Gửi ngân hàng 8 triệu yên Nhật, còn lại có 800 ngàn yên (?)

25/09/2007 00:08 GMT+7

Hôm qua 24.9, TAND TP.HCM đã đưa vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và bà Nguyễn Thị Bé Bảy (ngụ tại đường Hậu Giang, Q.6, TP.HCM) ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên, theo đề nghị của phía ngân hàng, tòa đã quyết định dời phiên xử vào một ngày khác. Đây là một vụ tranh chấp khá hy hữu từ trước đến nay.

Theo hồ sơ vụ việc, chị ruột của bà Bảy là bà Nguyễn Thị Bé Ba mở tiệm vàng Kim Mai tại đường Hậu Giang (Q.6, TP.HCM). Trong quá trình kinh doanh, bà Ba thường ủy quyền cho bà Bảy đi giao dịch với ngân hàng để vay vàng hoặc ngoại tệ về kinh doanh. 

Ngày 22.10.2005, bà Bảy cùng nhân viên của mình là Trần Văn Tài đến trụ sở của ACB trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để vay 700 lượng vàng SJC. Để bảo đảm, bà Bảy đã mang cầm cố cho ACB 35.000 euro, 2.000 bảng Anh và 8 triệu yên Nhật. Sau khi làm thủ tục xong, bà Bảy đã trực tiếp giao tiền cho một nhân viên của ACB là Nguyễn Thị Ngọc Hồng và số tiền này được niêm phong theo quy định. Tiếp đó, nhân viên ACB còn làm biên bản kiểm định và biên nhận tài sản với nội dung: "nhận của bà Nguyễn Thị Bé Bảy 8.000.000 yên, 2.000 bảng Anh và 35.000 euro". Nhân viên ACB còn cẩn thận ghi lại bằng chữ số tiền nhận như đã nêu trên.  Do việc kinh doanh thay đổi thường xuyên nên việc vay của bà Bảy tại ACB cũng thay đổi theo. Đầu năm 2006, bà Bảy cùng ông Tài đến ACB để thanh lý hợp đồng cũ rồi vay số tiền 1,1 tỉ đồng bằng 1 hợp đồng mới, khoản vay này được bảo đảm bằng 8 triệu yên Nhật và 12.000 bảng Anh. Rồi đến tháng 5.2006, bà Bảy đến ACB thanh lý hợp đồng vay 1,1 tỉ đồng này và lại tiếp tục vay 1,2 tỉ đồng và cũng cầm cố bằng 8 triệu yên và 12.000 bảng Anh. Trong suốt quá trình vay kể trên, khoản tiền 8 triệu yên của bà Bảy luôn nằm trong két của ACB.  Vào thời điểm vay 1,2 tỉ đồng, số tiền 8 triệu yên và 12.000 bảng Anh quy ra khoảng 1 tỉ 483 triệu đồng. So với khoản tiền vay 1,2 tỉ đồng thì còn dư ra 283 triệu đồng. Vì vậy bà Bảy đã yêu cầu ACB thanh toán phần dư này để bà có vốn kinh doanh. Tuy nhiên, theo lời bà Bảy, trong khi bà ngồi làm thủ tục với một lãnh đạo của ACB thì nhân viên Nguyễn Thị Ngọc Hồng ngồi một chỗ khác, tự ý xé niêm phong gói tiền rồi la lên rằng số tiền 8 triệu yên Nhật còn lại có... 800.000 yên. 

Vụ việc trở nên phức tạp và cơ quan công an đã được mời đến để làm việc. Dù vậy, một thực tế là hiện phía ACB đã có rất nhiều văn bản xác nhận rằng có cầm cố của bà Bảy 8 triệu yên chứ không phải 800.000 yên. Như: "biên bản kiểm định và biên nhận tài sản", "giấy đề nghị phong tỏa tài sản cầm cố"... 

Nhưng trong một buổi làm việc giữa hai bên vào ngày 29.5.2006, giải thích về sự chênh lệch "chết người" này, những người có trách nhiệm của ACB cho biết: "Đã có sự nhầm lẫn. Mặc dù biên bản là 8 triệu yên cùng 12.000 bảng Anh nhưng thực tế chỉ có 800.000 yên và 12.000 bảng Anh. Với chiếc bao đựng tiền trên thì không thể nào đựng được 8 triệu yên trong cùng một gói...". 

Biên bản trên khiến hai bên đã phải đưa nhau ra tòa nhờ phân xử. Ngân hàng ACB khởi kiện đòi bà Bảy phải trả 7,2 triệu yên. Phía bà Bảy cũng kiện ACB yêu cầu thanh toán 283 triệu đồng như đã nêu trên, đồng thời bà Bảy còn khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhờ giải quyết. Thời điểm đó, ông Trần Ngọc Minh (lúc này là Giám đốc Chi nhánh TP.HCM) đã có văn trả lời và cho biết: Theo Công văn số 2495/CV - PC.06 ngày 28.7.2006 của lãnh đạo ACB thì ACB đã yêu cầu cơ quan công an thụ lý giải quyết, còn khoản vay của bà Bảy hiện đã giao cho Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của ACB giải quyết. Riêng khoản tiền 7,2 triệu yên thì... bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng đã nộp cho cơ quan để khắc phục hậu quả (!). 

Vậy số tiền 7,2 triệu yên đã đi về đâu? Bà Bảy "nộp thiếu" khiến nhân viên ACB "nhầm lẫn" hay còn lý do gì khác? Câu hỏi trên sẽ được TAND TP.HCM làm sáng tỏ trong phiên tòa tới.

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.