Bảo hiểm bỏ rơi "thượng đế" - Bài 1: Thật giả lẫn lộn

12/10/2009 00:03 GMT+7

Thị trường bảo hiểm được xem là tiềm năng, đang tăng trưởng khá và theo nhận xét của nhiều người thì phải dựa vào lòng tin của khách hàng để phát triển bền vững. Tuy nhiên lòng tin ấy hiện nay đang bị thử thách... Nghe đọc bài

Gặp chuyện mới thấy bực mình

Giữa tháng 6.2009, anh Đ.T.H (ngụ Q.9) điều khiển ô tô 4 chỗ biển số 52N - 19... từ trong quán Lẩu Bò ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức ra đường; do thiếu quan sát, đuôi xe đụng trụ điện làm cản phía sau bị gãy, thùng xe bị thụng. Lập tức, anh H. gọi điện thoại về Phòng kinh doanh 54 (Chi nhánh bảo hiểm Pjico Bến Thành, Công ty cổ phần bảo hiểm Pjico) tại 84 xa lộ Hà Nội, P.Tân Phú, Q.9 thông báo. Người trực ban hứa sẽ cho người xuống ngay nhưng 2 giờ sau vẫn chưa thấy đâu buộc lòng anh H. phải đánh xe về nhà.

Sau 20 ngày với nhiều lần liên lạc, cuối cùng một nhân viên tên Hiệp xuống chụp hình ô tô bị nạn, ghi nhận vụ việc và yêu cầu đưa xe đến một ga-ra nhỏ ở Q.Thủ Đức sửa thì mới chịu làm thủ tục bồi thường. "Để xe ở đây 5 ngày sửa chữa nhưng khi tôi đến, xe vẫn chưa xong và không nhận ra đó là xe của mình. Nơi này sửa chắp vá, sơn như sơn xe gắn máy. Buộc lòng tôi yêu cầu dừng sửa chữa, đánh xe đến ga-ra khác sửa chữa lại với chi phí tất cả là hơn 20 triệu đồng", anh H. kể. Và vẫn chưa hết bức xúc: "Cách phục vụ của nhân viên bảo hiểm như vậy là không thể chấp nhận được. Xe tôi đi làm ăn mà ngâm gần cả tháng. Giới thiệu ga-ra sửa chữa thì quá tệ. Xe bị hư hỏng nặng như vậy mà ga-ra làm 3 - 4 triệu đồng, dặm vá 2 - 3 màu. Số tiền này mua keo dán sắt cũng không đủ nói gì đến sửa chữa. Tôi thấy quá chán, muốn hủy hợp đồng, mua chỗ khác cho xong chuyện".

Theo chân anh H., chúng tôi liên lạc với nhân viên bảo hiểm tên Hiệp nói trên, tìm hiểu cách giải quyết "hậu bảo hiểm". Khi gặp, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng vì Hiệp đưa ra một thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường, có nội dung tai nạn giao thông xảy ra ở một địa điểm khác, không ghi ngày tháng, yêu cầu anh H. ký để về công ty thanh toán tiền trả cho ga-ra được chỉ định sửa chữa trước đó và hứa trong 10 ngày, sẽ làm một thủ tục tai nạn giao thông "ma" khác đưa để về công ty lấy 20 triệu đồng bồi thường cho anh H. sau (?!).

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về trường hợp này, ông Nguyễn Vĩnh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Pjico Bến Thành nói: "Hiện Phòng kinh doanh 54 tại 84 xa lộ Hà Nội, P.Tân Phú, Q.9 chỉ có trưởng phòng tên là Ngô Sơn Tân và một nhân viên tên Thơ, còn Nguyễn Thành Hiệp chỉ là cộng tác viên giới thiệu khách hàng tham gia bảo hiểm. Tôi đã yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ vụ xe 52N - 19... về chi nhánh để giải quyết rốt ráo cho khách hàng. Tôi sẽ kiểm tra nếu phát hiện lãnh đạo Phòng kinh doanh 54 sai sẽ xử lý nghiêm".

Ông Tân cũng phân trần: "Tôi không chỉ định Hiệp đi giải quyết vụ việc xe 52N - 19... và người này hoàn toàn không có thẩm quyền tham gia giải quyết bồi thường".

Thật, giả lẫn lộn thế này thì người mua bảo hiểm đành phải chào thua.

Xe anh H. sau khi mang đến ga-ra khác sửa vì không tin tưởng ga-ra do bảo hiểm giới thiệu -  ảnh: Đàm Huy

"Thiện chí với khách hàng" 

"Khi mua bảo hiểm thì họ nói có mặt trên mọi miền đất nước để hỗ trợ khách hàng nhưng khi xảy ra sự cố thì họ bỏ trớt".

Anh Nguyễn Văn Long (ngụ Tây Ninh)

Ngày 20.11.2008, anh Nguyễn Văn Long (ngụ Tây Ninh) mua bảo hiểm "Bắt buộc trách nhiệm dân sự" xe cơ giới của Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông - Chi nhánh Tây Ninh thời hạn 1 năm cho chiếc xe biển số: 70K - 1361, mức phí 687.000 đồng/năm. Chiều 6.6.2009 xe đang lưu thông trên quốc lộ 1A khu vực ngã ba Cái Bè - Cai Lậy thì va chạm với xe gắn máy 62H1-0807 làm người điều khiển xe gắn máy bị thương. Ngay sau đó, anh Long liên lạc với phía bảo hiểm thì không thấy cử ai xuống, buộc lòng anh phải tự lo liệu thương lượng bồi thường cho nạn nhân 5 triệu đồng, làm việc với công an.

