Kinh doanh ý tưởng

01/10/2007 09:09 GMT+7

(TNO) Hiện nay, các công ty muốn có một buổi lễ khai trương hoành tráng; một buổi giới thiệu sản phẩm, mời khách hàng dùng thử sản phẩm của doanh nghiệp mình thật ấn tượng... rất dễ dàng. Vì tất cả đều được các cty tổ chức sự kiện "bao" trọn gói từ ý tưởng cho đến khẩu tổ chức và các vấn đề liên quan.

Tổ chức sự kiện có thể hiểu là tổ chức ra các hoạt động, sự kiện mang tính tiếp thị cho một đơn vị. Cụ thể, khi quảng bá sản phẩm của một doanh nghiệp (DN), không chỉ lồng được tên công ty trong từng sản phẩm, mà sản phẩm ấy phải "sống" trong sự chiêm ngưỡng của khách hàng. Anh Nguyễn Nguyên Long - Giám đốc Công ty CP Tổ chức Sự kiện Thế kỷ (Đà Nẵng) - tâm sự: “Phẩm chất cần thiết của một người làm công việc này là phải nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, có đầu óc tổ chức, biết cách xoay xở và ứng phó trong mọi tình huống. Khi gặp sự cố, không được hốt hoảng mà phải bình tĩnh để xử lý rốt ráo mọi việc. Nếu không tạo được niềm tin với khách thì không thể tồn tại với nghề. Ngoài ra, người làm nghề này cần có sức khỏe để "chạy" kịp với tiến độ của chương trình”.

Một chương trình có thể chỉ diễn ra trong nửa giờ nhưng các công ty tổ chức sự kiện phải chuẩn bị hàng tháng trời. Tuy nhiên, khi khách yêu cầu gấp rút, tất cả cũng phải “OK” và dốc toàn bộ sức lực, ý tưởng trong vòng chỉ... 2 ngày để hoàn thành toàn bộ công việc. Anh Trần Quang Minh - Giám đốc Công ty CP Tổ chức Sự kiện và Du lịch Gala Việt (Đà Nẵng) - khẳng định: “Đã theo nghề này thì không được nói không. Tất cả những yêu cầu của khách hàng đều phải cố gắng thực hiện cho bằng được, nếu muốn duy trì quan hệ lâu dài”.

Trong tổ chức sự kiện, khâu ý tưởng là quan trọng nhất. Khi một công ty tạo được những sự đột phá về ý tưởng, tung ra những “chiêu thức” mới lạ cũng đồng nghĩa với việc công ty đó đã “đóng dấu” được tên tuổi với các đơn vị thường xuyên có nhu cầu tổ chức sự kiện. Anh Nguyên Long khẳng định: “Từ khâu phát ý tưởng, thiết kế kịch bản, mỹ thuật, chào hàng, nhận hợp đồng... tất cả như một mắc xích và phải thật đồng bộ với nhau. Nếu một  bộ phận "hỏng hóc", chương trình sẽ bị bể ngay tức khắc”.

Không rầm rộ như ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hiện nay, Đà Nẵng chỉ có khoảng 10 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện nhưng theo lời một lãnh đạo của Trung tâm Quản lý quảng cáo (Sở Văn hóa - Thông tin Đà Nẵng), cũng chỉ có 3-4 đơn vị là thường xuyên đến trung tâm để xin treo pa-nô, áp-phích, băng rôn..., số còn lại hoạt động rất cầm chừng. Đối tượng của các công ty tổ chức sự kiện phần lớn là DN nhưng 90% DN ở Đà Nẵng là vừa và nhỏ, tiềm lực chưa mạnh lại chưa có ý thức cao về tiếp thị hình ảnh DN nên những công ty tổ chức sự kiện “ăn nên, làm ra” như công ty của anh Nguyễn Nguyên Long, Trần Quang Minh... là nhờ “đem chuông đi đánh xứ người”.

Những chương trình lớn được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Việt Nam như “Nối vòng tay lớn”, “Vinh quang Việt Nam - Tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, “Cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM”, “Doanh nhân với mùa xuân đất nước”... do chính Công ty CP tổ chức sự kiện Thế Kỷ đảm nhận. Hay Lễ khánh thành Palm Garden Resort tại Hội An (Quảng Nam), Lễ trao giải thưởng Sao Vàng Nam Trung bộ (7-2007)… do Công ty CP Tổ chức sự kiện và Du lịch Gala Việt thực hiện.

Đà Nẵng chưa thật sôi động với những chương trình tổ chức sự kiện nhưng là một thị trường mới, nhiều tiềm năng nên vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho những đơn vị tổ chức sự kiện khai thác. Dù áp lực công việc của nghề là rất lớn, nhưng sức hấp dẫn, cuốn hút của nghề vẫn là niềm đam mê cháy bỏng đối với nhiều bạn trẻ, nhất là khi tận hưởng chiến thắng từ những chương trình thành công, nhận được sự ngợi khen, thán phục của đối tác.

Luân Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.