20.10 với những phụ nữ nơi 'ổ chuột'...

19/10/2013 18:40 GMT+7

(TNO) Họ là những người phụ nữ nghèo ở quê dắt díu nhau lên thành phố mưu sinh. Căn phòng họ ở chỉ có vài mét vuông. Họ phải chen nhau sinh hoạt và ngủ trong điều kiện tồi tàn với cái giá rẻ nhất giữa Sài Gòn hiện đại. Với họ, ngày 20.10 hằng năm vẫn là một ngày vất vả mưu sinh...

(TNO) Họ là những người phụ nữ nghèo ở quê dắt díu nhau vào thành phố mưu sinh. Căn phòng họ ở chỉ có vài mét vuông, chen nhau sinh hoạt và ngủ trong điều kiện tồi tàn với cái giá rẻ nhất giữa Sài Gòn hiện đại. Với họ, ngày 20.10 hằng năm vẫn là một ngày vất vả mưu sinh...

20.10 với những phụ nữ nơi 'ổ chuột' với khát vọng cho con 1
Nơi tắm giặt cũ kĩ, xuống cấp - Ảnh: Thanh Vạn

Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 hay ngày Phụ nữ VN 20.10 với họ như một điều gì đấy rất "xa xỉ" trong cuộc đời. Vẫn là một ngày quần quật mưu sinh, chút ấm lòng lại đến khi những đứa con nhớ đến mẹ, chúc mẹ một vài câu.

Ở trọ với giá 60.000 đồng/tháng

Mấy chục người phụ nữ chui ra chui vào trong căn phòng ẩm thấp, tăm tối và nồng nặc mùi gián, chuột ở một con hẻm đường Rạch Bùng Binh (quận 3, TP.HCM). Căn phòng lụp xụp với xe đạp cũ, quần áo, đồ bán hàng của mấy chục người xếp chật ních trong những ngày giữa tháng 10.2013.

Nếu mới đến đây lần đầu chắc hẳn ai nấy đều cảm thấy khó thở vì mùi hôi thối của rác thải, mùi nước cống bốc lên nồng nặc. Đặc biệt vào những hôm trời ẩm ướt, mùi chuột, gián càng thêm “nồng”.

20.10 với những phụ nữ nơi 'ổ chuột' với khát vọng cho con 2
Phòng dựng bằng những tấm phên, gỗ tạm bợ, cũ kĩ - Ảnh: Thanh Vạn

20.10 với những phụ nữ nơi 'ổ chuột' với khát vọng cho con 3
Căn phòng ẩm ướt, tăm tối, chật chội - Ảnh: Thanh Vạn

20.10 với những phụ nữ nơi 'ổ chuột' với khát vọng cho con 4
Góc nhỏ để làm hàng đi bán, và ngủ, bọn bề với đồ đạc - Ảnh: Thanh Vạn 

Đây chính là nơi nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc của những người phụ nữ rời quê lên phố kiếm sống.

Bà Đỗ Thị Hoa (45 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Sống ở đây ngột ngạt vô cùng, nhưng vì mưu sinh nên phải chịu đựng. Ngủ cũng chỉ chập chờn thôi. Tính ra có 2.000 đồng/ngày, ở đâu ra cho chỗ ngủ đàng hoàng".

 

Đã bán không được thì phải tiết kiệm mới có dư ra, gởi về cho con đi học, mấy đứa nó ở nhà cũng tội, nhìn  cô gầy vậy thôi chứ cô ít ốm đau lắm nên không sao.

 Cô Đặng Thị Diệt

Cũng theo bà Hoa thì nước sinh hoạt là nước giếng khoan nhiều phèn, tanh hôi nhưng không ai kêu ca vì dùng cũng đã quen.

Không chỉ vất vả trong mưu sinh, chỗ ở, giấc ngủ mà cả trong từng miếng ăn hằng ngày, họ cũng rất khổ. Vì không làm ra được nhiều tiền nên họ tiết kiệm từng đồng. 

