Từ chính sách đào tạo nhân tài của Đà Nẵng

30/09/2005 21:48 GMT+7

Báo Thanh Niên đưa một tin được nhiều bạn đọc chú ý: 7 học sinh giỏi của Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) vừa lên đường đi du học các nước Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Bỉ và Singapore bằng ngân sách của thành phố kể từ năm học 2005-2006. Chi phí mỗi năm học cho một du học sinh hằng năm từ 5.000 USD đến 12.500 USD, tùy theo trường và ngành học.

Đây là năm thứ 2 Đà Nẵng thực hiện chương trình "Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Theo sau chương trình được công bố rộng rãi (trên website Đà Nẵng và các phương tiện truyền thông khác) này, UBND thành phố cũng đã ban hành 2 quyết định về  "đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước bằng ngân sách" và ban hành “quy chế hoạt động của trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn".

Ngoài 7 học sinh có thành tích xuất sắc đi học năm nay, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã cử 4 học sinh đi du học tại Pháp và Singapore trong chương trình tương tự. Ngoài ra, cũng đã có 41 em được học tại các trường trong nước theo tiêu chuẩn học bổng cao do  ngân sách đài thọ. Ví dụ học tại Trường Đại học quốc tế TP.HCM được cấp học bổng 38 triệu đồng/năm; các đại học ở TP.HCM và Hà Nội được cấp 19,8 triệu đồng/năm; tại Huế được cấp 15,8 triệu đồng và tại Đại học Đà Nẵng là 11,8 triệu đồng/năm...

Theo ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo kiêm Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quí Đôn: "Các du học sinh trước khi đi đều được Bí thư thành ủy gặp mặt dặn dò; mỗi kỳ nghỉ về quê đều được nhà trường tổ chức họp mặt, báo cáo kết quả học tập. Đặc biệt, các em đều có địa chỉ e-mail của Bí thư thành ủy để báo cáo thường xuyên những thu hoạch của các em về quản lý đô thị, bảo vệ môi trường hoặc các đề xuất mà các em học được ở nước ngoài có thể áp dụng cho quê hương". Đối với các sinh viên học trong nước cũng vậy, theo ông Chuẩn, mỗi đợt công tác của lãnh đạo sở, lãnh đạo trường đi Hà Nội, TP.HCM đều tổ chức gặp mặt, hỏi han tình hình học tập và động viên...

Theo chiến lược đào tạo nhân tài của Đà Nẵng, các học sinh, sinh viên giỏi được xét cấp học bổng du học hoặc học trong nước đều có cam kết của chính các em và gia đình là phải học tập thật tốt trong từng năm học, khi ra trường ít nhất phải phục vụ tại địa phương trong 7 năm. Nếu cam kết không thực hiện được, gia đình các em phải bồi thường gấp 5 lần kinh phí mà ngân sách đã bỏ ra.

Rõ ràng cách làm này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tình hình "chảy máu chất xám" khá phổ biến hiện nay: Người tài của các tỉnh nghèo bỏ đi tìm việc ở các trung tâm lớn, người tài trong các cơ quan nhà nước ra tìm việc ở các liên doanh - công ty - tổ chức nước ngoài vì lương cao. Trong nền kinh tế thị trường, lao động - dù ở trình độ nào - vẫn là hàng hóa. Sự di chuyển của lao động như vậy đã tạo ra cái gọi là "thị trường lao động" mà bằng những biện pháp hành chính đơn thuần khó có thể chi phối, điều tiết được. Do vậy, đầu tư để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao và lâu dài như cách làm của Đà Nẵng là một bước đột phá. Vấn đề còn lại là: Chính sách đãi ngộ sau 7 năm "làm việc trả nợ" của các hiền tài sẽ ra sao để họ tiếp tục là những người gắn bó với một vùng đất! Bài toán này, chắc chắn Đà Nẵng sẽ còn phải tiếp tục tìm lời giải.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.