“Sát thủ giấu mặt” từ chuột

07/10/2008 09:50 GMT+7

Một bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm rất hiếm gặp do lây nhiễm hantavirus từ chuột đã được Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) điều trị thành công.

Ngày 20.9, bệnh nhân (BN) N.A. (25 tuổi, Q.12, TP.HCM) đột ngột sốt cao liên tục. Người nhà của BN (là bác sĩ) chẩn đoán chị bị sốt xuất huyết và cho thuốc hạ sốt, truyền dịch.

Điều trị tại nhà ba ngày không hết sốt, ngày 23.9, BN đến Bệnh viện 115 khám bệnh và phải nhập viện. Bác sĩ (BS) chẩn đoán theo dõi sốt siêu vi. Sau đó, BN bắt đầu tiểu ra máu nhưng không thấy tiểu rắt, tiểu buốt. Xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu, bạch cầu. Hướng chẩn đoán của BS là BN bị nhiễm trùng tiểu, cho sử dụng kháng sinh.

Tuy nhiên, tình trạng BN ngày càng nặng hơn: bụng chướng lên, khó thở, phổi có thâm nhiễm lan tỏa và có dịch ở màng phổi (lượng ít). BN được hội chẩn, làm thêm một số xét nghiệm và các BS nghĩ có thể BN bị viêm cầu thận do mắc một loại bệnh tự miễn là Good pasture. Kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tự miễn Good pasture và bệnh tình của BN tiếp tục diễn tiến nặng, xuất hiện tổn thương thận do viêm ống thận cấp, nhịp tim chậm nên được chuyển qua khoa tim mạch C điều trị vào ngày 26.9.

Bệnh hiếm gặp và nguy hiểm

Tại khoa tim mạch C, BN bắt đầu có triệu chứng đa niệu (đi tiểu lượng nhiều), tràn dịch màng ngoài tim sau thất trái (lượng rất ít), tổn thương phổi. Sau đó, một BS nghĩ đến khả năng có thể BN bị nhiễm hantavirus từ chuột nên đã gửi mẫu máu của BN sang Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Kết quả của Viện Pasteur TP trả lời ngày 3.10: dương tính với hantavirus.

BS Phan Ngọc Nam - trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện 115 - cho biết hantavirus được phân lập từ loài gặm nhấm (chuột ở Nam Mỹ) và được ghi nhận, báo cáo ở một số nước từ những năm 1980-1986. Virus này có trong nước tiểu, phân, nước bọt của loài gặm nhấm như chuột nuôi làm cảnh, chuột ở phòng thí nghiệm, chuột đồng, chuột cống... Hantavirus lây truyền từ chuột sang người qua đường hô hấp, phân, nước tiểu, kể cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích ra virus. Đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự lây truyền hantavirus từ người sang người.

Theo BS Nam, đây là một bệnh lý rất hiếm gặp tại VN. Khi bị nhiễm hantavirus, BN có triệu chứng sốt cao 3-5 ngày, có khi sốt kéo dài 4-6 tuần. Từ khi nhiễm hantavirus đến khi phát bệnh từ 9-35 ngày, nhưng đa số từ 9-24 ngày. Bệnh có biểu hiện qua bốn thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu lỏng (BN N.A. có đủ các triệu chứng này); có các bệnh lý về tim, phổi; đa niệu, hồi phục.

Ở thời kỳ đầu, khi BN bị đau bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa hoặc viêm cầu thận có mủ. Có BN còn có biểu hiện mặt đỏ hồng như đi tắm biển. Ngoài ra, BN còn một số triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như đau họng, ngạt mũi, viêm xoang, đau tai. Có BN có các chấm đỏ nhỏ như sốt xuất huyết. Sau đó xuất hiện tràn dịch màng phổi, ho, viêm cơ tim, khó thở, tụt huyết áp và có phù phổi (giai đoạn 2, 3)...

Diễn tiến tụt huyết áp, phù phổi nhưng không phải có nguồn gốc từ tim và xảy ra rất nhanh, trong vòng 4-24 giờ đầu khi khởi bệnh. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, phát hiện trễ, BN có thể tử vong (tỉ lệ tử vong từ 6-10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải chạy thận nhân tạo. Thời kỳ hồi phục kéo dài từ hai tuần đến hai tháng.

Về điều trị, theo BS Nam, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị dù việc dùng thuốc Ribavirin (điều trị viêm gan siêu vi C) có hiệu quả ở giai đoạn đầu của bệnh và giúp làm giảm tỉ lệ tử vong. Việc điều trị hantavirus hiệu quả nhất đến nay chủ yếu vẫn dựa vào sự chăm sóc, theo dõi huyết động học, hỗ trợ hô hấp ngay từ đầu và kịp thời điều chỉnh những rối loạn về tim mạch... Riêng BN N.A., dù lúc đầu chưa chẩn đoán ra bệnh nhưng nhờ các BS tích cực điều trị triệu chứng ngay từ đầu nên BN đã qua được giai đoạn nguy hiểm.

Lây bệnh từ chuột nhà?

Theo BN N.A., nhà chị không nuôi chuột kiểng, nhưng cách đây khoảng nửa năm có một con chuột chui vào nhà. Cứ khoảng 20g-21g là thấy chuột chạy ra chạy vô. Chị nhiều lần tìm cách đuổi ra nhưng chưa được. Thỉnh thoảng dọn dẹp nhà cửa chị thấy có phân chuột trong nhà. Viện Pasteur TP.HCM đã đưa cho gia đình chị tám cái bẫy lồng để bẫy chuột trong nhà chị và một số nhà lân cận, đồng thời sẽ lấy mẫu máu của chị để xét nghiệm thêm một lần nữa phục vụ việc nghiên cứu.

Chiều 6.10, TS Vũ Thị Quế Hương - trưởng khoa vi sinh miễn dịch Viện Pasteur TP.HCM - cho biết BN N.A. là trường hợp rất điển hình của bệnh hantavirus - một bệnh lý còn ít được để ý đến. Trước đây khá lâu, viện có xác định được một BN bị nhiễm hantavirus nhưng không điển hình như BN này. 

Lê Thanh Hà / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.