Dấu ấn kịch chiến tranh của Võ Ngọc Tiến

Hoàng Kim
Hoàng Kim
31/07/2023 15:00 GMT+7

Một vở kịch đề tài chiến tranh cách mạng không ngờ lại cuốn hút người xem suốt 2 tiếng đồng hồ không giải lao, và người ta đã rơi nước mắt…

Đêm 27.7, thật trùng hợp, đúng ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng là ngày sinh viên Võ Ngọc Tiến báo cáo vở kịch Đêm khuya về với mẹ để tốt nghiệp đạo diễn Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM. Một vở kịch đề tài chiến tranh cách mạng không ngờ lại cuốn hút người xem suốt 2 tiếng đồng hồ không giải lao, và người ta đã rơi nước mắt…

Dấu ấn kịch chiến tranh của Võ Ngọc Tiến - Ảnh 1.

Xem Đêm khuya về với mẹ, thấy rõ sự tập tuồng rất công phu, mọi hành động đều chuẩn xác, bởi chỉ cần sai một nhịp là gây thương tích cho nhau hoặc gãy đổ chi tiết

Hoàng Kim

Cố soạn giả Ngọc Linh đã có những kịch bản nổi tiếng như Bóng tối và ánh sáng (Đoàn cải lương Thanh Nga dựng), Ngôi nhà của chúng ta (Sân khấu 5B dựng), Ngôi nhà không có đàn ông (IDECAF), Ngôi nhà không có đàn bà (Sân khấu Hoàng Thái Thanh)…, và bây giờ người ta được xem Đêm khuya về với mẹ với bàn tay đạo diễn rất trẻ, rất mới của Võ Ngọc Tiến tại Sân khấu Thế Giới Trẻ.

Đây là một kịch bản khó, bởi nhân vật người mẹ chỉ được gặp con trong một đêm thôi, mà đó chỉ là những linh hồn, và kể lại cho mẹ nghe về câu chuyện của mình, cái chết anh hùng của mình; nếu không khéo dựng sẽ khô khan, trùng lắp. Nhưng đó cũng là thử thách dành cho đạo diễn, nếu biết sáng tạo thì rất nhiều chỗ sẽ thành đắc địa. Võ Ngọc Tiến đã làm được điều này trong sự bất ngờ.

Thiết kế sân khấu thật gọn nhẹ, chỉ với vài khung sắt, vài bục gỗ, nhưng Võ Ngọc Tiến đã cho diễn viên bám vào mà diễn, để mọi thứ biến hóa thú vị, khi là bàn ghế, khi là hầm bí mật, khi là những hàng rào, lô cốt trong chiến khu, khi là bờ suối hẹn hò, lúc biến thành phòng tra tấn, lúc lại hóa dòng sông đưa người đi biền biệt… Hai màu đen trắng giản dị nhưng vẫn quyến rũ nghệ thuật, bởi bật lên được những khốc liệt lẫn thanh bình, những nỗi đau lẫn tình thương yêu, tự hào, trung liệt…

Nghệ thuật biểu diễn vừa chân phương vừa hiện đại, không màu mè hoa lá nhưng vẫn cuốn hút khán giả, nhất là người trẻ. Đặc biệt, nhiều lớp diễn được ước lệ bằng nghệ thuật múa, hoặc các hành động ước lệ, khiến vở kịch rất "đẹp", nhất là hạn chế được những cảnh bạo lực khi xem trực quan. Xem Đêm khuya về với mẹ, thấy rõ sự tập tuồng rất công phu, mọi hành động đều chuẩn xác, bởi chỉ cần sai một nhịp là gây thương tích cho nhau hoặc gãy đổ chi tiết.

Dấu ấn kịch chiến tranh của Võ Ngọc Tiến - Ảnh 2.

Các bạn diễn, múa với tất cả sự thanh xuân, chuyên nghiệp, cảm giác đang kết chặt bên nhau thật vững vàng, ăn ý dưới một bàn tay đạo diễn cũng thanh xuân như thế

Hoàng Kim

Ở đây phải khen ngợi kỹ thuật biểu diễn của các bạn diễn viên trẻ, hầu hết là sinh viên của trường, đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp, đều bật sáng thú vị. Các bạn có ngoại hình đẹp và tiếng nói sân khấu tốt, làm rung động trái tim khán giả thật sự. Nhiều người xuýt xoa không ngờ sân khấu đang tiềm ẩn một đội ngũ đầy triển vọng như thế. Các bạn diễn, múa với tất cả sự thanh xuân, chuyên nghiệp, cảm giác đang kết chặt bên nhau thật vững vàng, ăn ý dưới một bàn tay đạo diễn cũng thanh xuân như thế. Người ta không chỉ xem kịch, người ta còn cảm nhận được những làn sóng từ đang lan tỏa rất tinh tế, điều mà không phải vở kịch nào cũng toát ra được.

Quả thật, Võ Ngọc Tiến đã có "ngôn ngữ đạo diễn" rõ ràng chứ không chung chung mờ nhạt. Chọn một kịch bản khó cũng chính là chọn cho mình những mảnh đất sáng tạo lý thú. Mong rằng vở này được Nhà nước đầu tư kinh phí để đi diễn phục vụ. Thật sự chúng ta vẫn cần những vở đề tài chiến tranh cách mạng, thì đây cũng là một lựa chọn tốt, không cần tìm đâu xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.