Xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em: Đừng lãng quên vùng ven!

24/10/2011 09:27 GMT+7

Sau gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản, giờ đây khi đã chính thức gác lại công việc, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà Xuất Bản Trẻ - lại tiếp tục tham gia nhiều chương trình nhằm xây dựng văn hóa đọc cho người dân Việt Nam.

Hiện bà đang giữ vai trò cố vấn về nội dung cho dự án triển khai mô hình thư viện thông minh dành tặng 15 trường THCS vùng ven do Công ty Điện tử Samsung Vina tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Bà đã dành có cuộc trò chuyện ngắn về công việc và dự án mới nhất của mình.

Với trải nghiệm của một người có quá trình quan sát lâu dài về sự phát triển của văn hóa đọc trong nước, đến giờ này điều gì làm bà cảm thấy trăn trở nhất về văn hóa đọc của nước ta?

Hơn 20 năm gắn bó với công tác xuất bản và góp phần xây dựng văn hóa đọc nước nhà, điều khiến tôi và các đồng nghiệp trăn trở nhất là làm thế nào để đưa sách đến gần hơn với trẻ em vùng ven và nông thôn. Ở một quốc gia có đến 65% dân số dưới 30 tuổi như Việt Nam, việc trẻ em đọc sách và học tập từ sách như thế nào chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, 80% dân số Việt Nam sống ở vùng ven và nông thôn, nghĩa là đang có ít nhất khoảng 40% trẻ em Việt Nam chưa có đầy đủ điều kiện tiếp cận với sách. Đây là một thiệt thòi lớn cho các em và là vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay của văn hóa đọc nước nhà. Vì vậy, trong hành trình xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em, chúng ta không được phép lãng quên các em ở vùng ven và nông thôn.

 
Bà Quách Thu Nguyệt luôn tích cực tham gia các hoạt động để xây dựng thói quen đọc sách và văn hóa đọc trong cộng đồng

Vậy theo bà, để xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Theo tôi, để phát triển văn hóa đọc trước hết phải xây dựng được thói quen đọc sách cho trẻ em. Muốn phát triển thói quen này, chúng ta phải tạo nhiều điều kiện để các em được tiếp cận với nguồn sách bổ ích, phong phú, phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của các em. Với điều kiện thiếu thốn vật chất của học sinh nông thôn hiện tại và có thể vẫn còn tồn tại nhiều năm nữa, thì thư viện trường chính là cơ hội duy nhất đế các em đến gần hơn với nguồn sách được định hướng cụ thể.

Nhưng có về các vùng nông thôn mới thấy cơ sở vật chất và nguồn sách của thư viện trường còn rất nhiều hạn chế. Hầu hết các thư viện trường ở nông thôn hiện nay đều không có sách mới, không có sách tham khảo thích hợp và không có sách truyện phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Bên cạnh đó, thư viện cũng không có người hướng dẫn đọc và mượn sách, nên phần lớn học sinh nông thôn không thích vào thư viện và dần lãng quên thói quen đọc sách.  

Đó có phải là lý do chính thúc đẩy bà tham gia dự án xây dựng mô hình thư viện thông minh cho học sinh nông thôn không, thưa bà?

Có thể nói, dự án mang sách về cho học sinh nông thôn “Thư viện thông minh - Trí tuệ ngày mai” do Samsung Vina tổ chức là cơ hội để tôi thực hiện tâm huyết và mong mỏi từ nhiều năm nay của mình. Không chỉ một mình tôi, dự án còn thu hút sự quan tâm ủng hộ và tham gia đóng góp của rất nhiều nhà giáo dục, nhà văn hóa và các nhân vật có tâm huyết với sách, với văn hóa đọc và với thế hệ trẻ. Thư viện thông minh sẽ là mô hình thư viện hoàn chỉnh với hơn 300 đầu sách (khoảng 1.000 quyển) thuộc tất cả các thể loại (sách giáo khoa, sách tham khảo & bổ sung kiến thức, sách văn học, sách khoa học, sách ngoại ngữ & từ điển) do tôi và các đồng nghiệp tuyển chọn với tư cách là Ban cố vấn về nội dung của dự án.  

 
Bà Quách Thu Nguyệt luôn tích cực tham gia các hoạt động để xây dựng thói quen đọc sách và văn hóa đọc trong cộng đồng

Ngoài nguồn sách phong phú và bổ ích, thư viện thông minh còn được Samsung Vina trao tặng hệ thống quản lý khoa học gồm: máy tính kết nối Internet, TV, đầu đĩa DVD, máy in… để hiện đại hóa việc tìm kiếm sách - tra cứu thông tin, và khoa học hóa việc quản lý mượn và trả sách. Chúng tôi hi vọng dự án  “Thư viện thông minh - Trí tuệ ngày mai” sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, thu hút sự chú ý của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với việc xây dựng lại thói quen đọc sách và văn hóa đọc cho hàng triệu trẻ em nông thôn Việt Nam. (M.C)

Trong giai đoạn I của dự án (từ tháng 9 đến tháng 12.2011), Samsung Vina sẽ trao tặng mô hình thư viện thông minh cho 15 trường THCS vùng ven thuộc 4 khu vực ưu tiên trên cả nước. Với mục tiêu tốt đẹp này, “Thư viện thông minh - Trí tuệ ngày mai” đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nhân vật có tâm huyết với văn hóa đọc và thế hệ trẻ như: Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông Nguyễn Hữu Hoạt - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn Hóa Phương Nam, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, Nhà văn Lê Phương Liên, PGS - TS Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh, Nhà văn Trần Đức Tiến, Nguyên Giám đốc NXB Trẻ Quách Thu Nguyệt, TS Ngữ văn, Tổng biên tập Tạp chí Văn học và Tuổi Trẻ Nguyễn Văn Tùng, Thạc sĩ Thông tin - Quản lý Thư viện Nguyễn Tấn Thanh Trúc, ca sĩ Mỹ Linh và gia đình, Dịch giả Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bùi Chí Vinh…

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.