Đề quen thuộc, điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội ra sao?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/06/2023 06:05 GMT+7

Đề 3 môn thi trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay được đánh giá là quen thuộc, độ khó - dễ không chênh lệch so với năm ngoái, do vậy dự kiến phổ điểm không có biến động lớn, nhưng điểm chuẩn còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác.

Nhiều giáo viên (GV) cho rằng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kỳ thi năm nay, dù không biến động lớn nhưng năm nay có một số điểm khác biệt so với năm ngoái. Cụ thể, học sinh (HS) lớp 9 năm nay được học trực tiếp toàn bộ thời gian thay vì phải học trực tuyến như năm trước nên có thể chất lượng HS thi năm nay sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, năm nay chỉ tiêu vào trường THPT công lập thấp hơn so với nhiều năm gần đây, tỷ lệ "chọi" quá cao ở một số trường được xem là "top dưới" cũng có thể tác động đến điểm chuẩn.

Đề quen thuộc, điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội ra sao ?  - Ảnh 1.

Thí sinh trong vòng tay người thân sau khi hoàn thành bài thi môn toán vào sáng 11.6

NGUYỄN TRƯỜNG

ĐỀ VĂN "CHƯA TUYÊN CHIẾN VỚI VĂN MẪU"

Năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị và ra cả một văn bản nhằm "tuyên chiến" với văn mẫu. Điều mà dư luận quan tâm nhất là đề thi môn ngữ văn ở các kỳ thi quan trọng do chính bộ và các sở GD-ĐT ra đề sẽ ra sao. Tuy nhiên, đề văn trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa kết thúc vẫn quen thuộc một cách đáng lo ngại. Hầu hết GV đều có chung nhận xét: cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay vẫn như mọi năm với thời gian làm bài 120 phút, thí sinh (TS) được yêu cầu trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn. Kiến thức văn học và tiếng Việt bám sát chương trình ngữ văn lớp 9.

Bà Phạm Thái Lê, GV ở Hà Nội, người năm nào cũng "miệt mài" lên tiếng đầy lo lắng về cách ra đề thi môn ngữ văn quá khuôn mẫu trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, năm nay chia sẻ đã chờ đợi sự "hưởng ứng" của ngành GD-ĐT Hà Nội về việc thay đổi cách ra đề khích lệ sự đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, đề thi năm nay dù có mở hơn chút ở phần nghị luận xã hội nhưng nhìn chung vẫn có cấu trúc quen thuộc và chấm thi vẫn phải đếm ý cho điểm. "Với HS đã ôn tập theo cách bám sát các tác phẩm trong sách giáo khoa, cách ra đề của nhiều năm trước của Hà Nội thì đề thi năm nay tiếp tục là một cách làm an toàn, không có tranh luận, nhưng nếu cứ như vậy thì không biết bao giờ mới "tuyên chiến" được với văn mẫu".

Đề quen thuộc, điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội ra sao?
 - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông, Hà Nội)

NGUYỄN TRƯỜNG

Bà Hà Thị Thu Thủy, GV Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cũng nhận xét: tác phẩm văn học đề cập trong đề thi quen thuộc, các câu hỏi cũng cơ bản không có nhiều cơ hội cho HS có năng lực văn học phát huy sáng tạo. Đề văn quá an toàn, cơ bản như thế này hơi thiệt thòi cho HS có năng lực tốt; không khích lệ GV đổi mới, HS sáng tạo.

Bà Hoàng Tuệ Minh, Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), cũng chia sẻ với báo chí rằng đề thi năm nay chưa thấy rõ nét năng lực chuyên biệt của bộ môn nên khó có thể đánh giá năng lực cá nhân HS. Đề thi năm nay cấu trúc rất điển hình, không có nhiều thay đổi và là dạng đề phổ biến. Đặc biệt, câu nghị luận văn học rơi vào truyện, các sĩ tử sẽ rất tự tin vì 6 năm gần đây chưa thi vào đặc trưng thể loại truyện. Đề thi có thể được coi trúng trọng tâm của các nhà trường. Cũng theo GV này, câu hỏi đọc hiểu không làm khó HS nhưng câu hỏi liên quan đến cảm thụ không nhiều, ngữ liệu đưa ra quen thuộc nên học trò dễ làm được.

Nhìn chung, các GV đều cho rằng với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, TS có thể dễ dàng hoàn thành bài thi môn ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Dự kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 7 - 8 điểm.

MÔN NÀO SẼ CÓ NHIỀU ĐIỂM 10 ?

