Độc quyền game di động: Cuộc chiến sắp bắt đầu

29/04/2014 17:00 GMT+7

Cuộc chiến lâu năm giữa Apple và Google giành quyền thống trị trên lĩnh vực thiết bị di động đang có những dấu hiệu chuyển hướng, đến với thể loại ứng dụng sinh lợi nhiều nhất: Game.

Theo những lời "xì xầm" ở thung lũng Silicon, cả 2 "gã khổng lồ" công nghệ này đều đang có những động thái "ve vãn" các nhà phát triển game để thuyết phục cho bằng được các hãng này đưa những game hàng đầu của họ đến với hệ điều hành của mình đầu tiên. 

Đổi lại, cả Apple và Google hứa hẹn sẽ cung cấp những chính sách quảng cáo đầy lợi thế để các game này được xuất hiện ở những vị trí cao nhất trên trang chủ của Apple App Store và Google Play, và các danh sách feature được chính họ bình chọn và giới thiệu đến người dùng.

Vào tháng 8 năm ngoái, với sự ra mắt của Plants vs. Zombies 2, nhà phát hành Electronic Arts đã có một thỏa thuận với Apple, cho phép phần tiếp theo của tựa game chiến thuật chống zombie cực kỳ ăn khách này ngay lập tức xuất hiện trong trang "nổi bật" của App Store. Đổi lại, theo tiết lộ của các chuyên gia thạo tin, EA đã đồng ý phát hành Plants vs Zombies 2 đầu tiên và độc quyền trong 2 tháng trên chợ ứng dụng của Apple. Mãi đến tháng 10.2013, tựa game này mới có tên trên Google Play.

(Ảnh: iDownload)

Tương tự, phần tiếp theo của game giải đố nổi tiếng Cut the rope do ZeptoLab phát triển cũng xuất hiện trước tiên trên App Store và tháng 12.2013, lập tức có mặt trên top đầu của chợ ứng dụng, và độc quyền ở đó trong 3 tháng. Đến tháng 3.2014, ZeptoLab mới chính thức phát hành phiên bản Cut the Rope 2 cho Android.

Các đại diện truyền thông của Apple và Google, hiển nhiên, đều từ chối nói đến những nỗ lực lôi kéo game độc quyền trên các chợ ứng dụng của họ. Cụm từ "game độc quyền" vốn là một cuộc chiến đã quá lâu năm, quá nổi tiếng và quá kinh điển trên các hệ máy console nhưng đối với ứng dụng di động, nó lại là thứ vô cùng mới mẻ.

Những động thái của Apple lôi kéo 2 tựa game có thể nói là hay nhất và đáng được mong chờ nhất trong thời gian qua chính là một sự leo thang trong cuộc chiến tranh giành người dùng thiết bị di động, "bật lại" lợi thế về số lượng ứng dụng miễn phí của Android và Google Play.

(Ảnh: Maclife) 

Theo Emily Greer, người đứng đầu của Kongregate - dịch vụ game thuộc sở hữu của nhà bán lẻ game hàng đầu thế giới GameStop, thì những động thái này giống như một cuộc "chạy đua vũ trang" để có được những nội dung tốt nhất trên kho ứng dụng.

"Khi mọi người yêu thích một trò chơi nào đó, và nó không có sẵn trên nền tảng mà họ đang sử dụng, họ sẽ nghĩ đến việc thay thế nó", cô nói. "Mức độ kết dính của một người với trò chơi mà mình yêu thích có thể vượt quá bất cứ thứ gì khác".

Không phải bàn cãi nhiều về việc Apple nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới về thiết bị di động sau khi giới thiệu iPhone vào năm 2007. Tuy nhiên, giờ đây "Quả táo mẻ" đang phải vật lộn với doanh số bán ngày càng tăng của smartphone và máy tính bảng chạy hệ điều hành Android đến từ Samsung và rất nhiều các nhà sản xuất khác.

Gần 80% trong số 1 tỉ smartphone được phân phối trên toàn thế giới trong năm 2013 đều sử dụng hệ điều hành của Google, theo số liệu của IDC (International Data Corporation). Đồng thời, thị phần của Apple cũng giảm xuống chỉ còn 15%.

(Ảnh: Revieu)

Trong nhiều năm suốt thời kỳ đầu của kỷ nguyên smartphone, Apple đã thu hút hầu hết các ứng dụng hay và mới nhất. Các nhà sản xuất game thừa nhận rằng việc phát triển game cho iOS đơn giản hơn bởi nó có ít phiên bản hơn, và các thiết bị chạy nó cũng ít hơn. Ngược lại, Android có rất nhiều biến thể, và các loại thiết bị cũng vô cùng phong phú, vì thế việc phát triển game và tạo sự tương thích với diện rộng các thiết bị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Android đã lại san bằng cán cân và biến cuộc đua trên thị trường di động trở nên cân bằng hơn. Bên cạnh sức hút về thị phần lớn của Android, các công cụ để viết ứng dụng và game cho hệ điều hành này cũng đã trở nên dễ sử dụng.

