Hội từ thiện GFO: Tấm gương nhân ái của sinh viên Việt tại Singapore

23/09/2006 22:32 GMT+7

Bắt đầu từ ý tưởng của một nhóm du học sinh Việt Nam, GFO - Tổ chức GFO viết tắt của Guardian For Orphans được tạo ra nhằm xây dựng một mái ấm cho trẻ mồ côi - một tổ chức từ thiện của người Việt ở đảo quốc sư tử đã ra đời. Có thể nói đó là một tấm gương điển hình cho niềm nhiệt huyết căng phồng trong lồng ngực tuổi trẻ.

Trao đổi với Thanh Niên, Hải Ninh, cựu sinh viên kinh tế của Đại học quốc gia Singapore (NUS) đồng thời là một trong những thành viên sáng lập GFO cho biết hội vừa được Bộ Nội vụ Singapore cấp phép hoạt động vào ngày 2/8/2006. Mục đích trước mắt của hội là giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ở Việt Nam sang Singapore điều trị những căn bệnh nan y, còn về lâu dài GFO sẽ vận động quyên góp để xúc tiến chương trình bảo trợ cho trẻ mồ côi ở Việt Nam và đưa những em có khả năng học tập tốt sang Singapore du học.

Ông Nguyễn Đắc Thắng là người được các thành viên du học sinh Việt Nam "chọn mặt gửi vàng" với chức Chủ tịch GFO. Ông Thắng vốn là một doanh nhân Việt kiều quốc tịch Canada sang Singapore làm việc đã được gần 4 năm. Ông cho biết đây là hội từ thiện đầu tiên do cộng đồng Việt Nam thành lập ở Singapore, phát xuất từ ý tưởng của 17 du học sinh tại 2 trường đại học nổi tiếng: Đại học quốc gia và Đại học kỹ thuật Nanyang.

Từ nỗi niềm của gia đình những bệnh nhân ung thư

Trong nỗ lực chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo, gần đây số người Việt Nam sang Singapore chữa bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều người sẽ cho rằng, chỉ có người giàu mới có tiền đi chữa bệnh ở nước ngoài. Trên thực tế, điều đó không hoàn toàn đúng. Nhiều gia đình đã phải bán hết gia sản, thậm chí vay nợ khắp nơi để đủ tiền chữa bệnh cho thân nhân. Thời gian chữa bệnh có thể vài tháng hoặc vài năm. Chi phí sinh hoạt, thuốc men đắt đỏ cộng với rào cản ngôn ngữ đã khiến không ít gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Ngay cả chuyện thông dịch giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân cũng ngốn bộn tiền. Một giờ phiên dịch có giá từ 60 đến 90 đô la Singapore. Thời gian chữa bệnh càng lâu, chi phí càng tăng lên. Nhiều gia đình đi đến chỗ khánh kiệt cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Tưởng họ sẽ bỏ cuộc, buông xuôi nhưng đúng lúc ấy, một số du học sinh Việt Nam đã xuất hiện. Họ làm mọi điều có thể để giảm bớt gánh nặng cho những người đồng hương kém may mắn.

Anh Vũ Văn Thành là cha ruột của bé Vũ Thái Hưng mắc bệnh bạch cầu tủy cấp. Sang Singapore chữa bệnh từ ngày 8/5/2006, vợ chồng anh Thành, vốn đều là giảng viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, đã không thể quên nghĩa tình của GFO: "Tôi xin kể về những tấm lòng vàng, những sinh viên Việt Nam tại Singapore... Các cô chú mua tặng chúng tôi đủ thứ: cá, gà, rau củ, quít, chuối..., đến chăm sóc và động viên vợ con tôi, nhưng lần nào tôi gửi tiền cũng từ chối. Tôi thật ái ngại vì họ đã giúp chúng tôi rất nhiều, trong khi tôi biết họ còn nợ tiền học". 

Bé Hưng từng run rẩy giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, nay đã có dấu hiệu hồi phục. Tin vui này lan truyền nhanh chóng giữa những anh chị em trong hội.