Với môn toán và môn tiếng Anh, các GV cũng cho rằng về cơ bản không có sự thay đổi so với các năm trước đây. Đây là một yếu tố thuận lợi cho việc ôn tập của các TS tham gia thi tuyển sinh. Theo tổ GV môn toán của Hệ thống giáo dục Hocmai, dự kiến mức điểm trung bình của TS ở môn toán có thể rơi vào khoảng từ 6 - 7 điểm.

Triển khai chấm thi từ 12.6, công bố kết quả ngày 4.7

Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay ngay sau khi TS hoàn thành bài thi môn toán, môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, sở đã chỉ đạo 201 điểm thi khẩn trương hoàn thành công tác thu bài và các hồ sơ liên quan, tổ chức bàn giao cho ban phách, ban chấm thi theo tiến độ quy định.

Từ chiều 11.6, ban chấm thi trắc nghiệm tiến hành chuẩn bị máy tính, cài đặt phần mềm cũng như rà soát toàn bộ các điều kiện tổ chức chấm thi bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật theo đúng quy chế.

Từ ngày 12.6, việc tổ chức chấm thi bắt đầu được triển khai. Theo kế hoạch, thời gian chấm thi kéo dài đến ngày 25.6, Sở GD-ĐT Hà Nội điều động khoảng 2.100 GV các trường THCS, THPT làm nhiệm vụ chấm thi năm nay.

Dự kiến chậm nhất ngày 4.7 Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của sở (https://www.hanoi.edu.vn).

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được giao, phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn do Sở GD-ĐT Hà Nội cung cấp, các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố sẽ đề xuất điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 năm học 2023 - 2024. Sở sẽ phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 cho từng trường và công bố công khai. Thời gian công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 chuyên và lớp 10 công lập không chuyên dự kiến từ ngày 8 - 9.7. Để xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên, TS phải làm đủ 3 bài thi toán, văn, ngoại ngữ, không vi phạm quy chế và không bài nào bị điểm 0. Điểm xét tuyển là tổng điểm văn và toán nhân hệ số hai, cùng điểm ngoại ngữ (hệ số 1) và điểm ưu tiên (nếu có).

Bà Phạm Hà Loan, GV môn toán Trường THCS Đống Đa, đánh giá đề thi năm nay có cấu trúc không thay đổi so với các năm gần đây. Nội dung đề nằm chủ yếu trong chương trình môn toán lớp 9, không gây bất ngờ cho HS và có tính phân hóa cao hơn so với năm học trước. Ngoài ra, theo bà Loan, so với đề của năm học trước, đề năm nay có phần "nhỉnh" về độ khó hơn ở câu III.2, IV.3 và V, vốn là các câu hỏi phân loại ở mức điểm từ 8 trở lên. Cụ thể, HS trung bình có thể đạt điểm từ 5 - 6,5 nếu hoàn thành trọn vẹn các bài I, II, III.1 và IV.1. HS khá có thể đạt điểm 7 - 8 nếu làm tốt thêm các câu III.2 và IV.2. HS giỏi có thể đạt điểm 8,5 trở lên. Riêng điểm trên 9 yêu cầu HS không chỉ chăm học mà còn phải có tư duy nâng cao tốt.

Đề quen thuộc, điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội ra sao?
 - Ảnh 4.

Niềm vui hiện trên khuôn mặt phụ huynh khi hay tin con trai vừa hoàn thành tốt bài thi môn toán vào sáng 11.6 tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Q.Hà Đông, Hà Nội)

NGUYỄN TRƯỜNG

Đánh giá chung, các GV cho rằng HS khá giỏi, làm bài cẩn thận dễ đạt từ 9 điểm trở lên. Số lượng điểm 9 năm nay cũng sẽ nhiều hơn các năm trước. Còn đỉnh của phổ điểm sẽ tập trung ở mức trên dưới 7,5.

Về môn tiếng Anh, GV các trường THCS như Marie Curie, Thành Công (Q.Ba Đình), Thái Thịnh (Q.Đống Đa), Hệ thống giáo dục Hocmai… đều cho rằng: với cách ra đề như vậy, mức điểm phổ biến có thể rơi vào khoảng 6,5 - 7 điểm. Mức điểm 9 có thể nhiều nhưng để đạt được điểm 10 thì cần phải có kiến thức mở rộng tốt. Môn ngoại ngữ dự kiến sẽ tiếp tục là môn thi có nhiều điểm 10 nhất so với 2 môn còn lại. Điều này cũng không khác biệt so với các năm trước. Năm ngoái, trong số 107.000 TS dự thi lớp 10 của Hà Nội, hơn 1.380 TS đạt từ 9 điểm văn trở lên (chiếm 1,29%), 256 em đạt điểm 10 môn toán (chiếm 0,23%) và 3.364 em (3%) đạt điểm 10 môn ngoại ngữ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.