Doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam đang ứng dụng công nghệ mới ra sao?

08/04/2023 08:30 GMT+7

Số liệu do World Bank công bố cho thấy Việt Nam đã có hơn 45 triệu người đã thoát nghèo từ năm 2002 - 2018 khi đất nước phát triển các ngành công nghiệp bao gồm dệt may, nông nghiệp, đồ nội thất, nhựa, giấy, du lịch và viễn thông. Đến nay, khi Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng trên toàn thế giới thì Việt Nam đang trải qua một sự chuyển đổi khác - nhờ vào công nghệ.

Sự hình thành và phát triển của các công nghệ mới đã làm thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh, định hình lại hệ thống sản xuất, tiêu dùng, vận chuyển, giao nhận cũng như hình thành các mô hình kinh doanh mới. Cách mạng này mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) nói riêng cả cơ hội và thách thức. Vì vậy, để cùng nhau tạo ra hiệu ứng "Đại dương xanh", các DNNVV Việt Nam cần định hình vị thế, tạo ra chiến lược phù hợp nhất và đẩy mạnh các quy trình, vận hành số vào hoạt động.

Vừa qua, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VIETNAM EXPO) lần thứ 32, Hội thảo "Công nghệ Blockchain: Khởi tạo tiến trình thương mại quốc tế" do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức nhằm phân tích vai trò của blockchain trong thương mại quốc tế và ghi nhận những chia sẻ về thực tế ứng dụng blockchain tại Việt Nam trong ngành thương mại từ đại diện các doanh nghiệp tham gia.

Ngành ngân hàng tích hợp blockchain vào các quy trình thương mại toàn cầu

Ở Việt Nam, ngành ngân hàng đang đi đầu trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng blockchain. Điều này được thể hiện qua cuộc thảo luận trong phiên đối thoại "Kỷ nguyên 4.0 đối với ngành xuất nhập khẩu" giữa ông Quang Thông - Giám đốc Ngân hàng điện tử Nam Á Bank và ông Thuật Đỗ - Trưởng Ban Phát triển FPT Blockchain Lab. Ông Thông cho biết Nam Á Bank đã ứng dụng nhiều công nghệ như AI, Cloud, Big data… vào các sản phẩm, chính sách, quy trình của ngân hàng.

Ông chia sẻ: "Thế giới đã có ứng dụng blockchain vào hoạt động chuyển tiền, hồ sơ, tài trợ thương mại, thư tín L/C trên nền tảng blockchain giúp lưu trữ hồ sơ chứng từ nhanh chóng, minh bạch hơn. Ngân hàng cũng đang nghiên cứu tìm hiểu ứng dụng blockchain vào hoạt động loyalty, chăm sóc khách hàng".

Hiện nay, việc giao tiếp giữa các ngân hàng chủ yếu qua giao thức SWIFT, dù mạng lưới này có nhiều vấn đề cần cải thiện. Ông Thuật Đỗ cho rằng luôn có những giải pháp công nghệ mới thay thế những giải pháp truyền thống, ngay cả với các mạng lưới như SWIFT. Chẳng hạn, Nga và Trung Quốc thiết lập hệ thống thanh toán riêng không phụ thuộc vào SWIFT. Ông Thuật nhận định: "Giao thức liên lạc của blockchain sẽ giống như SWIFT. Blockchain có thể trở thành cách thức các ngân hàng thương mại giao tiếp với nhau, nhưng khác SWIFT vì có cơ sở lưu dữ liệu phân tán".

photo-1680872506434

Ông Thuật Đỗ (trái) và ông Quang Thông (phải) trong buổi đối thoại

Blockchain giải quyết bài toán tài chính cho doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận "Cách blockchain tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế: Phân tích thực nghiệm", ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital trích nhận định của World Bank cho biết 10 năm tới được xem là "thập kỷ mất mát" với mức độ tăng trưởng GDP ngày càng thấp, tự do giao thương bị siết chặt. Bản báo cáo World Bank đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải tập trung vào: 1/ đầu tư, 2/ gia tăng thương mại quốc tế, do đó việc tận dụng blockchain để giảm chi phí trong thương mại quốc tế là cần thiết.

Đại diện phía doanh nghiệp cung cấp các giải pháp blockchain có ông Quyết Vũ - CEO LocaMos và ông Eric Hưng - CEO Spores Network, là những người có kinh nghiệm trong việc giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, thông qua sự hỗ trợ của blockchain.

photo-1680872510340

Ông Quyết Vũ (thứ nhất từ phải đếm qua) chia sẻ góc nhìn trong phiên thảo luận

Các đại diện doanh nghiệp đồng quan điểm rằng, đối với doanh nghiệp, bản chất blockchain chỉ là công cụ, quan trọng là giải pháp có hữu ích, có tiết kiệm chi phí không, việc vận hành nền tảng có dễ dàng và cần bổ sung nguồn lực hay không.

Còn theo ông Eric Hưng, giá trị của blockchain đối với doanh nghiệp và người dùng không nằm ở tính chất phi tập trung của sổ cái điện tử này, mà nằm ở khả năng tài chính hóa. Ông cho biết: "Người dùng sở hữu voucher, điểm thưởng trên một nền tảng ứng dụng blockchain hoàn toàn có thể bán voucher nếu không dùng đến, đổi điểm thưởng thành tiền, hàng hóa… Đó là bài toán blockchain giải quyết được và mang lại giá trị cụ thể cho người dùng".

Nhưng blockchain chưa được ứng dụng rộng rãi như mong đợi vì nhiều lý do. Cả ba diễn giả đều đồng tình rằng khung pháp lý là trở ngại lớn nhất trong việc ứng dụng blockchain vào doanh nghiệp và rất cần sự đồng hành từ VBA.

"Để giúp startup blockchain Việt Nam vươn lên ở tầm thế giới thì chỉ vài công ty công nghệ không thể làm được mà cần có sự đồng lòng hỗ trợ của các hiệp hội như VBA, các tổ chức tài chính, chính phủ… cùng xây dựng mô hình kinh doanh triển khai thành công. Ứng dụng blockchain phải được đưa vào phục vụ các giá trị thực thì công nghệ này mới có đất sống và phát triển", CEO LocaMos cho biết.

Ngày nay, toàn bộ nền tảng của thương mại số dựa trên việc chuyển giao hàng hóa và giao dịch trực tuyến mà không cần phải đi lại. Chuyển dữ liệu giao dịch và giao dịch trong thương mại điện tử dễ bị đe dọa trên mạng. Chính vì vậy, công nghệ Blockchain được sử dụng trong thương mại số để giúp quá trình chuyển giao các giao dịch an toàn, bảo mật và nhanh hơn.

"Những ngày lưu trữ dữ liệu theo cách thủ công đã qua và đây là thời khắc của lưu trữ và truyền dữ liệu trực tuyến. Kỷ nguyên mới của số hóa dữ liệu đi kèm với những lợi ích và bất lợi riêng của nó và lúc này đây an ninh mạng là mối quan tâm hàng đầu. Và tôi tin rằng công nghệ blockchain, cùng với các hợp đồng thông minh, sẽ cách mạng hóa tương lai của thương mại số và giúp các doanh nghiệp sớm vươn mạnh sự phát triển ra toàn cầu", bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.