Dell G5 5590 - Laptop chiến game tầm trung

Tôn Bảo
Tôn Bảo
20/11/2019 07:00 GMT+7

G5 5590 là một trong những sản phẩm mới nhất của Dell trong năm 2019, với thiết kế hoàn toàn mới, sản phẩm vừa có cấu hình phần cứng ổn, vừa có nhiều tính năng hấp dẫn thừa hưởng từ Alienware.

Trong khi các sản phẩm của Alienware hướng đến nhóm người dùng cao cấp, Dell G5 5590 và dòng G nói chung được sinh ra cho các game thủ tầm trung. Với cấu hình hợp lý, máy có thể chiến được phần lớn các tựa game hot nhất hiện nay. Đồng thời, Dell cũng đưa ra mức giá thành phù hợp, 24,9 triệu đồng.

Ưu điểm: Bộ tính năng cân bằng; hiệu năng game tốt; thời lượng pin lâu.
Nhược điểm: Hơi nặng so với các sản phẩm cùng phân khúc; thiết kế bản lề không dành cho tất cả mọi người.

Cấu hình cụ thể của máy như sau: Vi xử lý Intel Core i5-9300H, đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 1650, 8GB RAM, 128GB SSD, màn hình 15,6 inch với độ phân giải Full HD, tấm nền IPS và có mức giá 24,9 triệu đồng.

Về tổng thể, sản phẩm có kiểu dáng hiện đại, mang hơi hướng của tương lai. Nếu là người hâm mộ các sản phẩm Alienware, không khó để nhận ra G5 5590 thừa hưởng nhiều đường nét của thương hiệu này. Thiết kế bản lề của máy cũng khá lạ, tập trung vào giữa thay vì trải dài như các dòng máy game khác hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, thiết kế bản lề như thế này có thể sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người trong quá trình mở nắp máy. Trong thực tế thử nghiệm, khi mở nắp máy bằng một tay thì vẫn gặp một số vấn đề nhất định. Dell sử dụng chất liệu kim loại và nhựa cho G5 5590, rất phổ biến cho các sản phẩm thuộc nhóm này. Máy có trọng lượng 2,7kg và dày 24mm (chỗ dày nhất).

G5 5590 được trang bị nhiều cổng kết nối đa dạng, bao gồm 4 cổng USB, 3 Type A 3.0 và 1 Type C 3.1 Gen2 (hỗ trợ DisplayPort), cổng LAN, cổng tai nghe và xuất hình HDMI, khe thẻ nhớ SD có tốc độ đọc và ghi khoảng 25MB/giây.

Tốc độ kết nối Wi-Fi của laptop rất ổn cho các nhu cầu chơi game cơ động, với khả năng đạt được 676 Mb/giây tải lên và khoảng 691 Mb/giây tốc độ tải về. Độ trễ của Wi-Fi khi kết nối với router cũng chỉ rơi vào khoảng 1ms. Đó là các mức đáng kể dành cho những game thủ có nhu cầu sử dụng laptop ở các địa điểm công cộng.

Để quản lý các tính năng của Dell G5 5590, người dùng sử dụng Command Center, với một số điều chỉnh nhỏ từ phầm mềm dành cho Alienware. Các game thủ có thể chuyển đổi qua lại giữa các hồ sơ người dùng khác nhau cho các nhu cầu sức mạnh và chiến game khác nhau, đồng thời quản lý các linh kiện được kết nối với máy.

Không có nhiều điểm đáng nói về bàn phím của G5 5590, vì Dell sử dụng dạng chiclet quen thuộc như các sản phẩm khác. Tuy nhiên, trải nghiệm soạn thảo trên bàn phím khá tốt, có hành trình phím vừa phải. Mức độ phản hồi của bàn phím cũng chấp nhận được. Bàn di chuột về cơ bản là khá lớn, tiện lợi cho việc thao tác. Độ chính xác của bàn di chuột khá cao, sẽ là lựa chọn tốt cho những người dùng cần sử dụng máy cho các nhu cầu đồ họa mà không thể sử dụng chuột.

Màn hình với tấm nền IPS có độ sáng rơi vào khoảng 220-250 cd/m2 (tùy khu vực), kết hợp với dạng màn hình không bóng, sẽ giúp game thủ có thể sử dụng máy ở nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, kể cả ở ngoài trời. Mặc dù chỉ sử dụng màn hình có tốc độ quét 60Hz, nhưng trong quá trình thử nghiệm, máy không gặp phải tình trạng flickering nào.

Ở phần hiệu năng, máy có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, từ chiến game (dĩ nhiên) cho đến đồ họa (ở mức độ tương đối, và phải cân chỉnh lại màn hình). Vi xử lý Intel Core i5-9300H khi cần có thể tăng tốc nhờ vào Turbo Boost để đảm bảo sức mạnh trước các tựa game nặng, và đồng thời VGA GTX 1650 hoàn toàn có thể “nuốt” được hầu hết các tựa game hiện nay, ở thiết lập đồ họa từ trung bình và cao nhất. Cần lưu ý rằng, các máy sử dụng VGA 1050Ti hiện nay vẫn còn chiến được tương đối nhiều tựa game hot, và GTX 1650 mạnh hơn nhiều, xấp xỉ GTX 1060.

Thời lượng dùng pin là một trong những ưu điểm lớn nhất của Dell G5 5590. Trong bài thử nghiệm dùng máy để xem phim liên tục, G5 5590 hoạt động gần 500 phút mới cạn kiệt pin. Điều này có được là nhờ vào viên pin dung lượng 90Wh mà Dell tích hợp cho máy.

Thử nghiệm thực tế với các phần mềm benchmark và game, chúng ta có các kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, số liệu đạt được như bên dưới:

Geekbench (đa nhân): 15.515 điểm.
Cinebench R15 (đa nhân): 855 điểm.
3DMark Fire Strike Ultra: 1.835 điểm.

Far Cry 5: 48 khung hình/giây.
Deus Ex: Mankind Divided: 50 khung hình/giây.

Nhìn chung, Dell G5 5590 đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu từ cơ bản, cho đến chiến game hạng nặng. Một trong những điểm nhấn lớn nhất của máy chính là thời lượng dùng pin lâu, gần như cao nhất trong số các mẫu laptop game hiện nay. Với thiết kế hiện đại, mang hơi hướng của tương lai, máy rất phù hợp với những đối tượng người dùng trẻ tuổi, sành điệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.