Mục tiêu của công tác chống cúm gia cầm: Giảm thiểu người chết ở mức 5 triệu

30/09/2005 23:30 GMT+7

Số lượng người chết nếu dịch bệnh cúm gia cầm bùng phát ở người có thể ở mức khoảng từ 5 triệu đến 150 triệu. Tôi tin rằng sự chuẩn bị của chúng ta trong những tháng tới sẽ mang lại sự khác biệt, chẳng hạn như nó sẽ quyết định liệu sự chết chóc sẽ đi về hướng 150 triệu hay hướng 5 triệu".

Đó là tuyên bố "xanh dờn" của ông D.Nabarro, người vừa được LHQ bổ nhiệm vào vị trí phụ trách điều phối các hoạt động của LHQ trong việc ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát ở châu Á. Trong cương vị mới của mình, ông Nabarro sẽ tìm mọi cách để thuyết phục tất cả các quốc gia, ngành dược phẩm trên toàn cầu, mọi tổ chức chính trị, y tế, kinh tế... có liên quan cùng góp sức tìm cách ngăn chặn một đại dịch khủng khiếp đang đe dọa trước mắt. Quyết định của LHQ cho thấy tổ chức lớn nhất hành tinh đánh giá cúm gia cầm đang nghiêm trọng đến độ nào. Theo nhận định của ông Nabarro, H5N1 - vi-rút gây bệnh cúm gia cầm - đang có khuynh hướng biến thể để lây trực tiếp từ người sang người và dịch bệnh có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Một khi vi-rút có thể lây từ người sang người, chỉ trong vòng vài tuần, đại dịch có thể sẽ bùng nổ nên phản ứng nhanh trên toàn cầu là yếu tố then chốt để cứu mạng con người.  Xin được nhắc lại là dịch cúm hồi năm 1918 đã làm hơn 40 triệu người chết.

Hôm qua, các Bộ trưởng Nông nghiệp ASEAN quyết định lập quỹ khu vực chống các bệnh lây lan ở thú vật, trong đó có cúm gia cầm. ASEAN cũng tuyên bố thành lập một đội đặc nhiệm chống cúm gia cầm trong vòng 3 năm tới, trong đó Thái Lan giữ vai trò then chốt trong giám sát và chẩn đoán bệnh, trong khi Malaysia phụ trách khống chế bệnh, thực thi các hành động khẩn cấp và lập các vùng an toàn. Riêng Indonesia phụ trách công tác chủng ngừa.

Mối đe dọa nghiêm trọng là thế nhưng thách thức trước mắt lại rất lớn. Ông Nabarro cho biết ông đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục chính phủ các nước chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ xảy ra đại dịch cũng như thuyết phục các lãnh đạo phải công khai thông tin về dịch bệnh. Tăng cường khả năng sản xuất vắc-xin với số lượng rất lớn ngay sau khi dịch bệnh bùng phát là một thách thức khác. Hôm qua, ông Nabarro đã đến Washington (Mỹ) để chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên của Tổ chức quốc tế về gia cầm và dịch bệnh sẽ được tổ chức vào ngày 7.10 tới. Canada cũng sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao giữa giới chức y tế vào cuối tháng. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi họp vào đầu tháng 11 để huy động nguồn ngân quỹ chống cúm gia cầm. Đến nay, ngành công nghiệp thực phẩm của châu Á đã thiệt hại từ 10 đến 15 tỉ USD, trong khi 66 người thiệt mạng kể từ khi bệnh bùng phát vào cuối năm 2003. Giới chuyên môn cho rằng cần phải có ít nhất 102 triệu USD để khống chế vi-rút gây bệnh trong vòng 3 năm tới.

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.