5 ngày sau, anh Long về văn phòng Bảo hiểm Viễn Đông Tây Ninh để ghi thông báo tai nạn và lập hồ sơ. Nhưng chờ đợi mãi đến 7.8.2009, một nhân viên của bảo hiểm mới liên lạc, đưa anh số tiền 2.500.000 đồng và giải thích: "Do thông báo tai nạn trễ, bảo hiểm không có mặt tại hiện trường, chưa cung cấp đầy đủ giấy tờ, lỗi về phía xe 70K-1361 quá rõ ràng... nên chế tài bằng cách bồi thường là 50%".

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc Bảo hiểm Viễn Đông giải thích: "Khách hàng chưa cung cấp đủ chứng từ y tế liên quan đến việc điều trị của nạn nhân nên chưa có cơ sở xét duyệt bồi thường phù hợp, tuy nhiên để thể hiện thiện chí với khách hàng chúng tôi tiến hành bồi thường sớm số tiền trên".

Trong khi đó, anh Long bức xúc: "Khi mua bảo hiểm thì mấy ổng nói có mặt trên mọi miền đất nước để hỗ trợ khách hàng nhưng khi xảy ra sự cố thì họ bỏ trớt, không cử ai xuống buộc lòng tôi phải tự thương lượng với phía bên kia. Chứng từ bồi thường công an giữ mới cho tôi lấy xe ra. Kêu tôi bổ sung lấy gì bổ sung, đáng ra trách nhiệm này là của mấy ổng phải liên hệ với công an để xác minh tai nạn và thu thập chứng từ bồi thường. Tui quyết tâm làm rõ sự việc này đến cùng".

Một khách hàng lăn lộn trong lĩnh vực bảo hiểm nói rằng thị trường bảo hiểm hiện nay nhộn nhịp lắm, nhân thọ, phi nhân thọ, trong nước, ngoài nước đủ cả khách hàng tha hồ mà chọn. Tuy nhiên, "thường thì khi bán, họ săn đón mình rất dữ, giới thiệu dịch vụ ngon lắm nhưng đến lúc đụng chuyện thì chẳng thấy ma nào hỗ trợ, tư vấn, chủ xe cứ đi mà tự giải quyết. Khi nào xong thì bị bảo hiểm bắt bẻ thủ tục, giấy tờ và chờ đợi ít nhất vài tháng nếu không biết điều", anh này nói. 

 Xe tôi bị va chạm, hư hỏng đèn pha xe. Tôi không bắt quả tang được người gây ra hư hỏng. Tôi đã liên hệ với bộ phận bồi thường của Bảo Minh, đã phải mang xe đến tận nơi cho họ xem xét, chụp hình và cũng đã làm đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của họ (kể cả phải có giấy xác nhận của cơ quan nơi xảy ra sự cố). Khi nộp hồ sơ, tôi nghe trường hợp của tôi "sẽ bị chế tài vì không bảo quản xe tốt". Sau đó, tôi có điện thoại, hỏi thăm cách giải quyết của Bảo Minh, Phòng bồi thường bảo chờ khi nào các sếp quyết định sẽ báo cho tôi biết. Vậy mà gần 2 tháng qua, chẳng ai thèm báo cho tôi biết họ đã "xử" tôi như thế nào; họ không cần biết là xe vận hành trong điều kiện đèn pha bị hỏng có nguy hiểm cho tôi hay không (kỹ thuật viên ở ga-ra bảo rằng xe bị hỏng đèn pha như trường hợp xe tôi, khi đi lúc trời mưa có thể bị nước vào làm giảm độ sáng, nguy hiểm hơn nước vào có thể gây chập điện, cháy nổ...). Bộ phận đền bù quên "thượng đế" thì cứ quên, riêng bộ phận khai thác bảo hiểm lại luôn nhớ khách hàng mỗi khi hợp đồng sắp hết hạn. Họ gọi điện "ân cần" nhắc nhở và mời tôi ký tiếp; bên bảo hiểm sẽ mang hợp đồng, phiếu thu đến tận nơi để tránh... phiền hà cho khách hàng (!). Với cách làm việc như vậy, Bảo Minh thật quá xem thường khách hàng! Lỗi khách hàng tới đâu, bồi thường hay không bồi thường, xử lý ra sao... thì cũng phải thông báo cho tôi biết chứ, sao tôi lại phải chờ đợi và đi tìm họ để có câu trả lời? (Một khách hàng của Bảo hiểm Bảo Minh)

"Hiện lượng phương tiện đã gia tăng rất nhiều nhưng mạng lưới bảo hiểm không bao phủ đáp ứng nhu cầu cho phương tiện mua bảo hiểm khi gặp sự cố. Với mật độ phương tiện như hiện nay, cứ cách 40 km, phải có một phòng giao dịch bảo hiểm, có người trực chiến 24/24 để có mặt kịp thời khi phương tiện gặp tai nạn giao thông. Công ty bảo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong quá trình giải quyết tai nạn, thương lượng bồi thường từ đầu, không nên để đơn phương người mua bảo hiểm đi giải quyết. Lẽ ra, các quy định bảo hiểm trước khi ban hành phải đưa ra bàn thảo, đóng góp ý kiến của Hiệp hội Ô tô vận tải, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thì sẽ hợp tình hợp lý hơn".(Ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM) 

Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.