“Giải phẫu” việc khối ngoại bán ròng

18/10/2009 21:57 GMT+7

Dù các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã mua ròng trở lại trong vài phiên gần đây nhưng các nhà đầu tư (NĐT) trong nước vẫn không hết lo ngại. Vì sao họ bán ròng (kể cả ở các phiên thị trường tăng điểm) là câu hỏi mà các NĐT đang quan tâm.

Bội thu từ sự chuyên nghiệp

Điểm khác biệt của chuỗi bán ròng vừa qua của khối ngoại so với đợt bán ròng hồi tháng 6 là giá trị bán ròng tăng mạnh. Đặc biệt, ở phiên kỷ lục ngày 24.9, giá trị bán ròng lên tới trên 405 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với phiên bán ròng kỷ lục thời điểm tháng 6. Động thái bán ròng kéo dài của khối ngoại vào thời điểm thị trường có các phiên điều chỉnh đã khiến tâm lý không ít NĐT trong nước dao động. Tuy nhiên, nếu theo dõi cả quá trình "vào - ra" của khối ngoại trong những tháng qua sẽ thấy, họ có một chiến lược đầu tư khá chính xác và chuỗi bán ròng vừa qua đã hiện thực hóa lợi nhuận, mang lại cho họ một vụ mùa bội thu.

Theo dõi của Công ty chứng khoán (CTCK) Rồng Việt (VDSC) cho thấy, vào tháng 6.2009, khi TTCK tăng mạnh, khối ngoại đã có đợt bán ròng khá mạnh. Đến tháng 7, họ đổi chiến thuật chuyển từ bán ròng sang mua ròng với giá trị mua ròng lớn, lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Đợt mua ròng này kéo dài sang tháng 8 với giá trị mua ròng khoảng 763 tỉ đồng. Bước sang tháng 9, khi thị trường có sự tăng trưởng trở lại, họ lập tức bán ròng các CP đã mua ròng trước đó để cụ thể hóa lợi nhuận. Với chiến thuật mua vào, bán ra hợp lý, có thể nói, khối ngoại đã thu lợi nhuận rất lớn trong khoảng thời gian không dài này.

Theo dõi sát sao động thái của khối ngoại, VDSC cho rằng, khả năng NĐT nước ngoài bán ra để rời bỏ TTCK VN như nhiều NĐT lo ngại là khá thấp, nhất là khi kinh tế VN đang có chuyển biến tích cực cùng thế giới. Nếu thị trường giảm nhiều, khả năng các NĐT nước ngoài sẽ sớm trở lại vị thế mua ròng.

Như vậy có thể nói, câu trả lời cho động thái bán ròng của khối ngoại trên sàn khá sáng tỏ. Họ đã thể hiện không chỉ là NĐT lướt sóng chuyên nghiệp mà tính dự báo của họ về xu thế thị trường cũng khá chính xác. Đặc biệt, họ tỏ ra nhất quán trong chiến lược lướt sóng, khi bán thì kiên định bán bất chấp thị trường tăng hay giảm điểm. Đây cũng chính là điểm hạn chế của các NĐT trong nước khi ít người kiên định với chiến lược đã đề ra.                

Cổ đông lớn chốt lời  

Bên cạnh việc bán ròng của khối ngoại thì hàng loạt cổ đông lớn đăng ký bán ra một lượng CP khổng lồ cũng tác động lớn đến sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua. Một NĐT có tài khoản tại sàn chứng khoán Đại Việt cho biết, khi anh vừa mua vào một CP bất động sản niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE) thì sau đó nhận được thông tin cổ đông lớn của công ty này bán ra đến 300.000 CP. Ngay lập tức, giá CP này giảm sàn khiến anh lo ngại. Tuy nhiên, sức nóng của các CP bất động sản trong giai đoạn gần đây đã kéo CP này tăng trở lại, và để an toàn, khi giá CP này về mức hòa vốn, anh lập tức bán ra. Đây chỉ là một trong những trường hợp điển hình của NĐT bị dao động tâm lý khi sở hữu CP "bị" cổ đông lớn bán ra.

Câu trả lời hợp lý cho hành động “ra hàng” vừa qua của nhiều cổ đông lớn cũng được đặt ra trên thị trường. Thống kê giao dịch của các cổ đông lớn trên HOSE trong tháng qua cho thấy, các cổ đông lớn đã đăng ký bán ra 18,7 triệu CP và đã bán thành công gần 15,7 triệu CP trong số đó. Trong khi đó, tổng lượng đăng ký mua đạt hơn 13,1 triệu CP, trong đó mua thành công 10,4 triệu CP, tương đương 67% lượng đã bán ra. Điều này cho thấy động thái bán ra vừa qua là để chốt lời và tái cơ cấu danh mục của các NĐT lớn chứ không phải hành động rời bỏ thị trường. Điển hình như trường hợp của quỹ VOF của VinaCapital bán CP SVC của Công ty dịch vụ tổng hợp Sài Gòn. Sau khi chuyển từ sàn Hà Nội vào HOSE, CP SVC đã có một chặng đường dài tăng giá liên tục, đến thời điểm VOF bán ra, giá CP SVC đã cao gấp 3 lần so với thời điểm còn ở sàn Hà Nội, mang lại khoản lợi nhuận lớn cho VOF như thừa nhận của giám đốc điều hành quỹ này. Ngoài SVC, VOF cũng chốt lời ở nhiều CP khác như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, GMD, HAX...

Lướt sóng không phải là nghiệp vụ của riêng các NĐT cá nhân trong nước. Thị trường có “sóng”, NĐT nước ngoài, NĐT tổ chức đều ra tay. Đó chính là câu trả lời chính xác nhất cho hành động bán ròng của khối ngoại và các NĐT tổ chức trong thời gian qua. Họ đang có những phiên mua ròng trở lại và điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có các phiên bán ròng chờ đợi phía trước.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.