Hậu trường... "người đẹp": Những chuyện giật mình

25/09/2006 14:36 GMT+7

Nếu trước đây, những người đẹp đoạt ngôi vị trong các cuộc thi hoa hậu rồi mới bước sang làm người mẫu, điển hình trong số ấy là Trương Ngọc Ánh, Hoa hậu Đền Hùng Giáng My, Á hậu Trịnh Kim Chi, Hoa hậu Ngọc Khánh, Miss Nivea, Miss Palmolive - Bảo Ngọc, diễn viên Điện ảnh triển vọng Tống Bạch Thủy…. Còn bây giờ?

Con đường tìm đến danh hiệu

Thí sinh bước chân vào “cuộc chơi” người mẫu chủ yếu là những cô chưa có tên tuổi, đi thi với hy vọng có được một giải gì đó để “lên đời”. Những nữ sinh viên có chiều cao về hình thể, thường rất hăng hái đi thi làm người mẫu với giấc mơ được đứng trên sân khấu lấp lánh ánh đèn. Được làm người mẫu đi đứng đong đưa trong những bộ trang phục diêm dúa cho hàng trăm, hàng ngàn cặp mắt ngưỡng mộ là đủ kích thích, đủ “động lực” để các cô vượt qua sự ngượng ngùng thời “con gái”. Một số cá biệt khác, thôi thúc bởi mong muốn đổi đời, giàu sang hoặc gặp được đại gia sau những cuộc thi, thế là sống chết … đi thi.

Vào nghề người mẫu rồi, nhiều cô đeo đuổi nghề đến cùng để có thể tiếp tục đặt chân vào các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, dù rớt lên rớt xuống nhiều lần. Có thể kể ra một số tên các người mẫu như: H.N (3 lần đi thi), T.P (2 lần), T.V (2 lần), K.P (2 lần), N.D ( 2 lần), H.D (3 lần), N.B (2 lần), T.T (2 lần)…

Chưa kể, có người còn tham gia một số cuộc thi người đẹp do tỉnh, thành nào đó tổ chức. Bởi vì nếu không có giải, không có danh hiệu các cô mãi chỉ là những người mẫu “lót”, “làm nền” cho những người mẫu đã có tên tuổi, đẳng cấp. Đó là lý do, vì sao khán giả cứ ngờ ngợ thấy … tên quen quen, mặt quen quen. Chỉ đến giành được một giải (cỡ á hậu, hoa hậu), họ mới chấm dứt việc đi thi.

Và hậu trường…

Với cái nhìn chăm chăm xét nét, trong cự ly chỉ vài… xăngtimét, ông giám khảo hỏi: “Tại sao em lại có những vết rạn trên đùi thế này? Chỉ có những người phụ nữ đã qua sinh nở mới có các vết nứt như thế. Em đã có chồng rồi phải không?”. Cô thí sinh dự cuộc thi “siêu mẫu” điếng hồn. Nhưng cuối cùng, cô cũng đoạt được giải đồng trong cuộc thi này.

Tại một cuộc thi hoa hậu, một nam ca sĩ vào phòng hậu đài nơi thí sinh make-up, thay trang phục. Sau một vòng “thưởng ngoạn” các người đẹp trong trang phục áo tắm, chàng ca sĩ đến bên một thí sinh chỉ vào khe đùi cô, nói: “Em phải đánh thêm phấn vào đây, chỗ ấy của em còn thâm lắm. Ngực em phải độn cao thêm đi, nhìn chưa hấp dẫn”.

Và cứ sau một màn trình diễn, các cô lại ào ào vào phòng, nhanh tay trút bỏ bộ cánh này để thay đồ cho phần thi tiếp theo. Đây là lúc những kẻ “ngoại đạo” tha hồ ngắm nghía no con mắt, có anh chàng còn tự nhiên hơn, bước đến giúp người đẹp mặc áo tắm, thêm mút đệm cho áo ngực…

Sau hậu trường luôn hỗn tạp. Ảnh từ SGGP online

Hậu trường như trên còn là “chuyện nhỏ”. Oái oăm hơn, có lần Á hậu H.O phải khóc tức tưởi khi phát hiện chiếc áo tắm của cô đã không cánh mà bay, trong khi phần trình diễn áo tắm chỉ còn trong ít phút.

