Văn học Việt Nam tai Mỹ: Tiếp tục lọt vào Top

06/02/2004 09:54 GMT+7

Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo tới Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Phạm Thị Hoài, Trần Thùy Mai, Bảo Ninh, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, rồi Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, mới nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Có thà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu. Chủ biên tuyển tập này là hai nhà văn: Wayne Karlin, một nhà tiểu thuyết Mỹ và thà văn Hồ Anh Thái, người dịch một nửa trong số 50 truyện ngắn của tuyển tập.

Văn học Việt Nam hấp dẫn công chúng Mỹ.

Tập sách mới phát hành đã có dư luận. Thời báo St.Petersburg viết: ''Tình yêu sau chiến tranh, một tuyển tập văn xuôi hấp dẫn của VN thời gian gần đây, chứng tỏ rằng sau nhiều thế hệ chiến tranh, bị chiếm đóng, giải phóng và thay đổi chính quyền, người ta không thể làm suy yếu nền văn học của một dân tộc. Đặc biệt khi chủ đề là tình yêu. Tài năng được phô diễn trong Tình yêu sau chiến tranh thật ấn tượng. Văn phong đẹp, Tình yêu sau chiến tranh cho thấy rằng văn học VN, và cả đời sống ở đó, đang phát triển mạnh''. Nhà văn Robert Olen Butler, tác giả Hương thơm từ núi lạ, giải thưởng Sách quốc gia Mỹ bình luận: ''Nhiều nhà văn VN là những nhà văn tầm quốc tế và tuyển tập này là biểu hiện đầy đủ nhất có thể tìm thấy bằng tiếng Anh''. Vừa qua, tiểu thuyết Số đỏ (bản dịch tiếng Anh Dumb Luck) của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng được nhật báo Los Angeles Times bình chọn là 1 trong 50 tác phẩm hay nhất nước Mỹ. Cuốn sách do vợ chồng giáo sư sử học Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm chuyển thể. Trước đó Số đỏ do NXB University Of Michigan Press phát hành vào tháng 6/2002 tại Mỹ, được đưa vào danh mục các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam tại các giảng đường đại học trên toàn nước Mỹ. Mới đây, tuyển tập Sự tích bánh chưng bánh dày - Những chuyện dân gian Việt Nam cũng được xuất bản và giới thiệu trong các trường đại học có giảng dạy ngành Việt Nam học.

Với sự hỗ trợ của Bộ VH-TT VN, các NXB phương Tây trong những năm gần đây bắt đầu tìm kiếm để nhập khẩu các đầu sách VN và phối hợp vớicác dịch giả tên tuổi để dịch và xuất bản các tác phẩm này. Hai NXB thuộc Đại học Massachusetts và Curbstone đang đi đầu trong việc tìm kiếm và giới thiệu văn chương VN với công chúng Mỹ. Các tác phẩm VN cũng đã có mặt trong danh sách “Tác phẩm được NXB giới thiệu” (dành cho những cuốn sách có chất lượng cao và được độc giả yêu thích). Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp (tựa tiếng Anh Crossing The River do NXB Curbstone Press phát hành) được giới thiệu trên website sách nối tiếng amazon.com là một ví dụ. Cuốn sách này được phát hành vào tháng 2/2004 nhưng trước đó đã được giới thiệu để người mua đặt trước. Lý giải sức cuốn hút của văn học VN đối với công chúng Mỹ, các nhà giới thiệu sách nhận định rằng, đó là tính cổ truyền và những điển tích được lồng ghép nhuần nhuyễn vào bối cánh đương đại, hoặc ngược lại, những câu chuyện cổ xưa được sử dụng như những ẩn dụ cho thời đại ngày nay. Tác giả James Borton của tạp chí Asia Times khẳng định: ''Chừng nào con người còn tin vào điều này - chuyện ngày xưa gìn giữ cho ta những giá trị vững bền về gia đinh và lý tưởng, và là cách để kết nối hôm nay với hôm qua – thì những áng văn chương VN sẽ còn được trình làng cho người đọc toàn cầu, bởi ngày nay đó là điều mà chúng ta tìm kiếm''.

Hoàng Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.