Tây Ninh: Hàng trăm ha đất công đã bị “phù phép” thành của riêng

06/09/2005 22:59 GMT+7

Bài 2: Những cán bộ cấp tỉnh được giao đất là ai? Năm 1995, BQLDA Bàu Rã giao đất trồng cao su cho 27 cá nhân với diện tích 231,5 ha, trong đó có đến 24 cán bộ cấp tỉnh.

Điều đặc biệt là có đến 8 cán bộ ngành tài chính là: Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Tài chính Dương Văn Thắng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nguyễn Trọng Thể, Nguyễn Thành Long, Trần Văn Xiêm, Nguyễn Văn Nông, Nguyễn Thị Minh, Bùi Xuân Sắc (cán bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh). Một số quan chức cấp cao của tỉnh như ông Trần Việt Biên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Thị ủy thị xã Tây Ninh Trương Tùng Thanh...  Ba cán bộ của BQLDA Bàu Rã Nguyễn Hữu Họa, Trần Xuân Bách, Tô Thị Gái. Người được giao nhiều nhất là 24,4 ha và ít nhất là 5 ha. Theo điều tra của chúng tôi, ngoài diện tích đất được giao, nhiều quan chức đã tìm cách mua lại của một số cá nhân khác nên diện tích thực tế của các quan chức này lớn hơn nhiều lần. Điều đặc biệt nữa là trong số các tổ chức, cá nhân chia chác đất dự án Bàu Rã có sự xuất hiện một công ty tại TP.HCM là Công ty Quán Quân với diện tích sở hữu đến 270 ha đất. Khi thấy mọi việc không êm, công ty này đã nhanh chóng bán lại cho một số cán bộ và nhân dân trong vùng thu trên 7 tỉ đồng.

Theo luật định, để hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống khi tham gia vào dự án 327, Nhà nước sẽ cho vay để trồng cây với lãi suất 0%. Thế nhưng ở dự án Bàu Rã, người dân do không được giao đất nên khoản tiền vay ưu đãi được các quan chức hưởng. Cụ thể, 24 quan chức cấp tỉnh nêu trên đã vay gần 1 tỉ đồng từ chương trình này. Và cho đến nay, nhiều quan chức vẫn chưa chịu trả nợ. Dù vậy, một số cá nhân mặc dù chưa trả hết nợ vay nhưng vẫn được UBND huyện Tân Biên (lúc này đã được UBND tỉnh giao quản lý 3.162 ha đất dự án) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Giải trình về việc này, Phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Biên cho rằng, do không được sự thông tin từ BQLDA về số nợ của các cá nhân. Mặt khác, do khi kê khai cấp GCNQSDĐ các cán bộ quan chức lấy tên người trong gia đình, vợ con nên không theo dõi được và đã  cấp GCNQSDĐ cho toàn bộ các hộ, kể cả những người còn nợ. Hiện nay, có nhiều người đã sang nhượng hợp đồng, chặt phá vườn cây để trồng các loại cây khác mà không được sự đồng ý của BQLDA.

Như chúng tôi đã nói, sau khi giao đất cho 24 cán bộ cấp tỉnh (năm 1995), UBND tỉnh Tây Ninh ngay sau đó đã ra quyết định sáp nhập BQLDA Bàu Rã với dự án Chàng Riệc thành Ban Quản lý rừng phòng hộ biên giới môi trường Chàng Riệc (tháng 3.1996). Mục đích của việc này nhằm loại bỏ số đất đã giao cho các cán bộ ra khỏi dự án để tiến hành hợp thức hóa thành đất tư nhân. Rõ ràng, đây là một kịch bản đã được dàn dựng trước. Thế nhưng, hành động này đã bị người dân phát hiện, phản ứng quyết liệt. Đã có đến 64 hộ dân bị lấy đất gửi đơn khiếu kiện và các cơ quan chức năng đã 2 lần lập đoàn thanh, kiểm tra để giải quyết khiếu nại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Ngay như lần  thanh tra đầu tiên năm 1996, đoàn thanh tra kết luận việc BQLDA Chàng Riệc thu hồi đất của dân giao cho các cán bộ và cá nhân là có thật; kiến nghị đơn vị này phải có kế hoạch phân chia hợp lý diện tích cao su đang quản lý cho người dân trong vùng dự án để cải thiện cuộc sống. Song, BQLDA đã bất chấp, mang diện tích cao su này bán cho  hai cá nhân để đến 8 năm sau, khi đoàn thanh tra thứ hai thành lập, tiến hành thanh tra và phát hiện vụ việc trên.

Hùng Sơn

Bài 1: Những cánh rừng cao su của "quan" 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.