Bé Vũ Thái Hưng và mẹ đang thư giãn với máy vi tính

"Hiệp sĩ" GFO và tinh thần tình nguyện không biên giới

Dĩ nhiên, điều đầu tiên các du học sinh có thể giúp đỡ cho các bệnh nhân là việc sử dụng vốn tiếng Anh của mình. Thông thường, các tình nguyện viên luôn nắm lịch khám của các bác sĩ đối với từng ca họ có trách nhiệm chăm sóc. Vào giờ khám, tình nguyện viên sẽ túc trực bên bệnh nhân để làm nhiệm vụ phiên dịch, chuyện trò, an ủi. Các thành viên của GFO ưu tiên chọn giúp đỡ các em bé bị ung thư, những gia đình gặp khó khăn về tài chính.

Đa phần các thành viên của GFO đi du học theo diện học bổng chính phủ. Nhìn chung, họ đều chịu cảnh "nghèo" với chỉ khoảng vài trăm đô la Singapore dằn túi hằng tháng. Nhưng hằng ngày họ vẫn tự bỏ tiền túi ra để đi taxi hay xe buýt đến các bệnh viện hay chỗ trọ của bệnh nhân để thực hiện nhiệm vụ của mình. Lòng tốt của họ thậm chí khiến nhiều người không tin nổi. Có người nhà bệnh nhân không kìm nén nổi ngạc nhiên xen lẫn ngờ vực khi bỗng nhiên một bạn trẻ nào đó đến xin tình nguyện giúp đỡ không công.

Theo điều lệ của GFO, không tình nguyện viên nào được nhận tiền, quà từ gia đình bệnh nhân, cho dù đó là tiền "đền ơn đáp nghĩa", một suất ăn hay chi phí đi taxi, xe buýt. Họ tâm niệm, nếu bệnh nhân tốn tiền, dù chỉ 1 đồng, thì công việc của họ không còn ý nghĩa.

Chị Phạm Thị Liên, mẹ của bé Võ Sơn Toàn, 12 tuổi, hiện đang ở Singapore điều trị bệnh ung thư máu, chân thành bày tỏ lòng biết ơn của mình: "Những ngày đầu đặt chân lên đất nước Singapore này, tôi thật sự khó khăn và đau khổ, tâm lý nặng nề vì bệnh tình của bé Toàn. Tôi thật sự cảm động trước những tấm lòng nhân ái của các em đã nhiệt tình giúp tôi".

Các bạn trẻ sinh viên Việt Nam ở GFO

Khi GFO "nối vòng tay lớn"

Nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, GFO đã có buổi gặp gỡ các thành viên ở trụ sở của hội, đồng thời là nhà riêng của "chủ tịch" Thắng trên đường Gentle Drive. Tất cả họ cam kết đóng góp công sức của mình bằng nhiều cách khác nhau để thực hiện sứ mệnh chung của GFO. Theo Hồng Nhung, đại diện của Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học kỹ thuật Nanyang, qua buổi giao lưu, các thành viên của GFO đã cập nhật cho nhau những trường hợp mới cần giúp đỡ.

Theo ông Nguyễn Đắc Thắng, vừa qua hội đã tổ chức các buổi thuyết trình tự giới thiệu tại 3 trường Nanyang, Đại học quốc gia và Học viện quản lý Singapore (SIM). Từ khoảng 17 thành viên thường trực ban đầu, nay số thành viên đăng ký tham gia hội đã lên đến hơn 300. Khá bất ngờ, một số bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội cũng đăng ký tham gia qua trang web chính thức của hội tại www.gentlefund.org. Tháng 10 tới, GFO sẽ tung ra CD có tên là Gentle Drive ở Singapore bao gồm các bài hát Anh, Việt do chính các thành viên phối khí, biểu diễn. GFO đang vận động cộng đồng người Việt ở Singapore mua CD này nhằm quyên góp cho quỹ hoạt động của hội trong thời gian tới.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.