Giấc mộng 200 triệu USD của bà tiến sĩ

22/09/2005 23:12 GMT+7

Kỳ 1: Bà tiến sĩ với dự án lớn Đeo đuổi ý định vay nguồn vốn 200 triệu USD để xây dựng bệnh viện tư nhân cao cấp, bà tiến sĩ già đã trượt dài theo những đường dây chạy tiền nên giờ đây đang kẹt cứng trong vòng vây của các chủ nợ. Và khối tài sản duy nhất là ngôi nhà bà đang ở cũng đã bị cơ quan chức năng phong tỏa.

Bệnh viện trên giấy!

Sau khi về hưu, bà Trương Thị Xuyến, tiến sĩ - dược sĩ, 65 tuổi, nguyên Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR) được Nhà nước bán hóa giá căn biệt thự hơn 800m2 tại số 18 Nguyễn Văn Giai (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) và đã tiến hành các thủ tục pháp lý để thành lập một bệnh viện đa khoa tư nhân đặt tại đây, lấy tên là Bệnh viện Đa Kao (BVĐK). Dự án BVĐK sau đó được Vụ Điều trị (Bộ Y tế), Sở Y tế, các ban ngành liên quan chấp thuận và được cấp phép xây dựng, quy mô 1 trệt 8 lầu, tổng mức đầu tư là trên 355 tỉ đồng. Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Kim, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y học nhiệt đới (BVCR) được mời tham gia ban lãnh đạo, với chức danh giám đốc. Hai phó giám đốc còn lại là bà Xuyến và một người nữa cũng từng là cán bộ uy tín của BVCR đã nghỉ hưu.

BVĐK trên danh nghĩa là do tập thể các nhà y học có tâm huyết đứng ra thành lập nhưng thực tế chỉ có một mình cá nhân bà Xuyến... tự bơi và tự chịu trách nhiệm. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiếp xúc với giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Kim và điều không thể hình dung được là cả ông và chúng tôi đều rơi vào trạng thái hết sức... bất ngờ. Giáo sư Kim năm nay đã ở tuổi 72, ông bất ngờ khi nghe chúng tôi cho biết ông hiện đang là giám đốc BVĐK mà bà Xuyến đang ráo riết chạy tìm nguồn vốn để đầu tư! Trò chuyện với chúng tôi, giáo sư Kim nhớ lại cách đây vài năm "có cho cô Xuyến mượn học hàm, mượn tên cùng các giấy tờ liên quan" và dự tính lúc đó cũng sẽ cố gắng tham gia làm giám đốc chuyên môn cho BVĐK. Tuy nhiên, giáo sư Kim cho biết: "Chưa có một buổi họp nào bàn về bệnh viện này cả, mới chỉ là trên giấy phác thảo thôi, không có giá trị pháp lý gì đâu, tưởng đã tắt rồi, lâu lắm cũng không thấy cô Xuyến liên hệ gì".

Con đường chạy vốn

Thực lòng mà nói, chúng tôi (và nhiều người nữa) không thể không kính trọng vì bà Xuyến là nhà khoa học, "giấc mộng lớn" của bà cũng không gì khác hơn là mong muốn để lại cho đời một tiếng thơm cùng với "hiện vật" là một bệnh viện cao cấp. Chúng tôi cũng đã xem qua bản dự án BVĐK và thấy rằng Sở Y tế, UBND TP.HCM cũng như nhiều cơ quan ban ngành chức năng khác đã rất trân trọng những ý tưởng và tâm nguyện của bà, tạo những điều kiện tốt nhất để cho dự án ấy sớm trở thành hiện thực.

Bản sao tập dự án BVĐK được thế chấp cho một chủ nợ - (ảnh: V.K)

