Hà Dũng - Nghệ sĩ đại gia

17/10/2005 16:12 GMT+7

Hà Dũng trước hết là ông chủ của Công ty Việt Hà, làm đại diện cho hãng Boeing, tư vấn chương trình nhà máy phát điện, kinh doanh địa ốc, du lịch... Anh cũng là ông chủ của nhiều ca khúc "Lời nguyện cầu", "Vào đời" và đồng thời là ông chủ trái tim Hồ Quỳnh Hương.

- Anh nghĩ sao nếu được gọi là nghệ sĩ đại gia?

- Nghệ sĩ phải có tác phẩm. Viết một bản nhạc, một bài thơ, một áng văn là có thể trở thành nghệ sĩ. Nhưng đại gia thì khác. Tôi có đọc đâu đó tổng kết về sự giàu nghèo của người Bắc, người Nam. Người giàu ở miền Nam tiêu tiền như nước, còn người giàu ở miền Bắc không thể nhìn vào cách họ tiêu tiền mà phải nhìn vào cách họ giữ tiền.

Danh xưng đại gia phù du hơn nhiều so với danh xưng nghệ sĩ. Người ta đâu biết đại gia có bao nhiêu tiền hay mắc bao nhiêu nợ. Tên tuổi một đại gia không nằm trong đồng tiền. Nó phụ thuộc vào tiếng nói, sự kiện và cách hành xử của họ.

- Vậy anh có công nhận mình là một đại gia?

- Tôi có thể ngồi viết một bản nhạc, một bài thơ, nhưng không thể in được đồng tiền.

- Nhưng anh rất tự tin vào túi tiền của mình kia mà?

- Tôi tự tin là khi không còn đồng tiền nào trong túi, tôi có thể làm ra đồng tiền khác.

- Anh nghĩ sao khi phụ nữ ngưỡng mộ túi tiền của mình?

- Tiền chỉ là bề nổi. Cái quan trọng là làm sao để làm ra được đồng tiền. Người ta yêu quý thật lòng hay không là yêu quý cách anh làm ra đồng tiền chứ không phải do anh nắm giữ đồng tiền.

- Tâm trạng của anh thế nào nếu không được ngồi trên một đống tiền?

- Một người có nhiều tiền, vì một rủi ro nào đó trở thành tay trắng, người ta cho đó là sự phá sản. Tôi thì không nghĩ thế. Khi tôi có 1 triệu đồng, bị mất hết, tôi có thể nghĩ đó là sự khởi đầu cho một tỷ đồng. Tôi sẽ bắt đầu lại một kế hoạch mới, một cuộc đời mới. Thực tế, tôi từng mắc một khoản nợ rất lớn nhưng cuối cùng tôi vẫn trả được và làm lại từ đầu. Tôi có khối óc, có trái tim và đặc biệt có một niềm tin mãnh liệt. Đố ai có thể làm tôi vui hay buồn nếu tôi không tự cảm thấy đó là vui, buồn.

- Kinh doanh và nghệ thuật là hai lĩnh vực trái ngược nhau, tại sao anh lại dấn thân vào cả hai con đường?

- Ông bà mình nói: "Xay lúa không bồng em", làm việc này thì không làm được việc kia. Nhưng với tôi thì không phải thế. Tôi có thể suy nghĩ một vấn đề, giải quyết một công việc với tốc độ nhanh. Mặt khác, tôi thường dùng việc này để giải tỏa cho việc kia. Ngay từ hồi nhỏ, ngồi học Toán, đau đầu tôi quay sang học Văn, học Văn chán tôi chuyển sang học Lý. Nhiều người bây giờ hoặc chơi thể thao hoặc học giỏi, hoặc cái này, hoặc cái kia. Tôi không thích thế, tôi có thể làm được nhiều việc, từ may vá, nấu nướng đến làm thơ, vẽ, hát, viết nhạc, kinh doanh.

- Có khi nào sự lãng đãng của nghệ sĩ mất đi sự tỉnh táo trong kinh doanh?

