Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

24/10/2011 23:00 GMT+7

Bài viết Cần có chiến lược bảo vệ thương hiệu Việt đăng trên Thanh Niên ngày 24.10 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Để không bị đánh cắp

Chuyện thương hiệu bị đánh cắp là một trong nhiều hậu quả chúng ta phải hứng chịu. Một khi đã gia nhập WTO, chúng ta phải cam chịu những thất bại này khi “lực” của chúng ta còn yếu và thiếu tầm nhìn. Có thể chúng ta sẽ thua, mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột hay nước mắm Phú Quốc…, nhưng chắc chắn, đây sẽ là những bài học để chúng ta tránh bị mất thêm các thương hiệu khác. Vậy chúng ta phải làm gì để các thương hiệu Việt không bị rơi vào tay người ngoài? Học và hiểu luật quốc tế, luật sở hữu trí tuệ, đó là điều cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang kinh doanh cần liên kết lại với nhau, nhờ hiệp hội hay các tổ chức, cơ quan nhà nước sớm tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu ở trong nước và nước ngoài.

 

Thảo My (Bình Chánh, TP.HCM)

Hãy đòi lại những gì thuộc về chúng ta

Lần đầu tiên đi chợ mua những sản phẩm nước mắm ở Mỹ, tôi đã giật mình khi nhận ra rằng các thương hiệu "nước mắm Phú Quốc", "nước mắm Phan Thiết" có xuất xứ từ nước khác mà không phải từ quê hương mình. Thất vọng khi những thương hiệu nổi tiếng và độc quyền của VN lại bị xâm phạm và "biếu không" cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hãy nhanh chóng vào cuộc và hành động mạnh mẽ để đòi lại những gì thuộc về chúng ta.

(trathanh@yahoo.com)

Không có gì bất ngờ

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế cho sản phẩm của mình trước khi xuất khẩu. Nhưng đây là cái yếu không chỉ của doanh nghiệp xuất khẩu mà còn của cả Nhà nước. Khi đã nói đến thương hiệu Việt trên trường quốc tế thì thương hiệu đó không còn là thương hiệu của một sản phẩm, một doanh nghiệp mà là thương hiệu của một quốc gia. Vì thế, Nhà nước cần kết hợp với các doanh nghiệp xem xét cụ thể hơn, dưới nhiều góc độ và có những biện pháp cụ thể để bảo vệ thương hiệu Việt. Làm thể nào để người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt, sản phẩm do chính người Việt làm.

Minh Tâm (Q.1, TP.HCM)

Cần chủ động hơn

Thực tế, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý địa phương chưa nhận thức được đầy đủ vai trò quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Còn các nhà sản xuất thì chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, mà chưa có chiến lược phát triển lâu dài, chưa có sự quan tâm và bảo vệ thương hiệu mà mình nắm giữ. Chỉ đến lúc mất thương hiệu mới giật mình, lo tìm cách đòi lại. Mà đòi lại thì khó hơn vạn lần việc tự đi đăng ký. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương và tập thể đang nắm giữ thương hiệu cần nhanh chóng triển khai, học hỏi và đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân trong việc thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ nhất là trong lĩnh vực pháp luật.

Ngọc Tuyền (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM)

Thanh Đông
 (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.