Những tiếng hoan hô bùng nổ thế giới

13/10/2010 23:51 GMT+7

Niềm hy vọng vỡ òa thành nước mắt và nụ cười tại khu mỏ San Jose khi đã có 16 thợ mỏ được kéo lên mặt đất bình an (tính đến 23 giờ 30 hôm qua, giờ VN).

Sau khi đường hầm giải cứu được hoàn tất hôm 9.10 và được gia cố bằng ống thép hôm 11.10, công tác đưa người lên mặt đất đã được bắt đầu vào lúc 23 giờ 18 giờ địa phương ngày 12.10 (tức 9 giờ 38 hôm qua, giờ VN). Chuyên gia kỹ thuật Manuel Gonzalez bước vào lồng cứu hộ Phượng Hoàng và được đưa xuống đường hầm sâu - chính xác là 624m. Sau đó đến các chuyên viên Roberto Rios và Patricio Robledo. Những người này có nhiệm vụ chuẩn bị cho các thợ mỏ và đưa họ vào lồng ứng cứu. Lòng dũng cảm của họ cũng rất đáng khâm phục khi 3 người này sẽ ở dưới lòng đất cho đến khi toàn bộ thợ mỏ được đưa lên mặt đất an toàn.

Phép lạ

Sau 16 phút tưởng như dài bất tận, những lời hoan hô bùng nổ khắp Chile và thế giới khi Florencio Avalos, 31 tuổi, đặt chân lên mặt đất sau 69 ngày bị giam dưới hầm sâu.


Thợ mỏ Espina nhảy múa khi lên đến mặt đất - Ảnh: Government of Chile

Mỉm cười rạng rỡ, Avalos chui ra khỏi lồng và bước đi vững chãi, không loạng choạng. Anh mặc nguyên bộ đồ xanh bảo hộ và đeo mắt kiếng bảo vệ mắt, lập tức ôm chầm đứa con trai 7 tuổi tên Bairo và vợ, đang ràn rụa nước mắt sau 2 tháng mỏi mòn ngóng trông. Đội ngũ cứu hộ và Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng ôm lấy Avalos trong niềm vui mừng khôn xiết.

Người thứ hai, Mario Sepulveda Espina, thoát nạn sau đó khoảng 1 giờ. Biểu hiện của anh rất tốt, thậm chí còn trông khỏe hơn Avalos. Sau khi ôm chặt người vợ Elvira, anh mở chiếc túi lớn mang theo người và lấy ra từng viên đá lấy từ hầm sâu gửi tặng các nhân viên cứu hộ làm vật lưu niệm. Chưa hết, Espina còn chạy đi chạy lại, nhảy múa để chứng tỏ mình vô cùng khỏe. “Tôi đã quá may mắn... Tôi đã ở trong tay Chúa và quỷ dữ, và Chúa đã mang tôi theo”, Espina nói một cách hồ hởi.

Công ty San Esteban, chủ sở hữu khu mỏ San Jose đang đối mặt với đơn kiện buộc bồi thường 12 triệu USD từ gia đình các nạn nhân. Tòa đã ra lệnh phong tỏa tài sản hơn 1,8 triệu USD của công ty này trong thời gian thụ lý đơn kiện.

Tại hiện trường còn có một vị khách đặc biệt - Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ông đã bay tới Chile để đón công dân nước mình là Carlos Mamani, người thứ 4 thoát khỏi hầm sâu. Sau đó, ông Morales ở lại cùng người đồng cấp Pinera, chia sẻ từng cái ôm xiết, từng cái vỗ vai, từng lời thăm hỏi. 2 thành viên trẻ nhất và già nhất trong nhóm là Manuel Gonzalez, 63 tuổi và Jimmy Sanchez, 19 tuổi cũng đều đã an toàn. Ước tính toàn bộ quy trình sẽ mất khoảng 36 giờ mới hoàn tất.

Những người đi chuyến đầu phải trong tình trạng khỏe mạnh kể cả thể chất lẫn tinh thần để có thể ứng phó nếu xảy ra sự cố. Kế đến là những người yếu nhất và người bệnh. Người cuối cùng là người vừa có thể chất khỏe vừa có tinh thần vững vàng và là trưởng ca Luis Urzua. Trước đó, ai trong nhóm cũng đều tình nguyện làm người rời khỏi sau cùng, theo CNN.

Các thợ mỏ được trang bị mặt nạ dưỡng khí, thiết bị liên lạc 2 chiều và mặc quần áo chống sốc nhiệt. Sau khi lên đến mặt đất, các nạn nhân được đưa thẳng đến phòng khám dã chiến kiểm tra sức khỏe rồi được chuyển đến bệnh viện bằng trực thăng.

