quan hệ tình cảm giữa vợ với chồng. Tuy vậy ông cũng đưa chúng tôi xem một bức thư đầy tình người của một cụ già tại Long Xuyên gửi cho con gái ở Pháp nội dung cám ơn con gái đã giúp đỡ mình trong lúc tuổi già.

Góc làm việc của ông Ngộ - Ảnh: D.Đ.M

Điều đặc biệt là chủ nhân bức thư này dặn riêng với ông Dương Văn Ngộ rằng: "Khi nào người nhà tôi báo tin cho ông biết tôi đã qua đời rồi thì ông hãy gửi dùm bức thư ấy qua Pháp". Nhiều tác giả như Hoài Hương, Nguyên Trần, Lê Vân, Thùy Trang nhắc đến ông một cách trân trọng và Đài truyền hình Việt Nam kết luận ông là "người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngành bưu điện Việt Nam". Gần đây biên tập viên của Công ty kỷ lục Việt Nam VIETKINGS đã thu thập tài liệu và các chi tiết để xác lập kỷ lục mới và đã phát biểu với chúng tôi về trường hợp của ông như sau: "Ông Dương Văn Ngộ được xem là cầu nối của người Việt trong nước với các nơi khác trên thế giới, là một nhà viết thư chuyên nghiệp có tiếng. Sáng nào cũng vậy cứ khoảng 8 giờ là ông Ngộ có mặt tại dãy bàn trong cùng của tòa nhà bưu điện với chiếc túi đựng những cuốn từ điển Anh và Pháp, một vài cây bút, một tấm băng-rôn đỏ cài lên tay áo bên trái và bắt đầu một ngày làm việc. Cứ thế gần hai thập niên qua, ông gần gũi với văn phong của nhiều loại thư từ, ông chọn từ ngữ rất cẩn thận, trình bày rõ ràng chính xác, nhằm mục đích tư vấn cho người nhờ viết thảo được những bức thư chân tình". Đó là đặc điểm đáng quý vì ông không chỉ là người viết thư thuê suông,  không dịch suông theo ý người khác, mà còn giúp họ lúc cần thiết trong việc đối nhân xử thế. Ở khía cạnh này, ông khác với những người viết thuê máy móc theo yêu cầu.

Nhìn ông Dương Văn Ngộ ngồi giữa tòa nhà bưu điện, riêng chúng tôi lại cảm thấy ông giống như một "ông đồ già" duy nhất giữa Sài Gòn còn sót lại trong thời đại có những phương tiện thông tin bùng nổ. Vậy nên lúc từ giã ông ra về, gặp khi ông có thêm hai thân chủ nữa vừa đi vừa hỏi "bác Ngộ đâu?", tôi đã tự nhiên buột miệng: Ông đồ già ở đó!

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.