Ai sẽ phải nộp thuế TNCN?

08/10/2008 11:05 GMT+7

(TNO) Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Quốc hội khóa XII ban hành ngày 21.11.2007 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2009. So với Pháp lệnh thuế TNCN hiện hành thì đối tượng nộp thuế lần này sẽ rộng hơn rất nhiều.

Theo khảo sát của Cục thuế TP.HCM, có khoảng 2 triệu người sinh sống tại đây thuộc diện nộp thuế TNCN, trong đó có khoảng 1,5 triệu người chịu ảnh hưởng từ luật thuế này do thu nhập từ việc làm công, ăn lương.

Chiều 7.10, theo ghi nhận của chúng tôi tại Cục thuế TP.HCM, có khá nhiều doanh nghiệp mới cũng như các cá nhân đang tiến hành kê khai, làm thủ tục xin cấp mã số thuế. Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ Cục thuế TP.HCM, hiện tại Cục thuế TP.HCM đã triển khai cấp mã số thuế cho khoảng 300.000 hộ cá thể và doanh nghiệp. Số còn lại sẽ tiếp tục tiến hành triển khai trong thời gian tới.

Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về Luật thuế TNCN sẽ được áp dụng trong thời gian tới, chúng tôi xin giới thiệu những nét chính của luật này:

Các đối tượng phải đóng thuế TNCN:

  • Cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ hoạt động SX-KD, cá nhân hành nghề độc lập, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn hiện đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của Luật thuế TNDN sang nộp thuế TNCN.
  • Cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) hiện đang nộp thuế CQSDĐ theo quy định của Luật thuế CQSDĐ sang nộp thuế TNCN.
  • Bổ sung cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhượng quyền thương mại, thu nhập thừa kế, quà tặng trước đây chưa có chính sách động viên hoặc được miễn nộp thuế theo Pháp lệnh thuế TNCN vào đối tượng nộp thuế TNCN.

Thu nhập chịu thuế:

So với Pháp lệnh thuế TNCN hiện hành, ngoài 3 loại thu nhập chịu thuế trước đây là: Thu nhập từ tiền lương, tiền công (thu nhập thường xuyên); thu nhập trúng thưởng (thu nhập không thường xuyên); thu nhập từ bản quyền (thu nhập không thường xuyên) thì Luật thuế lần này đã bổ sung thêm 7 loại thu nhập khác phải chịu thuế, bao gồm:

  • Thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân bao gồm cá nhân hành nghề độc lập và hộ kinh doanh cá thể.
  • Thu nhập từ đầu tư vốn.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
  • Thu nhập từ chuyển quyền thương mại.
  • Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc sử dụng.
  • Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc sử dụng.


Làm thủ tục kê khai thuế TNCN tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: D.Đ.Minh

Thu nhập không phải chịu thuế:

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất (hiện hành khoản thu nhập này phải chịu thuế CQSDĐ theo quy định của Luật thuế CQSDĐ).

3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.

6. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất (hiện hành khoản thu nhập này phải nộp thuế CQSDĐ với thuế suất 2%).

7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

8. Thu nhập từ kiều hối.

9. Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật (hiện hành lương làm thêm giờ, lương ca 3 vẫn phải chịu thuế TNCN).

10. Tiền lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả.

11. Thu nhập từ học bổng, bao gồm: Học bổng nhận được từ Ngân sách Nhà nước; học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

12. Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

13. Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.

14. Thu nhập từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nhằm giải đáp mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề Thuế TNCN, Báo Thanh Niên Online phối hợp cùng Cục thuế TP.HCM sẽ trả lời trực tuyến cho bạn đọc vào lúc 9h30 ngày 10.10 tới đây. Khách mời của buổi trực tuyến gồm: ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM; bà Trịnh Thu Thủy - Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân; ông Dương Xuân Minh - Phó phòng Thuế thu nhập cá nhân; bà Nguyễn Thị Minh Nhựt - Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục thuế TP.HCM.

(Còn tiếp)

Thành Trung (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.