Mùa lũ ở vùng đất núi

22/10/2013 10:26 GMT+7

Những ngày qua, nước trên con sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) dâng cao, cuồn cuộn chảy, kéo theo sự hối hả của người dân sống bằng nghề cá chẳng khác gì hình ảnh ở miền Tây.

 Mùa lũ 1
Những cánh lưới trên mặt ruộng dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông

Mùa cá chạy

Chúng tôi tìm đến khu vực H.Châu Thành, nơi người dân đang nhộn nhịp với nghề đánh bắt cá từ những ngày lũ về. Nhìn từ 2 bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, một màu nước trắng toát tràn mặt ruộng. Những cánh đồng 2 bên trục đường ĐT 781 từ Xóm Ruộng về cầu Bến Sỏi (bắc ngang sông Vàm Cỏ Đông), chúng tôi bắt gặp những hình ảnh chỉ xuất hiện vào mùa lũ là cảnh người dân đăng lưới, những chiếc ghe bủa lưới ngay trên mặt ruộng.

 Mùa lũ 2
Ghe đánh bắt neo đậu trên lòng hồ Dầu Tiếng luôn sẵn sàng

 

Ông Lê Văn Khải- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết ngoài việc thả cá bổ sung nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương thì ngành thủy sản cũng bảo vệ bằng việc ngăn ngừa tình trạng khai thác kiểu tận diệt bằng xung điện (chích điện) hay bằng những loại lưới quá nhỏ để khai thác thủy sản trên hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, rạch, đồng ruộng…

Sau buổi sáng ngâm mình trong nước bủa lưới, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ H.Hòa Thành) tấp vào bóng cây tràm vàng ven đường ĐT 781 ăn cơm và nghỉ trưa. Chỉ vào mớ cá còn tươi roi rói trên chiếc ghe, anh Kiệt tâm sự: “Đã nhiều năm nay, cứ mùa lũ về thì vợ chồng tôi về đây đánh bắt. Cá không nhiều nhưng cũng đủ để sống qua ngày. Có lẽ mình may mắn hơn miền Trung và miền Tây, mùa lũ ở Tây Ninh luôn yên bình”. Theo vợ chồng anh Kiệt, cứ lũ tràn về, cá từ sông Vàm Cỏ Đông thích vào ruộng để tìm thức ăn. “Có bữa xuất hiện đến mấy ghe trên 1 khoảng ruộng để đánh bắt cá, không khí nhộn nhịp chẳng khác miền Tây”, anh Kiệt nói vui trước khi tiếp tục khởi hành chuyến đánh bắt cá.

Còn những ngày này, tại hồ Dầu Tiếng (H.Dương Minh Châu), tàu thuyền neo đậu bên trong lòng hồ cùng với những chợ cá của người dân càng náo nhiệt. Vừa có chuyến đánh bắt trở về, anh Trần Thanh Hải (45 tuổi, ngụ H.Dương Minh Châu) cập  ghe vào bờ bán cá. Anh Hải cho biết: “Từ 5 giờ sáng tôi lên ghe đi đánh bắt. Khi thấy mặt trời ló dạng thì vòng ghe về bán cá. Cứ như vậy mà đã gần 17 năm tôi sống với nghề này rồi”. Anh Nguyễn Thanh Mạnh (38 tuổi, ngụ H.Bù Gia Mập, Bình Phước) kể thêm: “Nhà không có đất để trồng trọt nên cùng vợ con ngược lên mảnh đất Tây Ninh rời về hồ Dầu Tiếng kiếm sống. Hồ này được địa phương tạo điều kiện để người dân chúng tôi có được cuộc sống ổn định hơn”.

Duy trì nguồn thủy sản

Để duy trì sản lượng cá, tạo cuộc sống cho người dân, hàng năm chính quyền địa phương đã thả hàng trăm ngàn con cá giống được thả xuống hồ Dầu Tiếng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh, tính từ năm 2005 đến nay, đã có gần 8 triệu con cá giống. Cuối năm nay, Chi cục thả bổ sung thêm 750.000 con cá giống gồm: cá tra, cá chép, mè hoa, trám cỏ xuống hồ này.

 Mùa lũ 3
Cá được đánh bắt ở hồ Dầu Tiếng được người dân buôn bán nhộn nhịp ngay trên khu vực hồ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khải- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, tính đến nay, riêng khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có hơn 1.000 hộ dân đánh bắt trong đó có hơn 200 ghe tàu lớn đăng ký đánh bắt với Chi cục Thủy sản. “Cuộc sống người dân, đặc biệt là người dân sống trên lòng hồ Dầu Tiếng vẫn có thể duy trì ổn định bằng nghề cá về sau này nữa nếu như đánh bắt đúng quy định khai thác thủy sản”, ông Khải nói thêm.

Bài, ảnh: Giang Phương

>> Bẫy chuột mùa lũ
>> Mưu sinh mùa lũ
>> Chợ ốc đồng mùa lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.