Thế thời phải thế

01/10/2008 23:39 GMT+7

Việc Tổng thống Afghanistan H.Karzai chính thức đề nghị Ả Rập Xê Út và Pakistan đứng ra đảm nhận vai trò trung gian cho tiếp xúc và đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban có thể được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Có thể hiểu là cử chỉ thiện chí của ông Karzai hoặc ông Karzai bị tình thế hiện tại ở Afghanistan buộc phải làm vậy. Vì sau hơn 7 năm, quân đội Mỹ, NATO và Chính phủ Afghanistan không những không tiêu diệt được Taliban mà lực lượng này còn có vẻ như đang trỗi dậy.

Cho dù được hiểu như thế nào thì động thái ngoại giao nói trên của ông Karzai cũng cho thấy Taliban vẫn là một nhân tố chưa thể bỏ qua được trong mọi giải pháp chính trị cũng như quân sự cho tình hình an ninh ở Afghanistan. Bất cứ hình thức và mức độ hòa giải nào với lực lượng Taliban đều là bằng chứng về thất bại của Mỹ, NATO và chính phủ của ông Karzai ở Afghanistan. Có thể thấy mục đích mà ông Karzai theo đuổi với bước đi ngoại giao mới này là tranh thủ người dân ở Afghanistan và dư luận quốc tế để cô lập Taliban. Nhưng đồng thời cũng để ngỏ mọi khả năng đối thoại và tiếp xúc với Taliban vào thời điểm nào đó trong tương lai, chẳng hạn như khi quân đội nước ngoài triệt thoái khỏi Afghanistan, chứ còn hiện tại cũng như trước mắt, chắc chắn chẳng có chuyện Taliban chấp nhận hòa giải và hòa bình với chính phủ.

Nguyên nhân thực chất cho thái độ đó của Taliban không phải ở chính phủ của ông Karzai mà ở sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Afghanistan và thực tế Taliban vẫn còn căn cứ địa tại khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Nếu đánh nhanh thắng nhanh thì Taliban làm sao có thể thắng nổi quân đội Mỹ, NATO và Chính phủ Afghanistan, nhưng nếu đối đầu theo kiểu câu dầm kéo dề, nhất là khi tình hình chính trị nội bộ ở Pakistan lại không ổn định như vậy thì Taliban lại có lợi thế. Đó là hai mặt của việc ông Karzai chìa tay hòa giải về phía Taliban.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.