Diễn viên chuyên trị vai phản diện Mai Sơn Lâm: Hào quang đến muộn sau 8 năm

03/01/2024 19:16 GMT+7

Xuất hiện tại chương trình 'Người kể chuyện đời', Mai Sơn Lâm hiếm hoi trải lòng về chặng đường theo đuổi nghệ thuật đầy gian truân của mình trước khi được biết đến là diễn viên chuyên trị vai phản diện.

Diễn viên chuyên trị vai phản diện Mai Sơn Lâm: Hào quang đến muộn sau 8 năm- Ảnh 1.

Mai Sơn Lâm được nhớ là diễn viên nam chuyên trị vai phản diện, đa tính cách

Chụp màn hình

Mai Sơn Lâm là gương mặt quen thuộc, từng góp mặt trong các phim Ván cờ tình yêu, Lời thề danh dự, Vùng đất không yên tĩnh, Vó ngựa trời nam… Anh ghi dấu ấn với khán giả bởi sự chân chất, kính nghiệp và khắc họa từng nhân vật một cách sinh động. Xuất thân chính quy, gây tiếng vang với các vai diễn phản diện ấn tượng nhưng ít ai biết trong suốt 8 năm sau khi ra trường, Mai Sơn Lâm phải làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống. Anh từng làm phục vụ bàn, đến kinh doanh điện thoại, tuy nhiên không vì thế mà đam mê của anh lụi tàn.

Nam diễn viên kể ngày trước anh thi vào Trường đại học Ngoại thương và Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), đỗ cả hai trường. Vì gia đình khó khăn cũng như nhìn thấy hào quang từ các đàn anh, đàn chị đi trước, Mai Sơn Lâm quyết định theo học điện ảnh với mong muốn kiếm tiền nhanh để có thể giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên nghề này không được "trải hoa hồng" như anh mong muốn. Tốt nghiệp năm 1995, đúng thời điểm dòng phim thị trường bị hạn chế, nam diễn viên gần như không có đất dụng võ. Anh phải làm nhiều công việc khác để mưu sinh như phục vụ bàn, bartender, tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường, làm âm thanh ánh sáng cho các sân khấu...

Diễn viên chuyên trị vai phản diện Mai Sơn Lâm: Hào quang đến muộn sau 8 năm- Ảnh 2.

Mai Sơn Lâm từng trải qua nhiều công việc để mưu sinh, đóng vai quần chúng với giá 25.000 đồng

Chụp màn hình

Mai Sơn Lâm tâm sự ngày họp lớp, bạn bè đều là bác sĩ, kiến trúc sư, doanh nhân... Khi nhắc đến mình, mọi người trêu anh là "diễn viên phim hoạt hình" khiến nam diễn viên không khỏi chạnh lòng. "Đau lắm chứ, mình học diễn viên mà bị nói làm phim hoạt hình, tức là không có cái hình nào, không hiện diện trên một bộ phim nào cả. Mình không nói ra nhưng cũng thật sự rơi vào bế tắc. Vì lúc đó mình không biết tiếp cận với ai, với mối quan hệ nào để có cơ hội làm nghề. Cuộc sống cứ thế trôi qua và mình trượt dài trong chuyện mưu sinh", diễn viên 7X tâm sự.

May mắn khi chuyển sang nghề kinh doanh điện thoại, Mai Sơn Lâm gặp nghệ sĩ Văn Thênh và được ông giới thiệu với cố đạo diễn Nguyễn Hậu, lúc đang thực hiện bộ phim Người Bình Xuyên (2003). Sau đó, anh được cho vào vai nhỏ Tư Hiểu và nhờ đó, nam diễn viên dần được biết đến, có nhiều cơ hội làm nghề. Tuy nhiên, lúc này công việc kinh doanh của Mai Sơn Lâm cũng đang phát triển khiến anh đứng trước lựa chọn có nên đi theo nghệ thuật.

Diễn viên chuyên trị vai phản diện Mai Sơn Lâm: Hào quang đến muộn sau 8 năm- Ảnh 3.

Nam diễn viên từng đắn đo khi đứng trước lựa chọn tiếp tục làm kinh doanh hay đi theo nghệ thuật

Chụp màn hình

"Mình không thể đứng hai chân vừa kinh doanh vừa làm nghệ thuật được. Vì làm phim ngốn rất nhiều thời gian, kể cả cảm xúc cũng khác với làm kinh doanh buôn bán. Nhưng tôi thấy mình đã có cơ hội làm công việc từng học, từng yêu nó, bây giờ tình yêu bùng lại. Trong khi đó, công việc kia mang lại cho mình mức thu nhập rất an toàn, mình nên hay không nên bước ra khỏi vùng an toàn. Đó là khoảng thời gian khá dài để tôi suy nghĩ và lựa chọn. Cuối cùng tôi quyết định bỏ hoàn toàn công việc kinh doanh để đi theo nghề", diễn viên Chị em khác mẹ bày tỏ.

Lựa chọn con tim để theo đuổi nghệ thuật, Mai Sơn Lâm cho biết cuộc sống của anh từng trải qua muôn vàn khó khăn. Có lúc, nam diễn viên phải đi cầm xe máy để có khoảng đầu tư cho phục trang vì muốn xuất hiện trên phim một cách chỉn chu. Hay những lúc không được mời phim, chưa có lương, anh phải dùng những đồng tiền tiết kiệm còn sót lại để mua mì gói sống qua ngày. Mai Sơn Lâm bộc bạch: "Có lúc tôi nghĩ hy vọng của mình cũng sắp tắt. Nhưng khi tôi gặp những người anh còn khổ hơn mình như anh Lê Bình, Nguyễn Hậu, Thanh Hoàng... vậy mà nghị lực của họ rất phi thường. Tôi thấy ít ra mình còn may mắn hơn những người đó, thế mà họ vẫn miệt mài và không từ bỏ. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng và đương đầu với những khó khăn để theo nghề cho tới bây giờ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.