Lo trước cái lo của thiên hạ

20/10/2009 01:04 GMT+7

Tại buổi tọa đàm “Học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về công tác dân vận - Thực trạng và giải pháp công tác dân vận của Đảng bộ TP.HCM” do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức vào trung tuần tháng 10, trong phát biểu của mình, Phó bí thư Thành ủy Phạm Phương Thảo cho rằng tại TP.HCM “không ít cán bộ còn lạnh nhạt với dân hoặc ngộ nhận quyền lực, hành xử với dân theo kiểu xin - cho”. Đây là một đánh giá nhìn thẳng vào vấn đề cán bộ hiện nay không chỉ của riêng TP.HCM hay một tỉnh, thành nào.

Khi đọc những câu tường thuật trên, tôi nhớ ngay đến tác giả tiểu thuyết Con trâu. Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Bổng thường ngồi đàm đạo với cánh nhà văn trẻ về thời cuộc, nhất là những khi tổng kết các trại sáng tác. Có lần ông nói: “Nhiều anh cán bộ cách mạng hồi kháng chiến coi dân như cha mẹ nhưng đến khi về thành, có chức có quyền rồi lại ít khi nhớ đến những người từng nuôi nấng, đùm bọc mình. Đó là bắt đầu một quá trình tha hóa đáng lo ngại, là hiện tượng quay lưng lại với dân và xa dân rất đáng ngại. Các cậu nên viết về mảng đề tài này để cảnh báo...”.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lại kể về Phạm Trọng Yêm (989 - 1052), là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống bên Trung Quốc vì có liên quan đến chuyện ông đang bàn. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 8 (1015) đời Tống Chân Tông, Phạm Trọng Yêm đỗ tiến sĩ, sau lên đến chức phó tể tướng. Năm 1043, thời Cảnh Tông, ông cùng các đồng sự đề xuất cải cách công việc triều chính mang tên "đáp thủ chiếu điều trần thập sự" (10 điều cần cải cách), trong đó có các nội dung bổ nhiệm, bãi miễn quan chức phải rõ ràng; thu thuế quân điền; tu sửa võ bị, bớt lao dịch cho dân..., nhưng sau đó những đề xuất cải cách này bị phe bảo thủ chống đối không thi hành được và ông bị giáng chức, đau buồn mà chết. Về văn chương, Phạm Trọng Yêm để lại tác phẩm nổi tiếng là Nhạc Dương lâu ký (ghi chép ở lầu Nhạc Dương), trong đó có câu nổi tiếng khi nói về nhiệm vụ của người quân tử: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng nhắc đến câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vào cuối năm 1961, khi Cụ Hồ về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), một xã có phong trào trồng cây giỏi. Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã lúc trời đã gần trưa, nắng gay gắt. Chủ tịch huyện cho người tìm được chiếc dù, định giương lên che nắng cho Bác, thì người quay lại hỏi chủ tịch huyện: “Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận. Đó là phẩm chất lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ của Cụ Hồ”, tác giả Con trâu kết luận.

Kể lại một kỷ niệm của nhà văn xứ Quảng mà tôi rất quý trọng này để một lần nữa thấy rõ “sự lạnh nhạt với dân” và “ngộ nhận quyền lực” mà bà Phạm Phương Thảo vừa nói là việc đã được cảnh báo từ rất lâu. Vấn đề là cần có một quyết tâm và tầm nhìn sâu rộng liên quan từ việc mở rộng đối tượng tuyển chọn nhân tài, bố trí cán bộ, đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức, chính sách đãi ngộ và các biện pháp kỷ luật nghiêm minh bằng luật pháp. Đó cũng chính là “lo trước cái lo của thiên hạ” trong công tác nhiệm vụ huy động hiền tài cho đất nước vậy!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.