Phát hiện ếch kêu như dế tại Việt Nam

09/10/2010 18:12 GMT+7

Báo cáo mới đây của Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cho biết, trong quá trình khảo sát hồi năm ngoái đã phát hiện 145 loài sinh vật mới trong khu vực sông Mekong.

Trong số đó có những loài cây ăn thịt, loài cá có răng nanh như ma cà rồng và loài ếch phát ra tiếng kêu như dế… Phát hiện này cho thấy đây là một khu vực đa dạng sinh học cần sự quan tâm bảo vệ đặc biệt.

Khu vực sông Mekong mở rộng từ Miến Điện, qua Trung Quốc đến Việt Nam. Trong số những loài mới phát hiện thì có 3 loài tại Campuchia, 58 loài tại Thái Lan.

Tất cả các loài mới phát hiện tại Campuchia đều là thực vật. Trong số đó là cây nắp ấm bokorensis toàn thân màu đỏ có thể cao đến 7m, riêng phần cấu trúc như một cái bình dài đến 25 cm. Mặc dầu mới được các nhà khoa học phát hiện và mô tả nhưng thực ra cư dân vùng đồi Bokor đã từng biết đến loài nắp ấm này và thường dùng rễ của nó sắc lấy nước uống để làm giảm cơn đau của sản phụ. Các nhà khoa học đề nghị xếp cây nắp ấm bokorensis vào danh sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt vì nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Hai loài khác được tìm thấy tại Campuchia là một loại thảo mộc nhiệt đới tại tỉnh Ratanakkiri, một loại cây hoa vàng ở miền bắc Campuchia và đông nam Thái Lan.

Loài ếch phát ra âm thanh như dế tìm thấy tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam có tên khoa học Leptolalax applebyi (ảnh). Trong khi đó loài cá có răng nanh nhưng chiều dài tối đa chỉ 17 mm được phát hiện trong một dòng suối nhỏ thuộc Miến Điện.

Trong 145 loài mới phát hiện thì có 96 loài thực vật, 26 loài cá, 6 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 5 loài thú và 2 loài chim. Báo cáo thống kê chi tiết về 145 loài mới phát hiện vừa được WWF công bố tại bản doanh của Công ước quốc tế về đa dạng sinh học ở Nagoya, Nhật Bản vào tháng 10 năm nay.

Có thể xem đoạn video về những loài mới phát hiện tại địa chỉ http://www.vimeo.com/15457226

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.