Có người mẫu nọ, khi đến lượt biểu diễn của mình mới phát hiện bộ đồ của cô đã bị ai đó xé te tua. Chơi xấu, nhưng “kín đáo” hơn thì trang phục bị lỗ chỗ những vết châm của thuốc lá. “Hình sự” hơn là chuyện trong một show ca nhạc thời trang, siêu mẫu X đến muộn. Thấy trang phục cho mình không đẹp bằng một cô người mẫu “vô danh”, X tiến lại nói: “Cởi ra đưa cho tao, mày nghĩ mày là ai (?!)”.

Ngôi vị trong các cuộc thi sắc đẹp luôn là đề tài bàn tán không chỉ của khán giả mà còn là của ban tổ chức, nhà tài trợ… Trong một cuộc thi diễn viên, nhà tài trợ kiên quyết đòi cô thí sinh của địa phương mình phải được giải nhất, trong khi ông trưởng BTC lại muốn thí sinh M… Một cuộc khẩu chiến khá căng thẳng: nhà tài trợ đòi cắt tiền. BTC cũng không kém: đòi bỏ luôn tài trợ. Có lẽ danh tiếng từ cuộc thi cũng đủ mang lại “uy” cho nhà tài trợ, nên họ đồng ý… nhường giải nhất cho thí sinh M của ông trưởng BTC!

Chân dài, đầu to, óc bằng… trái nho

Đó là biệt danh mà người ta gán cho các người đẹp nói chung. Như thế có vẻ “vơ đũa cả nắm”. Của đáng tội, những cuộc thi sắc đẹp được truyền hình trực tiếp, khán giả không khó để nhận ra không ít người đẹp hiện nay hổng về kiến thức quá kém về ứng xử. Hầu như phần thi ứng xử, thí sinh lo một thì khán giả lo mười, phập phồng thót tim vì phải nghe những câu trả lời ngô nghê, sáo rỗng.

Cuộc thi người đẹp hữu nghị được tổ chức tại TP.HCM năm nọ, phần thi ứng xử và tự giới thiệu của nguời đẹp nọ đã làm khán giả cười muốn… té ghế. Cô nói cô muốn là chim (vì tên cô là tên một loài chim) để bay đến mọi nơi. Xong cô xin phép BGK cho cô nói bằng tiếng Anh… không chuẩn, rồi “thỏ thẻ” xin được dịch lại tiếng Việt (?!). Những câu “sách vở”, sáo rỗng rất được các người đẹp ưa chuộng, đại loại kiểu như: “Nếu em là hoa hậu, em sẽ giúp đỡ người nghèo khó, trẻ em cơ nhỡ” v.v…

Để tránh “phô” ra nhược điểm về “phông văn hóa” của các người đẹp, những cuộc thi sau này BTC đều có soạn sẵn câu hỏi để các thí sinh “gạo”. Khi ngoài sân khấu ca sĩ nhảy nhót tung tăng thì trong hậu trường mỗi người đẹp trốn vào một góc tranh thủ “ôn bài”. Những câu trả lời vì thế không hấp dẫn và càng không nói lên được sự thông minh, duyên dáng của các người đẹp.

Mặt trái

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” xem ra không còn phù hợp với thế giới người đẹp. Ngày nay, người đẹp bán danh là kiếm bộn… đô la. Một số người đẹp sau khi có danh hiệu, bắt đầu tìm kiếm “con đường tương lai” cho mình. Thậm chí có cô khi đang “vượt vũ môn” đã có nhiều cú điện thoại nhắn nhe, gợi ý của những đại gia. Với những cô đi thi vì mục đích “đổi đời”, không khó khăn gì sập bẫy các tay săn gái. Một số ít chấp nhận đánh đổi, làm “gái bao” của các đại gia, tệ hơn sau đó là… đi khách.

Với những người đẹp có danh, mỗi lần đi khách được tính bằng đô la. Diễn viên Y.V, người mẫu-diễn viên K.T, người đẹp U.N và một số các người mẫu, diễn viên trong đường dây gái gọi, sex tour của Hiền “chèo”, Hiếu “pê đê”, ca sĩ Lâm Ngọc Ánh có giá đi khách từ 100 đến cả ngàn USD.

Kiếm tiền bằng “vốn tự có” đang là tình trạng đáng báo động về một cách sống thiếu lành mạnh của một bộ phận người đẹp hiện nay. Không thể chỉ đổ lỗi cho “đại gia”, nếu người đẹp không gật đầu. Cái giá cuối cùng của cuộc sống phóng túng: không vào trường phục hồi nhân phẩm thì bị tù tội hay vướng phải căn bệnh chết người AIDS...

Theo Tùng Khanh/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.