Nhưng cách làm của bà Xuyến thì có quá nhiều dấu hiệu bất thường. Trên giấy tờ thì trong số "tổng mức đầu tư" hơn 355 tỉ nói trên, vốn tự có của bà là ngôi nhà 18 Nguyễn Văn Giai (khoảng gần 50 tỉ đồng), hơn 306 tỉ đồng còn lại phải đi vay từ quỹ hỗ trợ đầu tư và ngân hàng. Nhưng bà lại hy vọng vào những khoản vay ngoại tệ nước ngoài và thậm chí đã nâng số tiền cần vay cho dự án lên đến... 200 triệu USD, trong khi quy mô BVĐK chỉ có 21 giường. Tháng 12.2003, bà (bên A) đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng T.C (viết tắt) do bà Y. làm giám đốc (bên B, trụ sở tại Hà Nội), theo đó: bên A "hiểu và đồng ý ký vay số tiền đầu tư cho dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tư nhân là 200 triệu USD", bên B "chịu mọi chi phí trong việc liên hệ nguồn vốn, chuyển vốn đầu tư, làm bảo lãnh ngân hàng... để tiếp nhận nguồn vốn". Khi biên bản thỏa thuận này... gãy đổ, bà tiếp tục thảo một hợp đồng "cam kết trích thưởng" cho Công ty Cổ phần H.P (viết tắt) do bà H làm giám đốc (trụ sở đóng tại Q.2, TP.HCM). Theo đó, phía bà H "phải tìm kiếm nguồn tài chính và chịu mọi chi phí tìm nguồn tài chính", phía bà Xuyến "phải trích thưởng" cho phía bà H số tiền "bằng 1/3 tổng số tiền 200 triệu USD tài trợ cho dự án" do phía bà H giới thiệu. Dự thảo này không trở thành hợp đồng thật và cũng mau chóng trôi qua, song đã để lại cho bà Xuyến những dấu ấn nhất định. Chính trong thời gian ấy, bà đã hào phóng viết một giấy biên nhận hứa "đền ơn đáp nghĩa" cho ông V.L.S, một cá nhân ngụ ở đường Đồng Khởi, Q.1, tổng cộng... 1 triệu USD, vì ông này đã có công... nhiều lần cho bà mượn tiền để chi tiêu !

Đầu tháng 8/2004, không biết từ đâu lan ra tin đồn Tổng công ty Bảo hiểm VN (Bảo Việt) có chủ trương đầu tư và cho vay các dự án phục vụ công trình bệnh viện, bà đã thảo ngay một "thư ngỏ" gửi lãnh đạo Bảo Việt Bến Tre xin vay 200 tỉ đồng. Trong thư ngỏ này bà chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quận 8 để "quản lý vốn, giải ngân theo tiến độ" và cũng được giám đốc ngân hàng này ký tên đóng dấu "đồng ý thực hiện theo đề nghị" (?).

Hy vọng 200 tỉ đồng lóe lên rồi cũng vụt tắt. Bước sang đầu năm 2005, bà tiếp tục "chạy theo bóng" khoản tiền 306 tỉ đồng của City Bank (TP.HCM). Ngày 8.6.2005, Giám đốc Công ty cổ phần T.V.Đ (viết tắt), ông P.C.Đ (bên A) đã ký hợp đồng "dịch vụ tư vấn" số 06/HĐTV với bà (bên B), theo đó: "bên B yêu cầu bên A đứng tên pháp nhân để vay vốn số tiền 306.258.750.000 đồng tại Ngân hàng City Bank" và "bên A nhận thực hiện các dịch vụ trên theo yêu cầu của bên B" với mức "thù lao tư vấn" bằng 3% trên tổng số tiền vay được. Nhưng cùng ngày, ông P.C.Đ và bà lại tiếp tục thảo thêm một hợp đồng "khoán việc" cho một bên "B phẩy" khác do bà M.T làm đại diện để chạy khoản tín dụng trên, với nội dung: "bên B đồng ý nhận tìm nguồn vốn vay từ các tập đoàn tài chính ngoài nước với lãi suất khác nhau tùy thuộc vào từng dự án và các tập đoàn tài chính cho vay như 0,6% - 0,65 - 0,7 - 0,75 - 0,8 - 0,85 - 0,9 - 0,95/năm. Thời gian vay 10 năm...". Và "dịch vụ phí" theo hợp đồng khoán việc này là... 5%.

"Cái bóng" hơn 306 tỉ rồi cũng mau chóng tan biến. Khi chúng tôi thu thập được những tài liệu này và tìm kiếm Công ty cổ phần T.V.Đ - với tư cách là doanh nghiệp đã được bà Xuyến "ủy quyền vay vốn" - thì tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của họ ở chung cư Phan Tây Hồ, P.7, Q.Phú Nhuận chỉ là... một cửa hàng dịch vụ Internet. Những người phụ trách cửa hàng này không biết gì về ông P.C.Đ cũng như công ty cổ phần do ông ấy làm giám đốc.

Sau đó, một số doanh nghiệp và cá nhân "tư vấn" khác cũng còn tiếp tục giúp cho bà duy trì hy vọng vay được những khoản tiền lớn, nhưng rồi kết cục cũng... trôi theo dòng nước... bọt. Song vấn đề còn lại bây giờ đối với cá nhân bà và không dưới 100 người nữa bị cuốn theo giấc mộng đó mới là điều đáng nói hơn.

(Còn tiếp)

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.