Cách ta sống thời công nghệ cao

04/10/2006 12:00 GMT+7

Công nghệ cao giúp cuộc sống chúng ta càng tiện nghi, dễ dàng thì nó càng âm thầm đánh cắp của chúng ta rất nhiều thứ đáng quý.

Ngày nay chúng ta càng gắn liền với công nghệ cao bao nhiêu thì ta càng kém gắn bó tình cảm giao tiếp với nhau bấy nhiêu. Máy nhắn tin, điện thoại cầm tay, com puter, laptop, e-mail... – những thứ công nghệ tân tiến của thời đại giúp ta và người thân, bè bạn dễ dàng và mau lẹ “kết nối” với nhau chỉ bằng một vài ngón tay thao tác trên mấy nút nhấn be bé xinh xinh hay trên bàn phím gõ. Tuy nhiên, chính những thứ đó lại làm chúng ta thật sự đang cách xa nhau. Như ai đó cảm nhận một cách xót xa: “Tưởng gần gang tấc mà xa nghìn trùng!”

Thật vậy, trong lúc ta đang chia sẻ một bữa cơm với những người yêu thương trong gia đình hay bè bạn thân quen, thì những cú điện thoại di động bất cứ nơi đâu và bất kỳ lúc nào cũng đều quá dễ dàng chen vào, cắt ngang khoảnh khắc hiếm hoi ta đang có. Nghĩ lại xem, ta đang nửa chừng một câu chuyện ý nhị với người thân yêu, đột ngột có điện thoại, thế là gián đoạn và “mất hứng” khi nối lại câu chuyện dở dang.

Ở Trung Hoa hơn năm ngàn năm trước, cụ Lão Tử từng nói đến bậc thánh trí có khả năng ngồi trong xó nhà mà vẫn biết thừa mọi chuyện khắp trong thiên hạ (Bất xuất song dũ nhi tri thiên hạ). Từ cuối thế kỷ hai mươi đến nay, computer, Internet, công cụ tìm kiếm Google và Unicode phá vỡ rào cản ngôn ngữ – bốn “anh” này đã cùng hợp sức nhau mang đến cho ta quyền năng “tri thiên hạ” đúng như Lão Tử phát biểu. Không chối cãi rằng computer và Internet chính là những công cụ đắc lực có quyền năng nhiệm màu để trợ giúp con cái chúng ta thật dễ dàng và hiệu quả trong học tập và nâng cao tri thức. Trên nguyên tắc thì quả như vậy nhưng thực trạng thì sao?

Ta càng nâng cấp computer, thay đường dây kết nối qua modem và điện thoại bằng đường truyền ADSL thì đám con yêu dấu của ta càng dễ đắm chìm sâu hơn vào mấy trò chơi trực tuyến (game online) vừa ly kỳ vừa mang tính gây nghiện. Khi nào không chơi game thì trẻ tán gẫu (chat) hàng giờ trước màn hình và bàn phím, hoặc miệt mài với các trang blog, trang web cá nhân đầy cám dỗ. Chẳng những công nghệ cao (hi-tech) chiếm dụng phần lớn thời gian học hành của trẻ mà còn nuốt chửng con cái chúng ta, cuốn hút chúng thêm xa rời ta. Hậu quả, ta càng ít có dịp trò chuyện cho ra câu chuyện với những núm ruột của mình, mà chỉ còn là dăm ba câu hỏi đáp bời rời, vụn vặt. Ta đang gần nhau đấy mà cũng đang xa nhau đấy. Đúng thế không?

May là xã hội ta chưa thịnh hành thói quen mua bán trực tuyến, ta còn biết đi chợ. Nhưng dần dần ta cũng đang mất đi thói quen mua nắm rau, con cá và la cà một chút để trao đổi thân tình với chị bán hàng quen thuộc. Các hệ thống siêu thị càng đa dạng hóa mặt hàng, càng hữu hiệu hóa dịch vụ cung cấp thì ta càng sống với những giao tiếp một chiều vì mọi quan hệ qua lại giữa người với người ngày càng bị triệt tiêu.

Ta cũng không còn thói quen mỗi tháng cầm món tiền nhỏ từ tay cô thủ quỹ phát lương, cười vui vẻ với cô và nói hai tiếng “cám ơn” nhã nhặn. Bây giờ, tháng tháng trước mặt ta không phải là một gương mặt phụ nữ có cái miệng tô son và làn má phấn nữa, thay vào đó là một khối sắt xám xịt, thô kệch và một khe hẹp để ta nhét vào tấm thẻ plastic. Tệ hơn, những khi tới nơi giao dịch ngoài giờ hành chánh, ta đành phải “giao tiếp” gián tiếp với máy ATM vì chỉ có thể xỏ hai bàn tay xuyên qua lỗ tò vò của lớp cửa sắt đan bằng những cọng to tướng. Càng lúc cái “chất người” hữu tình trong cuộc sống đời thường càng bị thay thế bằng “chất phi-con-người” vô tình, lãnh đạm.

Ta không thể từ chối công nghệ cao. Ta rất cần nó. Ta đã quen thuộc với nó và nó mặc nhiên trở thành phần tử hữu cơ gắn bó đời sống cá nhân, gia đình, xã hội của ta. Vấn đề là ta biết làm chủ nó chứ không tự biến thành nô lệ của nó. Ta biết tập sống vừa cần nó mà cũng vừa sẵn sàng không cần nó. Sáng hôm nay khu vực ta ở bị cúp điện ư? Thôi đừng bực dọc, đừng càm ràm ông điện lực. Ta hãy vui lên vì có dịp dẹp hết bàn phím và computer, hãy nghĩ tới một ai đó mà bấy lâu ta không ghé để huyên thiên những chuyện trời trăng mây nước.

Và các bạn trẻ, hãy biết chủ động tạo ra hoàn cảnh “ngoài vùng phủ sóng” để níu giữ hạnh phúc, để giữ cho mình những giây phút riêng tư, phải thế không, thưa bạn?

Dũ Lan Lê Anh Dũng
(Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.