- Nếu làm việc nhỏ sẽ phải chấp nhận bỏ bớt cái này, thêm nhiều cái kia để đạt được mục tiêu. Còn khi làm việc lớn, người ta buộc phải sâu sát mọi vấn đề, không phụ thuộc anh là nghệ sĩ hay doanh nhân. Khi làm ăn, tôi sẽ chỉ cho người ta biết hết: vì sao phải làm thế? Khi vào cuộc, mình có cơ may được cái này, có nguy cơ mất cái kia như thế nào? Nếu nói hết được, họ sẽ trở thành thành chính chúng ta, vậy đâu có gì là con buôn hay nghệ sĩ.

- Nghệ thuật có ý nghĩ thế nào với anh?

- Nghệ thuật chẳng là gì, nếu chúng ta không quan tâm đến nó. Ý nghĩa của nghệ thuật nằm ở không gian, thời gian và nhận thức của mỗi người. Ví dụ, đang đánh nhau, cần phải cầm súng thì đừng ngồi đó mà hát. Khi tôi quan tâm đến vấn đề nào đó, tôi sẽ để nó chiếm hết con tim và khối óc của mình.


Hồ Quỳnh Hương

- Hồ Quỳnh Hương là người tạo cảm hứng để anh đầu tư cho nghệ thuật, anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Đúng vậy. Nếu người đó nói họ biết âm nhạc của tôi là nhờ giọng hát Hồ Quỳnh Hương, tôi sẽ thừa nhận điều đó và tôi cảm ơn họ rồi quay sang Hồ Quỳnh Hương để nói: "Anh cảm ơn em".

- Cảm giác của anh thế nào khi yêu một người nổi tiếng như Hồ Quỳnh Hương?

- Tôi chẳng thấy gì cả. Quan tâm đến điều bình thường của mình, đó là sống độc lập, chủ động, cố gắng làm điều gì đó cho người khác, chứ việc gì tôi phải ăn ké.

- Lý do anh đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho con đường âm nhạc của Hồ Quỳnh Hương?

- Tôi không đếm bao nhiêu tiền và đo bao nhiêu thời gian, mà chỉ nghĩ tới cái đích cuối cùng tôi đạt được. Công chúng, giọng hát Hồ Quỳnh Hương, tác phẩm của tôi chính là mục tiêu của tôi. Điều quan trọng với tôi là mục tiêu chứ không phải phương tiện. Tôi may mắn đã có cách tìm ra phương tiện để đạt được mục tiêu của mình.

- Anh nghĩ sao về nhận xét: Hồ Quỳnh Hương khéo nên giữ được Hà Dũng?

- Chẳng người phụ nữ nào "khéo" được với tôi đâu. Hồ Quỳnh Hương có khát vọng lớn trong âm nhạc và tôi muốn giúp cô ấy. Đó chính là chìa khóa tình yêu của tôi dành cho Hương.

- Trong cách ăn mặc, anh rất hay sử dụng hai gam màu đen và trắng. Vì sao vậy?

- Tôi thích sự đơn giản, vì tôi cho rằng tất cả sự tuyệt vời nằm trong cái đơn giản. Trong hội họa, người ta có phân ra màu gốc. Trong nhiều lĩnh vực khác, sự huyễn hoặc là biến thể từ cái gốc ra. Tôi thích màu gốc đen và trắng. Thi thoảng tôi có mặc áo sọc nhưng rất ít mà cái áo sọc cũng phải có màu chính.

- Khuôn mặt của anh trông bác học hơn là một nghệ sĩ, anh nghĩ sao?

- Tôi đâu có tự làm thế, tự nhiên tóc tôi rụng, tự nhiên mắt tôi mờ nên phải đeo kính, tự nhiên râu tôi mọc. Ngày xưa tôi không để râu, sáng phải cạo một lần, tối trước khi đi chơi lại phải cạo lần nữa.

- Nhưng cái tự nhiên đó cộng lại tạo nên sức hấp dẫn của anh?

Tôi nghĩ những thứ đó chỉ là màu mè thôi. Tôi không đánh giá cao nếu tóc, râu, kính của tôi lại hấp dẫn người khác.

(Theo Thể thao ngày nay)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.