Điểm nóng giáo dục 2023: Bức xúc 'chèn môn tự nguyện vào chính khóa'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/12/2023 06:06 GMT+7

Năm 2023 có thể gọi là một năm 'nóng' của ngành giáo dục Việt Nam với hàng loạt sự kiện, vấn đề giáo dục gây nhiều tranh cãi, thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc trên các kênh thông tin, báo chí. Thanh Niên Online xin điểm lại những 'điểm nóng' trong năm.

Điểm nóng giáo dục 2023: Bức xúc 'chèn môn tự nguyện vào chính khóa'- Ảnh 1.

Thời khóa biểu của một lớp 1 có nhiều môn tự nguyện xen kẽ giữa các môn bắt buộc. Đến nay, thời khóa biểu này đã được điều chỉnh, thay đổi sau khi lấy ý kiến của phụ huynh học sinh

N.V.Đ

Đầu tiên có thể kể tới vấn đề diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến nhiều phụ huynh gửi phản ánh tới báo chí trong năm qua: chèn môn tự nguyện vào chính khóa.

Nỗi niềm không của riêng ai

Theo phản ánh của phụ huynh, nhiều trường học tại nhiều địa phương trong cả nước đã không tiến hành rộng rãi, công khai, minh bạch việc khảo sát lấy ý kiến của cha mẹ học sinh về nhu cầu cho con đăng ký tham gia nhiều môn tự nguyện - không bắt buộc trong chương trình.

Các môn học như kỹ năng sống, STEM, tiếng Anh với người bản ngữ, học tiếng Anh thông qua toán - khoa học, tiếng Anh Ismart… - là các môn phải đóng thêm tiền, ít là vài chục ngàn đồng mỗi môn/tháng, có môn lên tới vài trăm ngàn đồng/tháng…

Khi chưa lấy hết ý kiến đồng thuận của 100% phụ huynh trong lớp, các trường ở nhiều địa phương vẫn xếp thời khóa biểu các môn tự nguyện này vào chính khóa. Một số phụ huynh đặt vấn đề nếu không đăng ký cho con học các môn tự nguyện này, và cũng không thể thu xếp đón bé giữa giờ được, thì học sinh đi đâu…

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định với PV Báo Thanh Niên, cách làm trên là hoàn toàn trái quy định.

Hàng loạt địa phương rà soát, điều chỉnh

Sau khi được phụ huynh phản ánh, Báo Thanh Niên và đồng loạt cơ quan báo chí khác lên tiếng, phản ánh, các địa phương trong cả nước cấp tốc rà soát, chấn chỉnh việc "chèn" môn tự nguyện vào chính khóa.

Cuối tháng 9.2023, Sở GD-ĐT Hải Phòng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Điểm nóng giáo dục 2023: Bức xúc 'chèn môn tự nguyện vào chính khóa'- Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh phản ánh tới báo chí về câu chuyện "chèn môn tự nguyện vào chính khóa" hồi tháng 9.2023

THÚY HẰNG

Sở GD-ĐT Nam Định cũng có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD-ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.

Sở GD-ĐT Nghệ An chỉ đạo các phòng GD-ĐT và nhà trường trên địa bàn tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy kỹ năng sống; đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.

Sở GD-ĐT An Giang cũng sớm có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi, giữ và chăm sóc học sinh. Nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.

Đáng chú ý, ngày 29.9.2023, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo lên Bộ GD-ĐT về các chương trình liên kết trong nhà trường.

Kế đó, đầu tháng 10.2023, Phòng GD-ĐT Sóc Sơn, Hà Nội ra công văn đề nghị các trường tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết trong nhà trường trên địa bàn, bao gồm (dạy kỹ năng số, bổ trợ tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật…) đến khi có đầy đủ các loại hồ sơ (tờ trình, đề án dạy học, chương trình dạy học, danh sách giáo viên giảng dạy, đề án sử dụng tài sản công để liên kết) và được phòng GD-ĐT phê duyệt.

Sau đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hồi tháng 10.2023, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của sở này cũng phát biểu yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Các tiết học chính khóa nhà trường không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Điểm nóng giáo dục 2023: Bức xúc 'chèn môn tự nguyện vào chính khóa'- Ảnh 3.

Thời khóa biểu của nhiều trường tiểu học đã được thay đổi sau khi có yêu cầu chấn chỉnh từ Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT. Các môn tự chọn của mỗi học sinh sẽ khác nhau, được xếp vào tiết sau cùng

PHƯƠNG HÀ

Cũng đầu tháng 10.2023, tại hội nghị giao ban tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến khảo sát, nếu lớp nào không có 100% phụ huynh đồng ý thì không được dạy môn tự nguyện trong thời khóa biểu chính khóa. Nhiều trường tiểu học đã lấy lại ý kiến khảo sát phụ huynh, điều chỉnh lại thời khóa biểu theo các môn tự nguyện mà học sinh đăng ký.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo

Mới đây nhất, đầu tháng 12.2023, Bộ GD-ĐT mới có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT trong cả nước phải quản lý chặt chẽ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa; nếu triển khai cần bảo đảm nguyên tắc tự nguyện; không được bố trí thời gian học xen giữa các tiết học chính khóa. Văn bản do ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ký.

Bộ GD-ĐT nhận định: "Trong thời gian qua, việc tổ chức triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa được thực hiện ở các sở GD-ĐT đã đạt được kết quả tích cực, huy động được các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập".

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa về địa điểm tổ chức, chất lượng giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên. Đồng thời, bảo đảm tổ chức giảng dạy đúng giáo trình, tài liệu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương khi thanh tra, kiểm tra cần lưu ý về sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người học ở địa phương trong nội dung giáo dục; không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; người học tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc; bố trí thời gian học không xen giữa các tiết học trong chương trình chính khóa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.