Ví như cô Đặng Thị Diệt (40 tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nuôi 3 người con ăn học) mỗi ngày chỉ ăn đúng một bữa. Thức ăn thường trực của là muối ớt, rau muống luộc chấm mắm, năm khi mười họa mới dám mua hộp cơm có thịt, cá, ngày nào mưa gió thì ăn cơm trắng.

Hỏi cô, ăn như vậy thì làm sao đủ sức mà đi bán, cô bảo: “Đã bán không được thì phải tiết kiệm mới có dư ra, gởi về cho con đi học, mấy đứa nó ở nhà cũng tội, nhìn cô gầy vậy thôi chứ cô ít ốm đau lắm nên không sao”.

"Thời gian đầu, buồn và tủi thân dữ lắm. Nhiều lúc muốn bỏ hết, về quê với chồng con, ít nhất cũng được chỗ ở cho rộng rãi, nhưng nghĩ đến cảnh ruộng ít, nhà lụp xụp, về thì tiền đâu gửi cho con đi học...”, chị Hoa nói xen vào.

Nhà vệ sinh, nơi tắm dùng chung, cũ nát và tạm bợ. Mới 1 giờ sáng mà có cả chục người đứng, ngồi chờ đến lượt “giải quyết nhu cầu” hay tắm rửa. Sau đó họ ngã lưng, chợp mắt được vài tiếng đồng hồ rồi 4 giờ phải dậy để tiếp tục cuộc mưu sinh vì những đứa con ở quê.

Tiếng thở dài, tiếng ngáy, ho và cả những tiếng rên rỉ mệt mỏi vọng lại trong đêm.

Ấm áp thay cho mẹ

Những ngày thường là vậy, còn đến 20.10, đối với những người phụ nữ khu ổ chuột này, đây là những đêm không ngủ. Họ tranh thủ đến chợ đầu mối, hay mấy tiểu thương lấy hoa về để bán, hi vọng kiếm thêm ít đồng.

Bên cạnh những túi đậu phộng, xoài cóc, bánh tráng mà ngày thường họ vẫn bán là những cành hoa hồng.

Giữa những khách sạn, nhà hàng, quán ăn sang trọng, những cô cậu trẻ, những người phụ nữ xinh đẹp, màu áo nâu của họ lặng lẽ nép mình đưa cánh hoa mời khách.

Cô Diệt cho biết: “Mình không phải chuyên bán hoa, nên lấy lại được ít hoa, cũng không tươi lắm nên ráng bán, tranh thủ lễ kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, có người mua hoa là mừng rồi, hơi đâu buồn”.

Nuốt vội miếng cơm nguội, chị lại tất bật đi bán. Những dáng người nhỏ, gầy gò, lầm lũi lang thang khắp đường phố Sài Gòn trong những ngày lễ tôn vinh một nửa của thế giới, với hi vọng kiếm thêm ít tiền cho con ăn học.

Nhưng niềm vui, niềm an ủi  khác với họ là cuối ngày sau khi trở về khu nhà ổ chuột là những lời thăm hỏi, động viên của chồng con nhân ngày 20.10, để họ biết mình vẫn là một người phụ nữ Việt.

Chỉ có điều niềm vui ấy thoáng qua với mong mỏi chờ con cái ra trường. Gia đình, chồng con luôn bên họ, động viên và làm điểm tựa cho những người phụ nữ trong cuộc mưu sinh.

20.10.2013 đã rất gần.

Sài Gòn hiện đại vẫn tấp nập, ồn ào nhưng thấp thoáng là những dáng người phụ nữ gầy gò, với những gánh hàng rong vẫn nhẫn nại và lặng lẽ, dạo bước qua từng con phố mưu sinh và trở về bên khu nhà ổ chuột.

Từng ngày cứ trôi qua, những hi sinh thầm lặng của họ là để mong một ngày con lớn thành người…

Lê Cầm - Thanh Vạn

>> Giúp phụ nữ nghèo
>> Sao Việt chung tay vì phụ nữ nghèo miền Trung
>> Giúp phụ nữ nghèo
>> Quyên áo ngực cho phụ nữ nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.