Chile đã ra nhiều quy định để đảm bảo sự riêng tư của các thợ mỏ trước ống kính của khoảng 1.500 phóng viên đến từ 39 quốc gia tại hiện trường. Tuy nhiên, một sự cố nhỏ đã diễn ra khi đám đông phóng viên chen lấn làm sập căn lều của gia đình thợ mỏ Espina. Rất may, không ai bị thương.

“Liều mạng” làm thợ mỏ

Khu mỏ San José mang nhiều tai tiếng vì không đảm bảo các điều kiện an toàn, theo tờ El Pais. Đã có 3 thợ mỏ thiệt mạng tại đây các năm 2004, 2006 và 2007. Sau tai nạn năm 2007, khu mỏ này đã bị buộc đóng cửa, nhưng năm 2008, được hoạt động trở lại. Cả nước Chile chỉ có 16 thanh tra để kiểm soát tình trạng của 4.000 khu mỏ với 175.000 nhân công.

Theo Le Monde, từ tháng 5-9.2010, tai nạn hầm mỏ đã lấy đi sinh mạng của 66 thợ mỏ ở Nga, 28 thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ, 102 thợ mỏ Trung Quốc, 5 thợ mỏ Ukraina, 73 thợ mỏ Colombia, 80 người ở Ghana và 6 người ở Venezuela.

Lan Chi

Những gương mặt được chú ý

- Florencio Avalos, 31 tuổi, người thợ mỏ đầu tiên được cứu thoát và là “người dẫn chương trình” trong các đoạn băng quay cuộc sống của nhóm dưới lòng đất.

- Luis Urzua, 54 tuổi, là trưởng kíp làm việc khi xảy ra tai nạn. Ông Urzua là chỉ huy, tổ chức các thợ mỏ trong hơn 2 tháng qua và sẽ ở lại tới cuối cùng.

- Mario Gomez, 63 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong nhóm. Ông Gomez đã có 51 năm làm công nhân mỏ và có 4 người con gái cùng 1 cháu ngoại.

- Franklin Lobos, 53 tuổi, là cựu danh thủ bóng đá từng đưa đội tuyển Chile đến Olympic 1984.

- Carlos Mamani, 23 tuổi, thợ mỏ thứ tư được đưa lên mặt đất. Mamani là người Bolivia.

- Jimmy Sanchez, 19 tuổi, thợ mỏ thứ 5 được đưa lên mặt đất. Sanchez là thợ mỏ trẻ nhất trong các nạn nhân và mới làm việc tại mỏ được 5 tháng trước tai nạn.

Lê Loan

Cứu hộ mỏ ở VN: Dùng sức người là chính

Nói về vụ giải cứu các thợ mỏ ở Chile, ông Phạm Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV), cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch cử đoàn công tác sang Chile học tập kinh nghiệm. Kế hoạch giải cứu thợ mỏ thành công ở nước bạn là một bài học lớn đối với chúng tôi”.

Theo ông Huyên, nếu xảy ra tình huống tương tự tại VN hiện nay, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi chưa có các máy khoan hiện đại, các mỏ cũng chỉ có khoan với đường kính khoảng 10 cm (ở Chile mũi khoan có đường kính 71 cm). Chúng tôi đã đưa vào kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 việc mua loại máy khoan đường kính mũi 70 cm, khoan sâu 1.000m, chi phí có thể lên tới vài chục tỉ đồng”, ông Huyên nói.

Theo ông Huyên, lịch sử cứu hộ mỏ của TKV cũng có những thành tích đáng khen ngợi, ngày 28.3.2006, các lực lượng dùng sức người, thiết bị thủ công như máng cào, bao tải, cuốc xẻng cứu 17 người ở mỏ Mông Dương sau 48 giờ bị kẹt dưới hầm. Ngày 23.1.2007, cũng với sức người là chính, nhân viên cứu hộ cứu được 10 người ở Công ty 86, Tổng công ty Đông Bắc sau 12 giờ kể từ khi gặp sự cố. Để giải quyết các tai nạn mỏ, theo ông Huyên, điều quan trọng là chuẩn bị đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo cán bộ có trình độ tại các cơ quan cứu nạn cũng như tại nhiều ngành khác như các mỏ than, công ty dầu khí, công ty công trình giao thông... Khi xảy ra sự cố có thể huy động con người, trang thiết bị từ nhiều nơi để cùng hiệp đồng ứng cứu.

Káp Thành Long (ghi)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.