Theo nghiên cứu của IHS và App Annie, vào năm ngoái, người dùng trên toàn thế giới đã chi ra đến 16 tỉ USD cho các ứng dụng và game di động, trong đó, doanh thu của game chiếm đến hơn 70%. "Games là mặt hàng cực kỳ quan trọng trên các chợ ứng dụng", theo Patrick Mork - cựu Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Google Play và hiện đang là CEO của hãng game di động Unspoken Tales. "Game không chỉ là nơi mà mọi người chi ra rất nhiều thời gian và tiền bạc, mà còn là thứ giúp phô diễn sức mạnh của thiết bị mà họ đang dùng".

Trong khi đó, các nhà phát triển game, cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng cao để thực sự nổi bật trước các đối thủ, và thuyết phục các gamer sử dụng sản phẩm của họ. Việc được hiển thị nổi bật trong hằng hà sa số các sản phẩm khác sẽ giá trị gấp 10 lần hay trăm lần so với thông thường, tùy thuộc vào vị trí xuất hiện quảng cáo.

Đối với Apple, việc đẩy mạnh các game độc quyền thách là một thách thức lâu dài bởi những thứ xuất hiện trong danh sách được giới thiệu (Editor's Choice) đều phải theo tiêu chí đã được đội ngũ "biên tập" dùng thử và đánh giá cao, mà không liên quan gì đến các vấn đề kinh doanh. Trong những nỗ lực đối phó với Android, lôi kéo những tựa game độc quyền và tạo điều kiện tối đa để nó nhanh chóng có được lượng người chơi lớn, quy trình làm việc của nhóm vận hành App Store đã và sẽ phải có những thay đổi lớn.

(Ảnh: Softpedia)

Apple không có bất cứ chính sách tài chính nào về game độc quyền mà chỉ hỗ trợ bằng cách hình thức quảng cáo, theo ý kiến của giới thạo tin tại thung lũng Silicon. Nếu như Electronic Arts và ZeptoLabs đã thỏa mãn với những điều khoản qua lại như vậy, thì vẫn có khá nhiều những nhà phát triển - phát hành game không muốn thực hiện chúng.

Gonzague de Vallois, Giám đốc phụ trách Sales & Marketing tại Gameloft kiêm người sáng tạo ra serie game đua xe Asphalt cực kỳ ăn khách, cho biết ông và Apple đã có những cuộc thảo luận trao đổi về vấn đề độc quyền trên iOS và các hình thức hỗ trợ, nhưng cuối cùng Gameloft vẫn quyết định tung ra các game của mình trên iOS và Android cùng một lúc. "Việc độc quyền như vậy chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng tôi", ông nói.

Asphalt 8 được phát hành cùng lúc trên iOS lẫn Android (Ảnh: Wscont)

Ở phía bên kia, Google tuy chưa độc quyền game nào, nhưng đã có những giao kèo sẽ thúc đẩy quảng cáo nếu như các game hoặc ứng dụng nào đó có tích hợp các thương hiệu của Google vào trong. Ví dụ: vào tháng 3 vừa qua, Game Insight, công ty phát triển game và ứng dụng khá nổi tiếng tại Nga đã bán giảm giá các vật phẩm ingame có hình dạng như con robot linh vật của Android. Đổi lại, Google đã dành cho game của hãng này một vị trí khá đặc biệt, dễ nhìn thấy trên các kệ hàng nổi bật của chợ ứng dụng Google Play.

Amazon cũng bắt đầu có những bước đi riêng. Công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới này cũng đang có những thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất game với kỳ vọng làm tăng sự hấp dẫn của các thiết bị mang thương hiệu Kindle của mình. Hiện tại, hãng này đang có chính sách đưa các ứng dụng có giao kèo độc quyền lên màn hình chủ của Amazon Appstore: "Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà phát triển để mang các ứng dụng của họ đến với Amazon Appstore, một vài trong số đó là độc quyền trên chợ ứng dụng của chúng tôi", một phát ngôn viên của Amazon cho biết.

(Ảnh: BPblogspot) 

Đặc biệt trong ngành công nghiệp game, phần mềm (game) độc quyền xuất hiện để thu hút người dùng mua các sản phẩm phần cứng cụ thể. Các mối quan hệ này đã tồn tại từ rất lâu và mang lại hiệu quả rất tốt. Ví dụ gần đây nhất chính là sự hợp tác giữa Microsoft và Titanfall - tựa game bắn súng FPS online này đã được EA phát hành trên PC và độc quyền duy nhất tại các hệ máy Xbox của Microsoft. Và khi Titanfall trở thành tựa game bán chạy nhất tháng 3.2014 vừa qua, các máy console Xbox 360 và Xbox One của Microsoft cũng đạt doanh số bán rất khả quan.

Trên lĩnh vực di động, việc có được những ứng dụng hay game độc quyền vẫn chưa chứng tỏ được “quyền lực” thật sự của nó. Xét cho cùng, vẫn có rất nhiều thứ - thông số - chi tiết - thiết kế mà người dùng đem ra cân nhắc trước khi mua một thiết bị hoặc lựa chọn hệ điều hành. 

Nhưng dù sao, “độc quyền nội dung” vẫn là hướng đi mới mà Apple, Google hay Amazon đang “tăm tia” để mắt. Để đến một lúc nào đó, khi “binh lực” của các đoàn quân đã quá cân bằng, thì “quân lương” - tức các ứng dụng hay game “bên có bên không” - sẽ cất lên tiếng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.